Nhận định của Don Murray, một chuyên gia nước ngoài sống, làm việc tại Nhật Bản và rất ngưỡng mộ đất nước này.

Tôi đã trải qua thời kỳ đó. Nếu so sánh với thập kỷ một trước đó thì câu chuyện này giống như bạn đột nhiên bị dịch chuyển tới một đất nước hoàn toàn khác với nơi mà bạn đang sống vậy. Khó khăn không ập đến với tôi mạnh như với những người khác, nhưng tôi vẫn nhận thấy sự thay đổi ở xung quanh mình. Chúng không đập thẳng vào mặt ai cả nhưng sẽ âm thầm lớn dần như một khối u.


.
Tốc độ tăng trưởng GDP của Nhật giai đoạn 1981 - 2016

Sẽ khá sốc khi thấy tỷ lệ tăng trưởng GDP đang cao chót vót trong những năm 80 bất ngờ lao dốc chóng mặt: tỷ lệ tăng trưởng tốt nhất của giai đoạn sau cú sốc cũng chỉ còn phân nửa trước đó.

.

Tốc độ tăng GDP đầu người của Nhật Bản từ năm 1975 đến nay

Nhật Bản tăng trưởng đạt đỉnh vào năm 1988 với mức tăng trưởng GDP/đầu người hằng năm đạt con số đáng kinh ngạc là 6,33%. Nhưng ngay sau đó, nền kinh tế Nhật đã suy thoái nặng nề: từ năm 1991 tới năm 2003, kinh tế Nhật chỉ hồi phục một cách yếu ớt với tỷ lệ tăng trưởng là 1,14%. Trong vòng chưa tới 3 năm, thị trường chứng khoán Nhật Bản đã sụt giảm 60%, và giá trị bất động sản đã giảm 70% vào năm 2001.

Khi hỗn loạn cuối cùng cũng lắng xuống vào giữa thập niên 1990, rất nhiều người đã mất đi cơ hội thăng tiến trong công việc (nếu họ vẫn chưa mất việc). Những người “đứng trên đỉnh” hầu như không gặp khó khăn hoặc bị ảnh hưởng gì, nhưng hàng triệu người khác thì không được may mắn như vậy. Điều này được thể hiện qua số lượng người tự sát tăng lên nhanh chóng (đặc biệt là nam giới trong độ tuổi lao động, ảnh 2).

.

Số ca tự sát tại Nhật Bản (1978 - 2015)

Cần phải lưu ý rằng đây không phải là một cuộc Đại Khủng Hoảng phiên bản Nhật. Nền kinh tế Nhật không chết: nó vẫn tiến lên dù vô cùng khó khăn. Tôi không cho rằng một số bài viết kiểu như “Ba thập kỷ mất mát” về kinh tế Nhật Bản là đúng, nhưng quả thật rất nhiều vấn đề vẫn chưa được giải quyết kể từ lúc đó. Cùng với sự sụt giảm về nhân khẩu học và sự cạnh tranh đến từ các quốc gia láng giềng, Nhật Bản đang trải qua thời kỳ khó khăn nhất kể từ khi nước này hồi sinh từ đống tro tàn của Thế Chiến II.

Nếu bạn muốn tìm hiểu về lý do nền kinh tế Nhật suy sụp, hãy tìm đọc cuốn sách Japan: The System That Soured. Dù đã ra đời được hơn 20 năm nhưng cuốn sách vẫn chính xác tới mức đáng kinh ngạc. Ngay cả lúc này, người Nhật vẫn không muốn vay nợ dù lãi suất cực thấp. Vào những năm 90, cùng với khó khăn của ngành ngân hàng khi không có thanh khoản để cho vay, nền kinh tế Nhật đã bị giáng một đòn chí tử vì thiếu vốn (Chú thích của người dịch: nền kinh tế Nhật rơi vào tình trạng ít người muốn vay, người muốn vay lại không được cho vay). Để tìm hiểu rõ hơn về những gì diễn ra tại Nhật trong thập niên 1990, xin đọc bài viết Falling: Post-Bubble: 1995 – 2003. [2]

Sau khi cuộc khủng hoảng diễn ra, người Nhật bắt đầu siết chặt hầu bao của họ. Những ngày mà dòng tiền đổ vào dịch vụ giải trí nhiều hơn nhu yếu phẩm đã kết thúc. Trong số người Nhật mà tôi biết, có những phụ nữ mà trước đây không cần suy nghĩ tới một giây khi rút ra 20.000 yên cho một đôi giày cao gót hay túi xách mới đã phải chi tiêu cẩn thận hơn rất nhiều. Một khách hàng của tôi (anh ta là người môi giới bất động sản) đã phá sản. Trước đó, anh ta có một cuộc sống rất tốt và lái một chiếc xe nhập khẩu đắt tiền, nhưng đã phải bán nó đi và di chuyển bằng xe đạp. Một người đồng hương giàu có mà tôi biết từ thời trung học đã mất việc, nhà và cả cuộc hôn nhân của mình vì cuộc khủng hoảng này. Nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp đại học đã mất đi cơ hội để có được việc làm tốt. Số lượng “việc làm trọn đời” tại các công ty Nhật Bản đã ít đi rất nhiều: nhiều người chỉ được ký hợp đồng có kỳ hạn hoặc lao động tạm thời, thậm chí là công việc bán thời gian. Ngày nay, bạn vẫn có thể gặp một số người đang trong hoàn cảnh như vậy: họ phải làm nhiều công việc không có ngày mai để kiếm sống.

Vậy nên những bài viết kiểu “Thập Kỷ Mất Mát chẳng có gì to tát” luôn làm tôi sôi máu vì sự bất hạnh của rất nhiều người do tác động từ sự kiện này vẫn luôn hiện hữu xung quanh tôi. Nhiều công ty phá sản, những cửa hàng nhỏ và ngân hàng thì hoạt động yếu ớt giống như người bệnh vậy.

Nhật Bản đã cố gắng dùng 25 năm gần nhất để tìm cách khắc phục tình trạng này và hy vọng mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn nhưng vẫn chưa có thay đổi thực sự nào về mặt cấu trúc diễn ra cả. Những khoản chi tiêu công khổng lồ và “những cây cầu dẫn tới thinh không” không thể tái kích hoạt động lực của nền kinh tế. Lãi suất giảm xuống gần mức không (và thậm chí là âm) cũng không có hiệu quả. Và việc tăng thuế tiêu thụ cũng không khiến dân chúng có động lực mua sắm (nó chỉ diễn ra được một thời gian ngắn ngay trước khi tăng thuế mà thôi).

Lực lượng lao động của Nhật Bản ngày nay quá ít và lượng trẻ em mới sinh cũng không đủ để bù đắp lại lượng người già yếu và bệnh tật. Đây là một viễn cảnh không tốt cho tương lai.

.

Theo dự báo, tới năm 2025, cứ 2,1 dân Nhật sẽ có 1 người già, tỷ lệ cao nhất thế giới.

Nhật Bản không mắc kẹt trong thập niên 1990, sẽ là sai lầm khi nói về họ như vậy. Mọi thứ đã tốt hơn kể từ lúc đó nhưng hầu hết người Nhật có cái nhìn bi quan hơn về tương lai dài hạn. Quan niệm cho rằng sự tăng trưởng kéo dài mãi mãi đã kết thúc rồi. Nhưng đây không phải là kết thúc của Nhật Bản: nước này không phải là thây ma hay một trường hợp thất bại. Tương lai của họ sẽ khó khăn hơn nhưng họ sẽ tiếp tục tiến lên.

Tham khảo