Các nhà khoa học cho rằng cần bắt buộc các công ty gây ô nhiễm lưu trữ carbon dioxide dưới lòng đất để thế giới đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0”.
Quy tắc công ty sản xuất gây ô nhiễm phải trả tiền để làm sạch khí thải đã được thiết lập trên toàn cầu, thế nhưng nó chưa hề được áp dụng cho khủng hoảng khí hậu.
Công nghệ thu lại và lưu trữ khí carbonic đang tiến bộ, hiện nay về mặt kỹ thuật là khả thi, theo tiến sĩ Myles Allen tại Đại học Oxford.
“Chúng ta có công nghệ rồi - điều luôn thiếu là chính sách hữu hiệu. Thất bại là chính sách chứ không phải công nghệ”, ông nói.
Các công ty hưởng lợi từ việc khai thác nhiên liệu hóa thạch - các công ty dầu mỏ, khí đốt và than đá quanh thế giới - phải trả tiền cho khối lượng khí carbonic tương đương được lưu trữ trong đất, đây phải là điều kiện để họ được phép hoạt động, ông bàn luận.
Allen cùng bốn nhà khoa học khác từ Oxford, Mỹ và Hà Lan là tác giả của bài báo được đăng trên tạp chí Environmental Research Letters, trình bày ý tưởng về việc trách nhiệm mở rộng của các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch.
Theo “nghĩa vụ thu hồi carbon”, tất cả nhiên liệu hóa thạch được khai thác hay nhập khẩu vào một quốc gia hoặc một nhóm quốc gia phải được bù lại bằng cách lưu trữ dưới lòng đất một lượng carbon dioxide tương đương với lượng khí thải từ các nhiên liệu đó. Áp dụng tuần tự theo thời gian, quy tắc này sẽ khiến 100% lượng khí thải được lưu trữ vào năm 2050, giúp thế giới đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0”.
Không như thuế carbon ngăn cản việc dùng nhiên liệu hóa thạch bằng cách tăng giá, các tác giả của bài báo lập luận, hệ thống mà họ đưa ra sẽ đảm bảo trung hòa được tác động đối với khí hậu, đồng thời chi phí cho việc này sẽ nằm trong chi phí sản xuất nhiên liệu hóa thạch.
Theo bài báo, hiện tại công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon vẫn rất tốn kém, nhưng trong vài thập niên nữa chi phí sẽ giảm mạnh. Việc này sẽ cho phép lưu trữ carbon dioxide trong “địa quyển” (dưới lòng đất) thay vì trong sinh quyển (rừng và thảm thực vật), nơi vốn phải chịu áp lực do nhu cầu cần quá nhiều đất để trồng lương thực trên khắp thế giới.
“Khi tạo ra quá nhiều carbon dioxide thì bạn sẽ phải cất giữ nó ở đâu đó, bạn lại không thể trông chờ vào sinh quyển, vì còn cần sinh quyển để sản xuất lương thực. Bởi thế nó sẽ phải đi xuống lòng đất. Đây là một chính sách rõ ràng sẽ mang lại kết quả mà chúng ta cần,” Allen nói.
Song Allen từng thất bại khi cố gắng biến ý tưởng này thành chính sách vào năm 2015. Trên danh nghĩa, đề xuất của ông nhận được sự ủng hộ của chính phủ và phe đối lập, nhưng cuối cùng vẫn thất bại do các thủ tục của quốc hội và không được xem xét lại.
Cùng biểu thuế carbon đối với các sản phẩm có cường độ carbon cao (CBAM), giải pháp thu hồi carbon có thể mang lại hiệu quả nhờ phạt tiền hay ngăn nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ các quốc gia không áp đặt một số hình thức nghĩa vụ giảm carbon đối với các ngành công nghiệp của họ.
Hugh Helferty, giám đốc nghiên cứu chiến lược đã nghỉ hưu tại ExxonMobil, một tác giả của bài báo, cho rằng, nếu muốn duy trì mục tiêu 1,5oC thì bằng cách nào đó ta phải tính được chi phí để loại bỏ carbon.
"Ai sẽ trả đây? Là người nộp thuế, hay nhà sản xuất, hoặc nhà sản xuất và người tiêu dùng cùng nhau trả?" ông nêu câu hỏi. "Nhà sản xuất và người dùng nên là người trả chi phí này, chứ không phải người đóng thuế. Điều đó đặt nỗ lực giảm khí thải vào đúng chỗ.”
Một số nhà khoa học khác không tham gia vào bài báo hoan nghênh ý tưởng này.
Theo tiến sĩ Hannah Chalmers, Phó Giáo sư về hệ thống năng lượng bền vững tại Đại học Edinburgh, “Việc đưa ra trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất với nhiên liệu hóa thạch sẽ là một yếu tố xoay chuyển tình thế để chúng ta ứng phó thành công với thách thức cung cấp năng lượng carbon thấp, giá cả phải chăng."
Paul Ekins, Giáo sư về chính sách tài nguyên và môi trường tại Đại học London, thì cho rằng: “Chúng ta cấp thiết phải có các chính sách giảm phát thải khí CO2 mới. [Đề xuất này] cung cấp một cách xây cơ sở hạ tầng lưu trữ và thu hồi lượng lớn carbon cần thiết để đạt được mục tiêu 1,5oC, theo các mô hình hiện nay. Các cuộc họp [về khí hậu của Liên Hợp Quốc] cần khẩn trương bắt đầu thảo luận về các biện pháp như vậy trước khi không còn cơ hội đạt được mục tiêu”.
Nguồn: