Hãng tư vấn McKinsey vừa công bố báo cáo đánh giá tác động của Covid-19 đối với kinh tế Việt Nam, đồng thời nêu một số khuyến nghị điều chỉnh chính sách để sớm đưa đất nước trở lại lộ trình tăng trưởng và hoàn thành giấc mơ “thịnh vượng.”
Trong một nghiên cứu khác được thực hiện năm 2018, McKinsey đã xác định Việt Nam là một trong 11 nước đạt được hiệu suất tăng trưởng vượt trội toàn cầu suốt hai thập niên qua (GDP bình quân đầu người tăng hơn 5%/năm), đưa hàng triệu người thoát nghèo và gia nhập nhóm quốc gia thu nhập trung bình. Những nhận định lạc quan đều cho rằng Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết để duy trì hiệu suất “ấn tượng” ấy như thu nhập khả dụng đang không ngừng gia tăng, bùng nổ đầu tư cơ sở hạ tầng, hay môi trường kinh doanh được đánh giá vô cùng hấp dẫn, …
Mặc dù tiến trình này đã bị gián đoạn đôi chút bởi Covid, theo cách rất khó dự báo, nhưng các tác giả Bruce Delteil, Matthieu Francois và Nga Nguyễn1 tin nền kinh tế Việt Nam sẽ sớm phục hồi để tiến vững chắc trên con đường chinh phục mục tiêu đã đề ra – trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 20452 – nếu chúng ta biết tập trung nguồn lực vào giải quyết một số vấn đề cụ thể và khai thác những cơ hội đã được nhận thức rõ từ trước đại dịch.
Bốn ưu tiên lớn, theo đề xuất của các tác giả, bao gồm:
1. Định vị Việt Nam như một điểm đến ưu việt
Bên cạnh sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất gia công, dịch vụ và du lịch, những kết quả tích cực trong cuộc chiến chống Covid đã và đang mang lại cho Việt Nam một vài lợi thế nhất định trong cuộc cạnh tranh thu hút dòng chảy FDI lẫn du khách toàn cầu.
2. Tăng cường đầu tư vào giáo dục và cơ sở hạ tầng để cải thiện năng suất
Bất chấp tốc độ tăng GDP ấn tượng, năng suất lao động thấp – tụt hậu khá xa so với các quốc gia ngang hàng trong khu vực và không có nhiều dấu hiệu cải thiện trong nhiều năm – đã kìm hãm chất lượng tăng trưởng của Việt Nam, khiến nền kinh tế vẫn phải duy trì sức cạnh tranh dựa trên thâm dụng lao động (labor intensive). Cũng theo các khảo sát của McKinsey, mặc dù tỏ ra hào hứng nhất với xu thế Công nghiệp 4.0 trong khối ASEAN, song cả chính phủ lẫn doanh nghiệp Việt Nam vẫn thiếu những chiến lược bài bản để cụ thể hóa tầm nhìn “đi tắt đón đầu”. Vì thế, các bên liên quan thuộc khu vực công, tư nhân và khoa học cần nỗ lực phối hợp để không bỏ phí cơ hội. Đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao chính là nhiệm vụ sống còn, quyết định thành bại trong cuộc cạnh tranh mới không kém phần khốc liệt, từ đó đưa đất nước bật lên trên nấc thang giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần sớm tháo gỡ nút thắt nằm ở sự yếu kém của cơ sở hạ tầng liên quan những nền tảng cơ bản như giao thông, năng lượng, … Trong tương lai gần, các đô thị lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, … sẽ rất khát vốn để mở rộng hệ thống đường xá, sân bay, … Tuy nhiên, tỷ lệ nợ công tương đối cao – hiện đã chiếm gần 60% GDP, so với 52% của Malaysia, 40% của Philippines, và khoảng 30% của Indonesia – chắc chắn sẽ là một rào cản không hề dễ dàng. Mặc dù khung pháp lý để thúc đẩy phương thức hợp tác công tư (PPP) đã đạt nhiều bước tiến khi được đơn giản hóa đáng kể từ năm 2020, nhưng Việt Nam cần thêm những nỗ lực đặc biệt để thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng so với khu vực.
3. Tiếp tục cải cách, tăng cường năng lực của khối DNVVN cùng khu vực phi chính thức, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Cùng tạo nên nguồn cầu nội địa rất lớn, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) và khu vực phi chính thức là hai thành phần đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phục hồi của nền kinh tế hậu Covid, cho nên cần được ưu tiên hỗ trợ, nhất là trong ngắn hạn khi tăng trưởng và thu nhập đều sụt giảm.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cần tăng tốc thoái vốn và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), mặc dù số lượng DNNN hiện đã giảm tới hơn 90% so với năm 2001, nhưng khu vực này hãy còn quá cồng kềnh và vận hành kém hiệu quả. Nếu chậm trễ, nền kinh tế Việt Nam sẽ rất khó bứt phá để đạt vị thế như mong đợi.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tìm cách khai phá tiềm năng của hệ sinh thái khởi nghiệp, vốn chưa được phát huy đúng mực và còn rất nhiều dư địa. Lấy ví dụ: Năm 2019, các start-up Việt Nam chỉ nhận được khoảng 741 triệu USD đầu tư và có 1 kỳ lân (unicorn) công nghệ duy nhất, so với con số 2,38 tỷ USD và 6 kỳ lân của Indonesia. Giải pháp là chính phủ cần tạo thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp tự kiến tạo một hệ sinh thái khởi nghiệp bài bản hơn, loại bỏ hầu hết rào cản đối với hoạt động kinh doanh, nhất là của khu vực tư nhân; cung cấp hỗ trợ tài chính cho các dự án tiềm năng; xây dựng hệ thống vườn ươm hiệu quả để nuôi dưỡng và hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo, …
4. Phát triển bền vững nhờ chuyển dịch sang năng lượng tái tạo
Là một nền kinh tế đang phát triển khát năng lượng và quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng biến đổi khí hậu, Việt Nam cần đẩy nhanh lộ trình tiến đến tương lai bền vững thông qua cắt giảm lượng khí thải carbon. Theo một đề xuất mới nhất, đến năm 2025, nhiệt điện than sẽ chỉ còn được chiếm khoảng 37% trong cơ cấu năng lượng của Việt Nam (so với một nửa như kế hoạch trước đây), trong khi năng lượng tái tạo sẽ đóng góp hơn 25% thay vì 13% như đề xuất cũ. Trước áp lực chuyển đổi trong điều kiện tài chính eo hẹp, Việt Nam nên tăng cường khuyến khích xã hội hóa đầu tư vào các dạng năng lượng mới thông qua chính sách ưu đãi mạnh mẽ, bên cạnh những nghiên cứu, khảo sát toàn diện và chuyên sâu để đánh giá chính xác nhu cầu cùng khả năng tích hợp chúng một cách đa dạng.
...
Nếu làm được như vậy, các tác giả tin rằng những động lực tăng trưởng trọng yếu và mạnh mẽ nhất của Việt Nam sẽ sớm được tái kích hoạt khi đại dịch qua đi và hoạt động thương mại toàn cầu hồi phục, giúp duy trì triển vọng sáng sủa của chúng ta như một quốc gia không ngừng “tiến bước.”
Chú thích
1. Bruce Delteil là Giám đốc hợp danh và Nga Nguyễn là chuyên gia tư vấn tại văn phòng McKinsey Hà Nội; Matthieu Francois là Phó Giám đốc hợp danh tại văn phòng McKinsey Sài Gòn.
2. Báo cáo do World Bank cùng Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam thực hiện. Để hoàn thành mục tiêu này, Việt Nam cần đạt mức tăng trưởng GDP trung bình 7,0 – 7,5%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 6,3% của thập niên trước 2018.