Mặc dù Singapore có diện tích và dân số nhỏ so với những cường quốc khác nhưng qua nhiều năm, quốc gia này đã trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng trong các ngành công nghiệp khác nhau, từ điện tử, kỹ thuật chính xác cho đến dược phẩm, công nghệ sinh học và hoá chất.
Hiện nay, Singapore là nước xuất khẩu hàng hoá công nghệ cao đứng thứ tư thế giới sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đức. Sản xuất là một động lực chính của nền kinh tế Singapore, chiếm 20 – 25% GDP.
Singapore thực hiện những điều này thông qua các chính sách hỗ trợ hoạt động thương mại, thuế cạnh tranh, một cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
mạnh mẽ và lực lượng lao động chất lượng cao, có khả năng thích ứng tốt. Singapore đã định vị mình như một địa điểm để đổi mới, phát triển, thử nghiệm các ý tưởng và giải pháp mới.
Do đó, Singapore luôn ở tư thế sẵn sàng đón đầu và tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo, robot, điện toán đám mây, phân tích tiên tiến (advanced analytics), công nghệ in 3D nhằm tăng cường tính cạnh tranh của các ngành công nghiệp, củng cố vị thế của mình là sự lựa chọn hàng đầu cho các nhà sản xuất.
Các chuyên gia của EDB và TÜV SÜD tại buổi ra mắt Chỉ số sẵn sàng cho công nghiệp thông minh của Singapore. Ảnh: EDB
Nhưng cũng giống như nhiều công ty lớn và nhỏ khác trên toàn cầu, các công ty ở Singapore cũng đang phải vật lộn với khái niệm Công nghiệp 4.0. Họ không biết chắc chắn phải bắt đầu từ đâu trong một mảng rộng các khái niệm và công nghệ liên kết với nhau để tạo thành Công nghiệp 4.0 và những bước cần thực hiện nhằm tối đa hoá lợi ích tiềm năng.
Vào tháng 11.2017, uỷ ban Phát triển kinh tế Singapore (EDB) đưa ra công cụ đầu tiên trên thế giới gọi là Chỉ số sẵn sàng cho công nghiệp thông minh của Singapore (Singapore Smart Industry Readiness Index) – sau đây gọi tắt là chỉ số SSIRI – để giúp các công ty công nghiệp khai thác tiềm năng của Công nghiệp 4.0 một cách có hệ thống và toàn diện. Chỉ số này được xây dựng với sự hợp tác của công ty kiểm định, kiểm tra, chứng nhận và đào tạo toàn cầu TÜV SÜD.
Quá trình xây dựng chỉ số SSIRI
Hiện nay có rất nhiều sáng kiến đang diễn ra tại Singapore và trên toàn thế giới. Nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn (MNCs) và các công ty khác nhau có chỉ số riêng của họ. Vì vậy, nhu cầu về việc xây dựng một chỉ số khác là gì?
Andreas Hauser – giám đốc dịch vụ kỹ thuật số tại TÜV SÜD, giải thích rằng rất nhiều chỉ số hiện nay quá hàn lâm, quá cồng kềnh để áp dụng ngoài thực tế. Chúng không nhất thiết là tốt hoặc xấu, nhưng vẫn còn chỗ cho một chỉ số chặt chẽ về mặt kỹ thuật có thể sử dụng được, mang lại giá trị hữu hình cho các nhà sản xuất. Đó là chỗ trống mà chỉ số SSIRI có thể lấp đầy.
Quá trình xây dựng chỉ số SSIRI bắt đầu bằng việc kiểm tra các chỉ số hiện có. Khung này do một nhóm nhỏ soạn thảo, chủ yếu dựa trên Mô hình kiến trúc tham khảo cho Công nghiệp 4.0 (RAMI 4.0) được phát triển bởi Plattform Industrie 4.0.
Sau đó, nhóm nghiên cứu thu thập các ý kiến phản hồi từ nhiều chuyên gia và các nhà lãnh đạo trên thế giới, nhằm đạt được sự đồng thuận và đảm bảo rằng chỉ số SSIRI không quá cục bộ cho Singapore, và có thể áp dụng trên toàn cầu. Điều này là cần thiết để đảm bảo sự chấp nhận của thị trường và liên kết với các sáng kiến toàn cầu như hiệp hội Internet công nghiệp (Industrial Internet Consortium), Xã hội 5.0 (Society 5.0)...
“Chúng tôi đã liên kết chỉ số SSIRI với các sáng kiến toàn cầu. Điều này có thể giúp các nhà sản xuất Singapore cạnh tranh trên quy mô toàn thế giới, thay vì chỉ mang tính cục bộ tại Singapore”, Hauser cho biết.
Sau khi tham khảo ý kiến chuyên gia, chỉ số SSIRI được thử nghiệm với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) cũng như các công ty đa quốc gia tại Singapore. Chỉ số SSIRI liên tục được điều chỉnh theo phản hồi. Ví dụ, nếu mô tả của thuật ngữ không rõ ràng nó sẽ được giải thích rõ ràng hơn. Trong suốt thời gian thí điểm, chỉ số này đã dần hoàn thiện.
Các nội dung của chỉ số SSIRI
Lim Kok Kiang – trợ lý giám đốc của EDB – cho biết, chỉ số SSIRI là công cụ giúp các công ty đánh giá tốt hơn thực trạng của mình, đồng thời gợi ý các bước tiếp theo cần phải tiến hành để công ty có sức cạnh tranh và lợi nhuận cao hơn. Chỉ số SSIRI bao gồm ba nội dung về tổ chức, công nghệ và quy trình. Đặt nền móng cho ba nội dung này là tám tiêu chí nhỏ hơn.
Những tiêu chí này bao gồm 16 khía cạnh đánh giá – đây là những thành phần chính mà bất kỳ tổ chức nào cũng phải cân nhắc. Đối với từng khía cạnh, chỉ số SSIRI cung cấp một bảng ma trận mà các công ty có thể sử dụng để đánh giá quy trình sản xuất, hệ thống hiện tại trong vòng một đến hai ngày.
Để các công ty cải tiến công nghệ của mình, đôi khi họ cần làm việc với những viện nghiên cứu khác. Kế hoạch RIEC (Nghiên cứu, Đổi mới và Hội đồng Doanh nghiệp) của Singapore cung cấp tài chính công cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) tại các viện nghiên cứu. Mục đích là xây dựng năng lực và hỗ trợ việc áp dụng công nghệ có liên quan trong các ngành công nghiệp.
“Khung chỉ số SSIRI giúp các công ty đưa ra quyết định và ưu tiên loại công nghệ cần phải đầu tư vào. Sau đó, các công ty có thể hướng tới cơ sở hạ tầng R&D công cộng để phát triển công nghệ”, Lim Kok Kiang cho biết.
Để hỗ trợ các công ty sử dụng chỉ số SSIRI, EDB và TÜV SÜD dự kiến tiến hành nhiều buổi hội thảo trong vài tháng tới. EDB sẽ làm việc với các hiệp hội thương mại và phòng thương mại khác nhau tại Singapore để có được thông tin về tất cả các công ty. EDB cũng đang xem xét công nhận một số công ty và chuyên gia có thể giúp các công ty khác áp dụng chỉ số SSIRI và thực hiện phân tích.
Tài liệu tham khảo:
1. EDB (2017), The Singapore Smart Industry Readiness Index: Catalysing the transformation of manufacturing
2. Accenture Consulting (2017). Manning the Mission for Advanced Manufacturing: New Demands on Talent in Singapore’s Energy, Chemicals and Utillities Industries