Các vấn đề sinh sản ở cả nam giới và nữ giới đang tăng khoảng 1% mỗi năm ở các nước phương Tây bởi một nguyên nhân chung: sự hiện diện của các hóa chất thay đổi hormone trong thế giới hiện đại của chúng ta.
Trong đó, các vấn đề ở nam giới bao gồm giảm số lượng tinh trùng, giảm nồng độ testosterone và ung thư tinh hoàn, cũng như rối loạn cương dương. Về phía phụ nữ, tỷ lệ sẩy thai cũng đang tăng khoảng 1% mỗi năm ở Mỹ, và tỷ lệ mang thai hộ cũng vậy. Trong khi đó, tổng tỷ suất sinh trên toàn thế giới đã giảm gần 1% mỗi năm từ năm 1960 đến năm 2018.
Nghe qua thì 1% mỗi năm có vẻ như không phải một vấn đề quá nghiêm trọng. Nhưng trên thực tế, tỷ lệ gia tăng này sẽ tương ứng với hơn 10% mỗi thập kỷ và hơn 50% trong 50 năm. Hãy tưởng tượng số lượng tinh trùng sẽ giảm 50% chỉ trong 40 năm tới, như kết quả một phân tích tổng hợp được công bố trên tạp chí Human Reproduction Update năm 2017, có thể thấy sự gia tăng các vấn đề sinh sản là đáng báo động như thế nào.
Và những thay đổi về sinh sản này khó có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên - chúng quá nhất quán trong một khoảng thời gian dài.
Sự thật là, những thay đổi trong sức khỏe sinh sản có mối liên hệ với nhau và phần lớn đều được thúc đẩy bởi một nguyên nhân chung: sự hiện diện của các hóa chất thay đổi hormone (hay còn gọi là hóa chất gây rối loạn nội tiết hoặc EDC) trong thế giới hiện đại của chúng ta.
Những hóa chất làm thay đổi hormone này - bao gồm phthalates, bisphenol A, và chất chống cháy - đã trở nên phổ biến trong cuộc sống ngày nay. Các chất này xuất hiện trong nước đóng chai và bao bì thực phẩm, thiết bị điện tử, sản phẩm chăm sóc cá nhân, đồ dùng vệ sinh và nhiều vật dụng hằng ngày khác. Và chúng bắt đầu được sản xuất với số lượng ngày càng tăng kể từ năm 1950, trùng khớp với thời điểm số lượng tinh trùng và khả năng sinh sản bắt đầu suy giảm.
Tiếp xúc với những hóa chất này đặc biệt gây nguy hại trong thời kỳ mang thai, vì những tiếp xúc trong thai kỳ sẽ ảnh hưởng đến đứa trẻ sau này. Khi một người mẹ đang mang thai tiếp xúc với các hóa chất độc hại trong không khí, nước uống, thực phẩm và các sản phẩm cô ấy bôi trên da, các hóa chất này có thể xâm nhập vào cơ thể cũng như thai nhi, ảnh hưởng đến sự phát triển khả năng sinh sản của đứa trẻ. Ảnh hưởng này đặc biệt nghiêm trọng trong giai đoạn đầu của thai kỳ, nhất là với với trẻ sơ sinh nam.
Ví dụ, nếu một phụ nữ tiếp xúc với các hóa chất ngăn chặn hoạt động của nội tiết tố androgen trong ba tháng đầu của thai kỳ, chúng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển sinh sản của thai nhi nam theo nhiều cách, như rút ngắn khoảng cách tầng sinh môn (AGD), khoảng cách từ hậu môn đến gốc dương vật. Điều này có ý nghĩa quan trọng vì nghiên cứu đã chỉ ra rằng AGD ngắn hơn tương quan với dương vật nhỏ hơn và số lượng tinh trùng thấp hơn ở người trưởng thành. Ngoài ra, hệ thống nội tiết tố nam bị rối loạn trước khi sinh có thể dẫn đến giảm mức testosterone và làm tăng nguy cơ bé trai có tinh hoàn lạc chỗ hoặc một dạng dị tật dương vật khi sinh ra. Và nếu một bé trai sinh ra với những dị tật ở bộ phận sinh dục như vậy thì khi trưởng thành sẽ có nguy cơ bị số lượng tinh trùng thấp và ung thư tinh hoàn cao hơn.
Rối loạn nội tiết còn là thủ phạm làm tăng tỷ lệ rối loạn tự miễn dịch cũng như tình trạng béo phì và các hội chứng chuyển hóa, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường loại 2. Một số tác động sinh sản này thậm chí còn liên quan đến tăng nguy cơ tử vong sớm.
Cụm các vấn đề sinh sản ở cả nam và nữ đang đặt ra những thách thức to lớn đối với dân số thế giới.
Nói một cách dễ hiểu, những vấn đề này nghiêm trọng hơn nhiều so với con số “1%”. Đã đến lúc chúng ta nên yêu cầu loại bỏ các hóa chất gây rối loạn nội tiết trong các sản phẩm hằng ngày, thay thế bằng các hóa chất không ảnh hưởng đến nội tiết tố và không tồn tại lâu dài trong môi trường. Đồng thời thiết lập các phương pháp kiểm tra và quản lý để đảm bảo rằng chỉ những hóa chất an toàn mới có thể thâm nhập vào thị trường và cơ thể của chúng ta. Nói cách khác, chúng ta cần ngừng tự đem sức khỏe của chính mình ra làm thí nghiệm phơi nhiễm EDC.
Nguồn: