Tháng 4/2022, GS. Do Yong Park đến Việt Nam với tư cách học giả Fulbright về giáo dục STEM. Dưới đây là chia sẻ của ông từ những gì ông tìm hiểu, quan sát được về giáo dục STEM trong 5 tháng ở Việt Nam.
Mục đích chuyến đi của tôi đến Việt Nam là giúp đào tạo giảng viên đại học để họ có thể giảng dạy các khóa học STEM tập trung vào lĩnh vực “kỹ thuật” (Engineering) cho các giáo viên tương lai ở các cấp từ mầm non đến THPT. 12 giảng viên thuộc các lĩnh vực STEM của trường Đại học Sư phạm TPHCM (HCMUE) đã tham gia và hoàn thành tất cả các yêu cầu của chương trình Fulbright.
Trước đây, hiểu biết của tôi về giáo dục STEM ở Việt Nam còn rất hạn chế. Tôi chỉ lượm lặt được một ít thông tin từ internet, sách vở và các báo cáo của Liên Hợp Quốc mà qua đó, tôi nắm được vài điều. Thứ nhất, giáo dục STEM mới được giới thiệu ở Việt Nam. Thứ hai, giáo dục STEM chưa được triển khai rộng rãi ở tất cả các trường mà chỉ ở một số trường. Thứ ba, đã có những tranh luận, hoài nghi về khả năng triển khai giáo dục STEM ở tất cả các cấp học từ mầm non đến THPT. Vì vậy, tôi thực sự muốn đến thăm các trường ở các vùng khác nhau để xem họ định vị giáo dục STEM như thế nào.
Sau khi gặp gỡ mọi người qua các bài giảng, khóa đào tạo, hội thảo, và các chuyến đi thực tế, quả thực hiểu biết của tôi về giáo dục STEM ở Việt Nam đã tăng lên rõ rệt. Một số hiểu biết trước đây của tôi gần như khớp với những gì đang diễn ra ở Việt Nam. Ví dụ, giáo dục STEM mới ở giai đoạn đầu và chưa sẵn sàng để triển khai rộng rãi. Tuy nhiên, không có tranh luận và hoài nghi về khả năng của giáo dục STEM. Tất cả các học giả và các bên liên quan - từ phụ huynh, nhà trường đến các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách - mà tôi gặp đều nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục STEM đối với tương lai của Việt Nam.
Với sự giúp đỡ của TS. Đặng Văn Sơn và ông Đỗ Hoàng Sơn ở Liên minh STEM, tôi đã có cơ hội tới thăm nhiều trường học để tìm hiểu xem giáo dục STEM được triển khai ra sao và những yếu tố nào dẫn đến thành công.
Trong các chuyến đi, tôi chủ ý chọn các trường ở nông thôn hoặc miền núi phía Bắc xa xôi vì tôi tin rằng nếu không có sự tham gia của họ, giáo dục STEM không thể có được thành công trọn vẹn ở bất kỳ quốc gia nào. Ở Việt Nam, khoảng 63% dân số không sống ở thành phố, do đó các trường học ở nông thôn sẽ đóng vai trò then chốt trong việc đạt được các mục tiêu giáo dục STEM tổng thể.
Các chuyến đi đã để lại cho tôi ba ấn tượng chính. Đầu tiên là nhiệt huyết của các trường nông thôn và miền núi dành cho giáo dục STEM. Gần như tất cả các trường mà tôi đến thăm đều có lớp học được thiết kế thành “Phòng học STEM” hoặc “STEM Lab”, mặc dù điều này có thể không đúng với tất cả các trường nông thôn trên cả nước. Thứ hai, hầu hết các trường đều thiếu cơ sở vật chất và học liệu cho giáo dục STEM. Ví dụ, một số nội dung STEM như robotics vẫn chưa được đưa vào ở nhiều trường. Thứ ba, giáo viên và cán bộ quản lý chưa hiểu đầy đủ giáo dục STEM là về cái gì, tại sao và làm thế nào để dạy các môn học STEM. Điều này đặc biệt đúng đối với việc dạy học trong lĩnh vực Kỹ thuật (engineering education). Tôi đã tặng 4 bộ robot giáo dục KCbot cho một số trường và Phòng GD&ĐT ở huyện Mù Cang Chải và huyện Văn Chấn thuộc tỉnh Yên Bái; huyện Bảo Thắng thuộc tỉnh Lào Cai; và huyện Than Uyên thuộc tỉnh Lai Châu. Sáu tháng sau khi tôi rời Việt Nam, 2 trường học ở huyện Mù Cang Chải và huyện Bảo Thắng còn làm tốt hơn: các em học sinh đang tích cực chuẩn bị tham gia giải đấu VEX IQ Robotics toàn quốc được tổ chức vào tháng 2/2023.
GS. Do-Yong Park giảng bài STEM cho 300 thầy cô và học sinh huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu ở Trường THCS Thị trấn Than Uyên, kết hợp online với 6 điểm cầu khác ở các trường học trong huyện. Ảnh: Thu Trang
Bên cạnh đó, tôi còn có một số ấn tượng khác, đó là chương trình giáo dục STEM chưa rõ ràng ở cấp quốc gia. Kể từ khi khái niệm giáo dục STEM được giới thiệu ở Việt Nam vào năm 2014 (trong Điều lệ Trường trung học), một số nhiệm vụ quan trọng đã được hoàn thành ở cấp quốc gia, đáng chú ý nhất là việc giáo dục STEM trở thành một trong những nhiệm vụ của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Nhưng dường như chưa có Kế hoạch Tổng thể về Giáo dục STEM tầm quốc gia, khiến tôi phỏng đoán rằng các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa xác quyết được các vấn đề chính, chẳng hạn như sứ mệnh, các mục đích và mục tiêu cụ thể của giáo dục STEM; giáo dục STEM nên được thử nghiệm và triển khai trong bao lâu và theo cách nào; nên dạy ở cấp độ nào trong các trường công lập và tư thục; cần bao nhiêu tiền; và những nguồn lực nào có thể được sử dụng để hỗ trợ giáo dục STEM ở mỗi tỉnh. Những thách thức này có thể cản trở việc triển khai giáo dục STEM trong các trường học trên cả nước.
Về mặt tích cực, đã có một số nỗ lực thành công trong việc đánh động suy nghĩ của người dân Việt Nam về giáo dục STEM. Trong đó phải kể đến những nỗ lực của Liên minh STEM; STEAM For Vietnam; Teach for Vietnam; các cuộc thi lập trình robot; và các kỳ Olympic Toán, Vật lý, Thiên văn học, Hóa học, Sinh học, Cờ vua và các môn học liên quan khác.
Đồng thời, giáo dục STEM tại Việt Nam cũng đang được thúc đẩy bởi một số doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Ví dụ: Tổ hợp Samsung Vietnam đã tổ chức vòng chung kết “Solve for Tomorrow” năm thứ 4 với mục tiêu tìm kiếm các tài năng trẻ từ hơn 1.000 dự án STEM của học sinh Việt Nam.
Tuy nhiên, với tư cách là một quốc gia, còn rất nhiều việc phải làm để phát triển và duy trì các chương trình giáo dục STEM khả thi nhằm đáp ứng nhu cầu sắp tới về lực lượng lao động trong các lĩnh vực STEM ở Việt Nam. Cụ thể, chúng ta phải trả lời câu hỏi làm thế nào để bảo đảm sự công bằng trong giáo dục ở tất cả các địa phương cũng như giữa các trường công lập và tư thục. Chuyến đi lần này đến Việt Nam càng củng cố niềm tin của tôi rằng giáo dục STEM phải được thiết kế và triển khai ở cả khu vực nông thôn và thành thị.
GS. Do-Yong Park tập huấn về giáo dục STEM cho các giáo viên “Teach For Vietnam”. Ảnh: Thu Trang
Một cách hiệu quả để giảng dạy các môn học này có hệ thống là đào tạo các chuyên gia giáo dục STEM trong các cơ sở giáo dục đại học. Sau đó, họ trở thành giáo viên chính thức hoặc chuyên gia STEM trong các ngành công nghiệp trên khắp Việt Nam và dạy STEM theo cách họ đã được đào tạo. Mô hình giáo dục STEM lan tỏa này đã được chứng minh là có hiệu quả dựa trên hơn 20 năm nghiên cứu tại Mỹ. Đó là mô hình mà tôi đã dùng làm cơ sở để xây dựng dự án Fulbright 2022 của mình tại Đại học Sư phạm TP.HCM.
Để cải thiện và thúc đẩy giáo dục STEM, tôi muốn đưa ra một số khuyến nghị với tư cách là một học giả Fulbright.
Thứ nhất, xây dựng và công bố Kế hoạch Tổng thể về giáo dục STEM của Việt Nam. Tiến độ nên được công bố công khai để những nỗ lực của chính phủ và cộng đồng được ghi nhận hằng năm.
Thứ hai, cần có những nỗ lực bền vững và tích cực hơn để khởi xướng và phát triển giáo dục STEM trong tất cả các trường học ở tất cả các tỉnh, thành phố với sự hỗ trợ hợp lý về học liệu và cơ sở vật chất.
Thứ ba, cần đào tạo nhiều chuyên gia giáo dục STEM hơn để giảng dạy các môn học STEM tập trung vào lĩnh vực kỹ thuật (Engineering) cho các giáo viên tương lai.
Tóm lại, nếu Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan đồng lòng hợp tác, chắc chắn sẽ có một tương lai tươi sáng cho giáo dục STEM ở đất nước này.
Giáo dục STEM Mỹ đã có lịch sử 30 năm. Ảnh minh họa: INT
Ở Mỹ, các tiêu chuẩn về giáo dục STEM đã được đưa vào chương trình giảng dạy. Tất cả các giáo viên đều được tập huấn về các mục đích và mục tiêu cụ thể, nội dung, chiến lược giảng dạy và phương pháp của giáo dục STEM. Vì vậy, họ sẵn sàng triển khai và thực tế đã triển khai giáo dục STEM trong lớp học.
Đồng thời, trong trường học thường có một phòng học chuyên dùng để dạy kỹ thuật (Engineering) với các học liệu và trang thiết bị đầy đủ.
Bên cạnh đó, học sinh trung học ở Mỹ được khuyến khích tham gia các hoạt động giáo dục STEM vì nó sẽ được xem xét trong hồ sơ tuyển sinh đại học. Ví dụ, học sinh tham gia các cuộc thi STEM để nhận giải thưởng và được tính thành tích trong hồ sơ vào đại học.
Các trường học Mỹ cũng được tiếp cận các thiết bị kỹ thuật và các chuyên gia trong từng lĩnh vực STEM – những người có thể tư vấn cho các em về viễn thông, đo lường điện tử, kỹ thuật điện tử, lĩnh vực y tế, xây dựng, khoa học máy tính, an ninh mạng, v.v.
Nước Mỹ xây dựng được môi trường giáo dục STEM như nêu trên là bởi giáo dục STEM đã được bắt đầu từ cách đây 30 năm. Qua một quá trình lâu dài như vậy, các bên liên quan và các nhà giáo dục đến nay đã đạt được sự nhất trí về việc giáo dục STEM là gì và triển khai như thế nào. |
NN dịch