Liên minh châu Âu sẽ thành lập một cơ quan tương đương với Cơ quan nghiên cứu và phát triển y sinh tiên tiến Mỹ (BARDA), sau khi phải hứng chịu chỉ trích vì đã thua Mỹ trong việc ủng hộ cho phát triển các vaccine Covid-19.
Học hỏi gì từ BARDA?
Mô hình BARDA được Mỹ thành lập năm 2006 để ứng phó lại các sự kiện như cuộc tấn công ngày 11/9. Chính phủ Mỹ khi đó đã đầu tư hàng tỉ USD để đối phó với các cuộc tấn công hoặc khủng bố sinh học và đe dọa đại dịch, đầu tư thẳng vào các dự án phát triển thuốc ở các công ty tư nhân, bao gồm các vaccine và thuốc điều trị dịch bệnh lây nhiễm như Ebola, Zika, bệnh than, và cúm mùa. “Đây là một công cụ để chống lại các mối nguy và những tác nhân gây bệnh nguy hiểm nhưng thiếu động lực khuyến khích của thị trường thông thường thúc đẩy”, Steve Morrison, phó chủ tịch thường trực của Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế, một think tank Mỹ, phân tích. “Nó đã phát triển thành một phần quan trọng trong ‘vũ khí’ an ninh y tế Mỹ”. Trong quá trình hoạt động của mình, cơ quan này đã hợp tác với hàng chục nhà cung cấp khác nhau, bao gồm các công ty dược phẩm lớn và nhiều công ty sinh học cỡ nhỏ. Nó đem lại thỏa thuận hỗ trợ các chi phí sản xuất, thúc đẩy các phương thuốc điều trị và công nghệ mới vượt được qua thách thức “thung lũng chết”, giai đoạn cuối để phát triển những phát minh mới thành sản phẩm một cách thành công và ra đến thị trường hay là điểm giữa của nghiên cứu mang tính khám phá và chấp thuận marketing.
Từ đầu tư của BARDA, Mỹ đã phát triển hơn 50 loại thuốc sinh học mới, Morrison cho biết. “Nó xây dựng các mối hợp tác với ngành công nghiệp, thuyết phục họ tiếp tục cuộc chơi, giữ họ cam kết và gắn kết với mục tiêu đã định. Điều này khó khăn hơn nhiều những điều mọi người tưởng”.
Vẫn chưa có chi tiết về nhiệm vụ của BARDA châu Âu, nơi được bà Von der Leyen, chủ tịch EC cho rằng sẽ xây dựng những kế hoạch mang tính chiến lược để chống lại việc gián đoạn các chuỗi cung ứng ngành y, đặc biệt với các loại dược phẩm. Và nhiệm vụ lớn khác của cơ quan này là hỗ trợ năng lực và tăng cường khả năng sẵn sàng của châu Âu trong việc ứng phó với các mối đe dọa xuyên biên giới của bệnh dịch và những trường hợp khẩn cấp nghiêm trọng, “dù có nguồn gốc tự nhiên hay có chủ ý của con người”, bà Von der Leyen lưu ý.
Kế hoạch lập BARDA châu Âu, có thể được nhìn nhận như việc phản hồi chỉ trích từ các giám đốc điều hành một số công ty dược phẩm châu Âu như Pascal Soriot của công ty AstraZeneca và Paul Hudson của công ty Sanofi. Họ cho rằng châu Âu cần một cơ quan giống như BARDA ở Mỹ, vốn đảm nhiệm vai trò của một cơ quan của chính phủ trong đàm phán các thỏa thuận mua bán vaccine Covid-19 cho toàn bộ người dân Mỹ khi các vaccine này được cấp giấy phép lưu hành. Hiện cơ quan BARDA đang quản lý ‘Chiến dịch tăng tốc’ do Tổng thống Donald Trump thiết lập để khuyến khích các nhà sản xuất Mỹ đạt mục tiêu làm ra 300 triệu liều vaccine Covid-19 cho người Mỹ vào tháng 1/2021.
Cơ quan kiểu BARDA lấy kinh phí từ đâu?
Theo ý kiến của một thành viên nghị viện châu Âu, Petra de Sutter (Bỉ), EU4Health và chương trình đầu tư cho nghiên cứu lớn nhất châu Âu là Horizon Europe cần có những khoản ngân sách lớn hơn để kết thúc Covid-19 và bảo vệ con người chống lại những mối nguy hiểm trong tương lai. “Những chương trình lá cờ đầu quan trọng với thế hệ công dân mới của châu Âu, chúng tôi sẽ đấu tranh vì họ”, de Sutter nói.
Jan Palmowski, tổng thư ký của Hội các trường đại học nghiên cứu, cho rằng việc thiết lập một cơ quan như BARDA là một bước quan trọng để tăng cường nghiên cứu y sinh ở châu Âu và tăng cường năng lực mới trong lĩnh vực y tế. “Từ quan điểm nghiên cứu và đổi mới như tổ chức của chúng tôi thì tất cả những điều đó đều được chào đón”, ông cho biết.
Nhưng cơ quan BARDA châu Âu khó có thể được chương trình Horizon Europe tài trợ bởi chương trình này đã ngày càng có nhiều ưu tiên phát triển nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, Palmowski lưu ý. “Điều quan trọng là nó không thể lấy được tiền từ Horizon Europe,” ông nói. “Chúng ta sẽ cần phải tìm kiếm tiền ở nơi nào đó khác”.
Thomas Jørgensen, nhà điều phối chính sách nghiên cứu tại Hội các trường đại học châu Âu muốn có thêm nhiều chi tiết hơn về cơ quan mới và những gì nó có thể tăng thêm bên cạnh những nghiên cứu y sinh đang tồn tại của châu Âu. “Chúng ta phải xem nó là gì và những giá trị gì được tăng thêm”, ông đề cập đến những yêu cầu đối với cơ quan mới và vai trò của nó.
Những tranh cãi
Có nhiều quan điểm trái chiều về BARDA bởi người ta lo ngại nó có thể ảnh hưởng đến những dự án phát triển vaccine quan trọng, ví dụ như Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho bệnh dịch (CEPI) vào năm 2017, một trong những nơi đầu tư lớn nhất về công nghệ vaccine Covid-19 hàng đầu. Tuy nhiên có khoảng trống cho mô hình BARDA tồn tại ở châu Âu, bởi những khung tài trợ hiện tại đều mới chỉ phù hợp với giai đoạn “nghiên cứu tiền cạnh tranh” chứ không phải là giai đoạn tạo ra sản phẩm, theo ông Pierre Meulien, giám đốc Sáng kiến Y sinh châu Âu, một nơi tạo cầu nối công tư cho phát triển thuốc lớn ở châu lục này.
Nhiều người cho rằng, cơ quan mới không nên có vai trò quyết định quá lớn đối với ngành dược phẩm châu Âu. Ví dụ Yannis Natsis, giám đốc chính sách, tiếp cận phổ cập và thuốc giá cả phải chăng tại Liên minh Y tế Công cộng châu Âu cho biết: “Về nguyên tắc, một BARDA của EU là ý tưởng tốt nhưng tôi nghĩ nó phải tránh việc trở thành ‘chốt kiểm soát’ với ngành dược phẩm”. Do đó ông kỳ vọng, cơ quan mới không chỉ đơn giản là “khắc phục những thất bại của thị trường mà là nơi thúc đẩy những đổi mới có ý nghĩa thực sự do nhu cầu y tế công cộng dẫn dắt”, và như thế thì công việc quản trị nó phải “hết sức minh bạch” để công chúng có thể kiểm tra được.
Với tư cách là người tư vấn chính sách, ông Steve Morrison đưa ra một lời khuyên là trước khi thành lập một cơ quan như BARDA, EU nên có cái nhìn rõ ràng về những chi phí liên quan. Ví dụ, khi BARDA phát triển, cần có những kho dữ liệu về sinh học phân tử. “Khi bạn có được thành công, bạn sẽ phải hứng chịu cả một gánh nặng tài chính cho việc lưu trữ các dữ liệu sinh học và duy trì thêm cả một vài kho dự trữ như vậy. Cái này rất đắt đỏ”, ông lưu ý.
Thách thức không chỉ đến từ chuyện tiền bạc. Bài học của BARDA ở Mỹ cho thấy, trong thời điểm diễn ra đại dịch, cơ quan này còn phải đối mặt với sức ép chính trị, theo lời Rick Bright, cựu giám đốc BARDA. Từ chức vào tháng 4/2017, ông kể mình đã phản đối “chủ nghĩa thân hữu” và sự lạm dụng “những kết nối chính trị” của các công ty. Bright đã phải đối mặt với đòn trả đũa của các công ty sau khi ngăn cản các nỗ lực quảng cáo sự hữu dụng của hai loại thuốc hydroxychloroquine và chloroquine – vốn được cho là có khả năng phòng ngừa và chữa trị Covid-19 nhưng không có bằng chứng và ẩn chứa rủi ro khi dùng điều trị coronavirus.