Trong năm 2022 thế giới đã chứng kiến những biến động dồn dập, khó lường trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội.

Trong năm 2022 thế giới đã chứng kiến những biến động dồn dập, khó lường trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội: đại dịch COVID-19 gây tác hại lớn trên thế giới, biến đổi khí hậu gây khô hạn chưa từng có ở châu Âu và Trung Quốc, chiến tranh ở Ukraine đẩy giá dầu thô, ngũ cốc và thực phẩm tăng vọt, cuộc đối đầu Mỹ-Trung đã lan rộng từ chiến tranh thương mại sang kinh tế, khoa học-công nghệ, Cách mạng Công nghệ 4.0, chuyển đổi sang kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trở nên những đòi hỏi cấp bách cho quá trình phát triển. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và có thể rơi vào suy thoái trong năm 2023. Do đó, chính sách cũng phải điều chỉnh với năng lượng tái tạo thay thế dầu lửa và than, trong khi nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng đang thay đổi nhanh chóng: ô tô điện thay thế ô tô chạy xăng, đi xe đạp trở nên phổ biến ở các thành phố trên thế giới v.v. Làm việc từ xa, học tập qua mạng, khám bệnh từ xa đã trở nên phổ biến. Kịp thời dự báo, đánh giá những thay đổi trong môi trường kinh doanh và tác động tới nền kinh tế, tới doanh nghiệp để điều chỉnh, vươn lên là yêu cầu cấp thiết để tránh bị tụt hậu đối với chính phủ và doanh nghiệp.

Tác giả Lê Đăng Doanh

Việt Nam đã kiểm soát được đại dịch COVID-19, sớm chuyển từ phong tỏa sang phòng chống dịch và hồi phục các hoạt động kinh tế, đạt được những thành tựu và tiến bộ được thế giới công nhận: tăng trưởng GDP có thể đạt trên 7%/năm,mức cao nhất trong ASEAN, không chỉ bảo đảm an ninh lương thực mà còn trở thành cường quốc xuất khẩu gạo và nông sản. Thực hiện chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh phụ thuộc vào một nền kinh tế duy nhất, nước ta đã ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với bốn nước Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc và 17 đối tác chiến lược, có quan hệ kinh tế với 58 nền kinh tế trên thế giới là một quyết sách đúng đắn, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế. Song, các doanh nghiệp của chúng ta chưa tận dụng tốt những thời cơ đã và đang được mở ra. Xuất-nhập khẩu năm 2021 đạt 236% GDP nhưng 70% giá trị xuất khẩu do doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thực hiện với giá trị gia tăng tạo ra ở Việt Nam còn rất khiêm tốn, chủ yếu là lao động lắp ráp. Hiện nay, nước ta chỉ có khoảng 8 doanh nghiệp trên 1000 dân trong khi để đạt được thu nhập trung bình phải có 26 doanh nghiệp trên 1000 dân và chỉ số đó ở Mỹ 83 doanh nghiệp trên 1000 dân. Với 5 triệu hộ kinh doanh gia đình ở thành thị và 5 triệu hộ nông dân ở nông thôn nước ta đã nhanh chóng vượt qua đói nghèo, song hộ kinh tế gia đình vẫn thuộc khu vực kinh tế phi hình thức, không đủ năng lực tham gia chuỗi giá trị quốc tế, không thể trực tiếp hội nhậpvà giao dịch quốc tế, không thể chuyển đổi sang kinh tế số có hiệu quả.


Để trở thành nước có thu nhập trung bình cao, nước ta phải tiến hành Đổi mới lần hai, nhanh chóng phát triển các hộ kinh tế gia đình, hộ nông dân nhỏ lẻ thành doanh nghiệp có đủ năng lực quản lý hội nhập quốc tế và vận dụng các thành tựu của Cách Mạng Công nghiệp 4.0, nhanh chóng đạt mức 20-30 doanh nghiệp/1000 dân. Hiện nay đã xuất hiện một số doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tới mức vận dụng máy bay không người lái để canh tác trên cánh đồng mẫu lớn, đã đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe để xuất khẩu thành công sang Hoa Kỳ, Trung Quốc, những doanh nghiệp kinh tế số hiện đại... Song, đó chỉ là một số điển hình, còn rất nhiều nông, hải sản xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô, chưa có thương hiệu được quốc tế công nhận.

Trong ba trọng tâm cải cách và phát triển gồm : thể chế, kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực thì cải cách thể chế là khâu quyết định. Chính kinh tế số cho phép thực hiện công khai minh bạch thông tin của bộ máy cầm quyền, kiểm soát quyền lực, hạn chế tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Bộ máy nhà nước phải chuyển mạnh sang nhà nước điện tử, công khai minh bạch về các hoạt động, nhất là thu-chi ngân sách để người dân, các tổ chức xã hội dân sự có thể giám sát hoạt động của nhà nước theo cách Thụy Điển, Hàn Quốc đã thực hiện. Thụy Điển không có chuyên cơ, nhà vua, Thủ tướng Thụy Điển đều đi máy bay thương mại với người dân. Chiến dịch “đốt lò” chống tham nhũng được dư luận ủng hộ rất cần được đẩy mạnh bằng cải cách thể chế, bộ máy, cải cách các chế độ, quy định không còn phù hợp với kinh tế số và nhà nước điện tử ngày nay.

Vận dụng Cách mạng Công nghiệp 4.0, kinh tế số vào cải cách bộ máy chắc chắn sẽ đem lại bước nhảy vọt trong sự nghiệp Đổi mới của đất nước ta./.