Những người đứng đầu các trường đại học ở Hàn Quốc cho rằng việc thành lập các khu liên hợp công nghệ cao và các cơ sở đào tạo khởi nghiệp là những yếu tố quan trọng nhất để hiện thực hóa giấc mơ trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của đất nước.
Khởi động những chương trình hợp tác
Các trường đại học châu Á đang thống trị bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới của Times Higher Education (THE) về thu nhập ngành (chuyển giao tri thức). Chỉ số này nhằm đo lường thu nhập trong ngành của một viện/trường, điều chỉnh theo sức mua tương đương (PPP) của quốc gia đó và chia tỷ lệ theo số lượng giảng viên. Con số này cho thấy một trường đại học có thể thu hút được bao nhiêu khoản đầu tư và hỗ trợ nghiên cứu so với quy mô và mức độ phát triển của đất nước. Trong số 19 trường đại học đạt điểm tuyệt đối trong thước đo thu nhập ngành của THE, có 11 trường đến từ châu Á và Trung Đông.
Các viện, trường của Hàn Quốc là một hình mẫu tiêu biểu về mặt này, trên thực tế, họ đã xây dựng nhiều công ty riêng từ trong chính ngôi trường của mình.
Đại học Khoa học và Công nghệ Pohang (POSTECH) có điểm thu nhập ngành là 97,9/100 điểm theo thước đo của THE. Công ty thép POSCO đã mở ra ngôi trường này vào những năm 1980, nhằm thành lập hệ thống hợp tác doanh nghiệp-học thuật-nghiên cứu đầu tiên của Hàn Quốc.
Sang Woo Kim, giám đốc điều hành Quỹ Phát triển Kinh doanh và Nghiên cứu của trường, cho rằng sự hợp tác giữa giáo dục đại học với doanh nghiệp là điểm cốt yếu trong tiến trình xây dựng quốc gia.
“Mối liên hệ khắng khít giữa đại học và doanh nghiệp, mà POSTECH là ví dụ điển hình, đã thúc đẩy sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của Hàn Quốc – từ một nước nông nghiệp lạc hậu vào đầu những năm 1960 nay đã trở thành cường quốc công nghiệp”, ông cho biết.
Khi mở ra ngôi trường này, các nhà sáng lập luôn quan niệm rằng phải “phục vụ quốc gia và nhân loại thông qua hợp tác giữa doanh nghiệp và đại học, nuôi dưỡng và ươm mầm tài năng trong một môi trường học thuật chất lượng”.
Dữ liệu của công ty Clarivate Analytics cho thấy, từ năm 2007 đến năm 2016, POSTECH đã xuất bản 13.545 bài báo chung với doanh nghiệp – chiếm 23% tổng số bài báo của trường. Con số này tương đối cao hơn so với các viện trường vốn nổi tiếng về chuyển giao kiến thức hoặc công nghệ ở phương Tây.
Để chuẩn bị cho tương lai, Kim cho biết POSTECH đã hợp tác với một ngân hàng Hàn Quốc để phát triển các dịch vụ tài chính mới, hướng đến kỷ nguyên “không tiếp xúc” (untact) – một khái niệm mới ở Hàn Quốc, đề cập đến một tương lai nơi tương tác trực tuyến và tự động hóa sẽ chi phối cuộc sống chúng ta. Ngoài ra, POSTECH hướng đến phát triển các loại thuốc mới thông qua “cơ sở hạ tầng nghiên cứu tiên tiến” của trường.
Đặc biệt, ông Kim tin rằng các trường đại học chuyên về khoa học – công nghệ sẽ có thể giảm thiểu thực trạng thiếu việc làm bằng cách hỗ trợ khởi nghiệp và “khơi dậy tinh thần kinh doanh”.
Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc (KAIST), được thành lập từ năm 1971 có điểm thu nhập ngành tuyệt đối là 100/100, cũng có gốc rễ từ doanh nghiệp. Hiện tại, KAIST cung cấp một chương trình về tinh thần kinh doanh dựa trên khoa học, cũng như một chương trình tích hợp tinh thần kinh doanh và kỹ thuật. Viện Hình thành Giá trị Công nghệ trực thuộc KAIST sẽ hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trong việc tìm kiếm đối tác kinh doanh, cơ hội thương mại hóa. Bên cạnh đó, không gian Startup KAIST là nơi để các công ty mới thành lập trau dồi kỹ năng thực tiễn.
KAIST còn có khoảng 100 cố vấn chuyên giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ mua sắm các bộ phận và thiết bị quan trọng, đặc biệt là doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp chủ chốt của quốc gia như bán dẫn, năng lượng và ô tô. Vừa qua, LG Electronics cũng đã khởi động một chương trình hợp tác mới với KAIST nhằm “dẫn đầu thị trường truyền thông 6G”, Hiệu trưởng Shin Sung-chul cho rằng cú bắt tay giữa trường đại học và doanh nghiệp là cần thiết nếu muốn phát triển công nghệ.
“Các tập đoàn có xu hướng theo đuổi những dự án ngắn hạn mang lại lợi ích thương mại lớn. Trong khi đó, các trường đại học thường theo đuổi dự án nghiên cứu dài hạn, nhưng tìm kiếm tác động lớn hơn. Do đó, các trường đại học sẽ đóng một vai trò lớn trong việc xác định và giải quyết các tác động xã hội [của công nghệ], bao gồm việc cân nhắc đến khía cạnh đạo đức – một yếu tố mà các công ty thường bỏ qua”, ông chia sẻ.
Hành trình dài hơi
Chang Kim, giám đốc điều hành của Hiệp hội Phát triển Nguồn nhân lực Hàn Quốc, cho biết nước này trên thực tế đã chú trọng đến sự hợp tác giữa các trường đại học và ngành công nghiệp ngay từ trước khi Covid-19 xuất hiện.
Hiện nay, hơn 80% các trường đại học ở Hàn Quốc có “trung tâm hợp tác doanh nghiệp-viện, trường” của riêng họ, giảng viên sẽ là người chịu trách nhiệm về trung tâm này. “Họ lập ra các ủy ban đánh giá để liên tục giám sát và cải thiện các lĩnh vực hợp tác như giáo dục, cơ sở hạ tầng, thương mại và hỗ trợ cộng đồng”.
Ngay cả các trường đại học lâu đời ở Hàn Quốc cũng hòa vào xu hướng này. Đại học Sungkyunkwan (SKKU), thành lập từ thế kỷ 14, đã tiến hành những cuộc cải tổ cần thiết với sự hậu thuẫn của gã khổng lồ Samsung. Hiện nay, trường có điểm thu nhập ngành là 98,1. Trong khi đó, Đại học Quốc gia Seoul, ngôi trường uy tín hàng đầu quốc gia, đang nỗ lực thúc đẩy sự hợp tác với các doanh nghiệp, có điểm thu nhập ngành là 97,8.
Một trong những chính sách của Chính phủ Hàn Quốc nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học, là kế hoạch thành lập công viên đổi mới trong khuôn viên trường để phát triển các khu đất trống trong trường đại học thành các khu liên hợp công nghệ cao.
Các khu liên hợp công nghệ cao của trường đại học sẽ trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo chuyên cung cấp việc làm chất lượng cho sinh viên, cũng như thổi một luồng gió mới vào công cuộc hợp tác giữa doanh nghiệp và viện, trường. |
Nguồn: timeshighereducation.com