Một bạn trẻ thông minh, chịu khó và có khả năng tổ chức cuộc sống tốt phải đi xin tài trợ từ cộng đồng để có thể tiếp tục đến trường – liệu chúng ta có thể làm gì để giúp em và những sinh viên có hoàn cảnh tương tự?
Chắc hẳn nhiều người vẫn còn ấn tượng về câu chuyện cậu sinh viên - shipper nói tiếng Pháp với nhà văn Marc Levy trong một sự kiện ra mắt sách ở TP.HCM tháng 11 vừa qua. Tôi cũng không phải ngoại lệ. Lúc đầu, tôi rất ấn tượng với khả năng ngoại ngữ và sự tự tin của em. Nhưng đọc được câu chuyện về khó khăn tài chính khi học đại học của em sau đó, tôi lại có nhiều trăn trở. Rõ ràng là một bạn trẻ thông minh, chịu khó và có khả năng tổ chức cuộc sống tốt mà phải đi xin tài trợ từ cộng đồng để có thể tiếp tục đến trường – liệu chúng ta có thể làm gì để giúp em và những sinh viên có hoàn cảnh tương tự?
Mặt khác, chúng ta chắc hẳn từng được nghe những câu chuyện còn khó khăn hơn vậy. Sự giúp đỡ của mạnh thường quân là rất đáng trân quý nhưng rõ ràng chúng ta cần một giải pháp lâu dài và bền vững hơn. Trong những năm trước, nhờ đầu tư của nhà nước, học phí đại học công lập được giữ ở mức thấp. Nhưng ngày nay, mức đầu tư cho nhiều cơ sở giáo dục đại học đã giảm đáng kể và ở mức rất thấp, chỉ chiếm 0,33% tổng GDP của cả nước (Đặng, 2020).
Huỳnh Hữu Phước, chàng sinh viên - shipper nói tiếng Pháp với nhà văn Marc Levy, trong căn phòng trọ đầy sách của em. Ảnh: thanhnien.vn
Được triển khai từ năm 2007, chương trình tín dụng nhằm hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận giáo dục đại học đã đạt được những thành quả nhất định. Tuy nhiên, quy chế tín dụng thế chấp bộc lộ hai nhược điểm chính. Thứ nhất, tỷ lệ nợ xấu cao. Thứ hai là gánh nặng tài chính cho sinh viên mới ra trường, chưa có thu nhập tốt đã phải trả nợ ngay. Điều này làm giảm sức hút của chương trình: trong một cuộc khảo sát, 45% sinh viên trả lời không vay vốn là do lo ngại áp lực trả nợ trong tương lai (Nguyễn et al., 2021). Những khó khăn trên cho thấy sự cần thiết phải suy nghĩ sáng tạo hơn về cách tài trợ và có những chính sách mới cho chương trình tín dụng giáo dục đại học.
Tài trợ cho giáo dục đại học như một loại hàng hóa công đặc biệt
Liệu giáo dục đại học có phải hàng hóa công đặc biệt hay không vẫn còn nhiều tranh cãi không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Với cá nhân tôi, giáo dục đại học là một loại hàng hóa công đặc biệt vì nó có tác động ngoại biên. Một người có giáo dục tốt sẽ có đóng góp tích cực cho xã hội. Một cộng đồng được giáo dục tốt cũng thường có tỷ lệ tội phạm thấp hơn.
Vậy nếu giáo dục đại học là hàng hóa công đặc biệt, liệu có thể áp dụng mô hình tài trợ giống như lĩnh vực hạ tầng cơ bản? Cơ sở hạ tầng công cộng thường dựa vào các khoản nợ thả nổi gắn liền với chi phí sử dụng dài hạn theo vòng đời. Những khoản phí cầu đường, điện, nước sau vài chục năm sẽ trang trải chi phí liên quan đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, mức phí của những hóa đơn này sẽ phụ thuộc vào nhu cầu và năng lực chi trả của người sử dụng. Ai sử dụng nhiều sẽ phải đóng nhiều tiền và ngược lại.
Nguyên lý này có thể được áp dụng vào giáo dục đại học khi Nhà nước và xã hội đầu tư vào sự thành công của sinh viên thông qua việc trả trước học phí dưới hình thức tín dụng. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên phải trích một tỷ lệ dựa trên thu nhập (năng lực) để thanh toán khoản vay. Những sinh viên có thu nhập cao sau tốt nghiệp sẽ trả khoản tiền nhiều hơn so với những sinh viên thu nhập thấp, cũng giống như các cơ quan kinh doanh, sản xuất sẽ trả mức tiền điện cao hơn hộ sinh hoạt gia đình.
Tín dụng sinh viên dựa trên thu nhập – xu thế tất yếu của giáo dục đại học hiện đại
Mô hình đề xuất phía trên chính là mô hình Tín dụng sinh viên dựa trên thu nhập đã được triển khai ở các hệ thống giáo dục phát triển như Úc, Vương quốc Anh và Mỹ (Trinh, 2022). Với việc hệ thống giáo dục đại học ngày càng mở rộng, trong khi ngân sách nhà nước là hữu hạn, chương trình tín dụng sinh viên dựa trên thu nhập rõ ràng là một giải pháp giúp giảm thiểu gánh nặng cho cả ngân sách và sinh viên.
Khi giảm thiểu được gánh nặng tài chính, sinh viên sẽ cởi mở và có thái độ tích cực hơn khi đăng ký các khoản vay để theo học đại học. Các khoản trả nợ phù hợp với mức thu nhập, do đó sẽ giúp sinh viên tự do chọn công việc theo sở thích thay vì buộc phải theo đuổi những công việc mà các em không muốn chỉ để có tiền trả nợ, ví dụ làm shipper như em sinh viên được nhắc đến ở đầu bài viết.
Những sinh viên có thu nhập cao sau khi tốt nghiệp sẽ chi trả một khoản tiền lớn hơn, có thể bù đắp cho những sinh viên thất nghiệp hoặc thu nhập thấp. Đa phần sinh viên tốt nghiệp sẽ có mức thu nhập trung bình. Do đó, khoản trả nợ hằng năm của sinh viên có thể được coi là một loại “thuế” để đổi lấy quyền lợi được “miễn học phí” khi theo học đại học, nơi đặt những viên gạch đầu tiên trong sự nghiệp của mình.
Đặc biệt, ưu thế của chương trình tín dụng dựa trên thu nhập so với chương trình tín dụng thế chấp có thể thấy rõ khi xuất hiện những “cú đánh” bất ngờ như đại dịch COVID-19. Những sinh viên có công việc bị ảnh hưởng bởi đại dịch sẽ giảm thiểu được gánh nặng trả nợ hằng tháng hoặc không phải trả nợ (do thất nghiệp).
Dĩ nhiên, đây là một mô hình đề xuất và cần phải lường trước những rủi ro có thể phát sinh khi triển khai. Trong một bài viết khác (Trinh, 2022), tôi đã nói về tính khả thi của chính sách tín dụng sinh viên dựa trên thu nhập khi thực hiện tại Việt Nam. Theo đó, điều quan trọng nhất là phải xây dựng một hệ thống/phương pháp kiểm soát thu nhập minh bạch và chính xác cao.
Chúng ta đã nói rất nhiều về giá trị của tấm bằng đại học, rằng đại học là một khoản đầu tư đáng giá. Giờ là lúc chúng ta cần chứng minh điều đó bằng việc có những chính sách thúc đẩy mức độ tiếp cận và giúp những em sinh viên hiếu học như cậu sinh viên - shipper kia không còn bất an với mơ ước chinh phục kiến thức của mình.
Tài liệu tham khảo