Chủ trương xây dựng Khu CNC Hòa Lạc là phát triển tiềm lực KHCN đất nước, không giống với các khu công nghiệp là cho thuê đất. Vì vậy cần có cơ chế đặc thù để hút đầu tư. Mong rằng Chính phủ, bộ, ngành khi đồng tình với quan điểm đó thì Khu CNC Hòa Lạc sẽ thành công.


Chiều 17/11, ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng Ban Quản lý khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã chia sẻ về quan điểm của Bộ KH&CN khi xây dựng cơ chế đặc thù thu hút đầu tư tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

- Thưa Thứ trưởng Phạm Đại Dương, được biết hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đang chỉ đạo Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng cơ chế đặc thù tại đây. Vậy lý do vì sao cần có cơ chế đặc thù cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, thưa Thứ trưởng?

- Mục đích khi xây dựng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất để thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực khoa học công nghệ, công nghệ cao.

Đối tượng chính của khu CNC Hòa Lạc là các nhà đầu tư, dự án đầu tư. Để các nhà đầu tư quan tâm quyết định rót vốn vào khu CNC Hòa Lạc họ phải có các tiêu chí:

Thứ nhất: Phải có cơ sở hạ tầng tốt. Thứ hai: Phải có môi trường đầu tư thuận lợi, thủ tục thông thoáng. Thứ ba: Đầu tư ở địa bàn mà chi phí cho hoạt động đầu tư thấp nhất.

Dựa vào ba tiêu chí đó, chúng tôi xây dựng cơ chế đặc thù tại Khu CNC Hòa Lạc. Về cơ sở hạ tầng khu CNC Hòa Lạc, ngày 26/6 vừa rồi Thủ tướng Chính phủ đã chính thức bấm nút khởi công dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu CNC Hòa Lạc bằng vốn ODA Nhật Bản trong 37 tháng sẽ hoàn thành.

Như vậy tức là đã có hạ tầng tốt. Còn lại 2 điều kiện là cơ chế thủ tục thông thoáng và chi phí đầu tư thấp nhất. Nếu đạt 2 điều đó nữa thì chúng ta sẽ thành công trong việc thu hút đầu tư các dự án vào KCNC Hòa Lạc.

Ngày 26/6 vừa rồi Thủ tướng Chính phủ đã chính thức bấm nút khởi công dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu CNC Hòa Lạc
Ngày 26/6 Thủ tướng Chính phủ đã chính thức bấm nút khởi công dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu CNC Hòa Lạc

- Như vậy nội dung chính trong cơ chế đặc thù được xây dựng sẽ dành những ưu đãi gì cho nhà đầu tư, thưa Thứ trưởng?

- Có bốn nội dung chính trong cơ chế đặc thù này. Thứ nhất, nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc hiện nay đang sử dụng ngân sách nhà nước và theo chủ trương sẽ mở rộng thêm các nguồn vốn của doanh nghiệp, các công ty phát triển hạ tầng. Theo kế hoạch, từ nay tới 2020 sẽ xây dựng trọn vẹn cơ sở hạ tầng của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Nội dung thứ hai cần điều chỉnh là công tác quản lý của nhà nước. Vừa rồi, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư cùng các nghị định hướng dẫn đã có hiệu lực. Tuy nhiên, những nội dung điều chỉnh trong các luật, nghị định còn dàn trải ở nhiều mức độ khác nhau. Cơ chế đặc thù chúng tôi xây dựng sẽ quy định vào một cửa. Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc xin các Bộ, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân Hà Nội ủy quyền để thực hiện chức năng quản lý chung, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.

Thứ ba là về ưu đãi và cho các nhà đầu tư trong khu công nghệ cao như về giá đất, thuế... Hiện nay, một số quy định trong các nghị định hướng dẫn của Luật Đất đai đưa ra ví dụ như các nhà đầu tư khi thực hiện dự án phải đóng phí giải phóng mặt bằng. Việc này đẩy chi phí của nhà đầu tư lên rất lớn. Chúng tôi xây dựng những cơ chế miễn, giảm đối với từng loại nhà đầu tư...

Về vấn đề thuế, cần có những chính sách miễn giảm cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, để khuyến khích cho các dự án trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đổi mới công nghệ, cần đưa ra những mô hình, mức độ ưu đãi khác nhau. Ví dụ với những dự án có vốn đầu tư lớn, yêu cầu sử dụng quỹ đất thấp, thời gian ngắn thì được ưu đãi nhiều hơn các dự án có mức đầu tư nhỏ, nhu cầu sử dụng đất lớn...

Thứ tư là cơ chế một cửa. Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đang xin trình xây dựng văn phòng một cửa, đảm bảo nhà đầu tư thực hiện tất cả các thủ tục đầu tư, trong quá trình vận hành dự án được áp dụng cơ chế một cửa tại chỗ.

Hiện nay, trong khu công nghệ cao đã có hải quan, công an. Chúng tôi mong muốn tiếp tục có cơ quan thuế, môi trường để giải quyết nhanh gọn các thủ tục...

Thứ trưởng, Trưởng ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc Pạm Đại Dương. Ảnh Loan Lê.
Thứ trưởng, Trưởng ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc Phạm Đại Dương. Ảnh Loan Lê.

- Cơ chế đặc thù này liệu có giải quyết được tất cả các vướng mắc, khó khăn của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trong nhiều năm qua?

- Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã được hình thành 17 năm, tuy nhiên thời gian trước khó khăn rơi vào việc giải phóng mặt bằng và đến nay đã được giải quyết xong. Hiện tại, khó khăn chính là việc tạo môi trường cho các nhà đầu tư.

Căn cứ yêu cầu thực tế, chúng tôi đặt mình vào vị trí nhà đầu tư, xem khi họ quyết định đầu tư tại một địa điểm nào thì họ nghĩ gì, cần gì và từ đó xây dựng cơ chế để thu hút. Và đương nhiên, sự lựa chọn của nhà đầu tư phải là một nơi có vị trí thuận lợi, thị trường tốt, môi trường thông thoáng, có chính sách ưu đãi đặc thù...

- Dành ưu đãi, thu hút đầu tư là chủ trương lớn của Chính phủ. Vậy Dự thảo cơ chế chính sách đặc thù cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã nhận được sự đồng thuận của các bộ, ngành như thế nào, thưa Thứ trưởng?

- Đúng là cơ chế này nằm trong trần của luật pháp, nhưng quan điểm là có thu hồi vốn đầu tư trực tiếp ở thời điểm này, hay thông qua giá trị gia tăng mà các dự án về khoa học công nghệ đóng góp cho đất nước...

Tôi khẳng định chủ trương xây dựng Khu CNC Hòa Lạc là phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ cho đất nước chứ không giống với các khu công nghiệp là cho thuê đất. Mong rằng các bộ, ngành đồng tình với quan điểm ấy để việc thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thành công.

Chúng tôi cũng đã làm việc với một số bộ, ngành và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và nhận được sự ủng hộ về tư tưởng. Tuy nhiên, một số nội dung cụ thể phải trao đổi thêm như một số ý kiến về thuế, tiền đất...

Có thể thấy rằng khi các chính sách ưu đãi đầu tư chưa được quy định cụ thể rõ ràng và chưa có tính chất vượt trội cũng như việc áp dụng còn nhiều vướng mắc và phức tạp sẽ là một “rào cản” đối với sự phát triển Khu CNC Hoà Lạc trong khi Khu CNC Hoà Lạc không có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội… so với các Khu CNC quốc gia, thậm chí so với các Khu Công nghiệp trên địa bàn Hà Nội và khu vực lân cận.

- Theo ý kiến của ông, trong 4 vấn đề lớn đặt ra trong Dự thảo cơ chế đặc thù cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc, gồm: đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, chính sách ưu đãi và thủ tục đầu tư, vấn đề nào là mấu chốt để tạo được động lực phát triển cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc, để Khu công nghệ cao này sớm đạt được các mục tiêu đã đề ra?

-
Tôi cho rằng tất cả các nội dung nêu trong dự thảo Cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu CNC Hoà Lạc đều là các vấn đề “mấu chốt” và rất quan trọng, bởi vì đó là những vấn đề chưa được luật pháp quy định hoặc có quy định nhưng chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến không thể thực hiện được, đó là những vấn đề tồn tại vướng mắc từ nhiều năm nay của Khu CNC Hoà Lạc nhưng chưa được tháo gỡ và chưa có phương án tháo gỡ hiệu quả, đó là những mong muốn của Bộ Khoa học và Công nghệ trong định hướng phát triển Khu CNC Hoà Lạc…

Tuy nhiên, để tạo “động lực phát triển Khu CNC” thì tôi cho rằng nội dung về “đầu tư xây dựng” và “ưu đãi đầu tư” là các nhân tố trực tiếp để đẩy nhanh tiến độ xây dựng phát triển Khu CNC và để thu hút được các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực khoa học và công nghệ cao.

Các nội dung về “quản lý đất đai” và “thủ tục đầu tư” mặc dù không phải là nhân tố trực tiếp để tạo động lực đẩy nhanh tiến độ nhưng đó lại là các nội dung hết sức quan trọng để tạo một cơ sở pháp lý đầy đủ trong công tác quản lý nhà nước đối với Khu CNC, tạo một môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho các nhà đầu tư.

- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!.

Khu CNC Hòa Lạc được thành lập năm 1998 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao. Theo quy hoạch, Khu CNC Hòa Lạc có diện tích 1586 ha với các khu chức năng: Giáo dục và Đào tạo, Nghiên cứu-Triển khai, Phần mềm, Công nghiệp Công nghệ cao và các dịch vụ hỗ trợ khác. Khu CNC Hòa Lạc là thành viên chính thức của Hiệp hội các Khu khoa học châu Á (ASPA) và Hiệp hội các Khu Công nghệ cao Thế giới (IASP).