Việt Nam có tới gần 1.000 sản phẩm đặc sản, nhưng số được chỉ dẫn địa lý (CDĐL) chiếm rất ít trong số này, khiến tình trạng lạm dụng danh tiếng đang diễn ra. 46 chỉ dẫn địa lý được xây dựng

Thông tin mà Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc từng công bố, 80% nước mắm gắn thương hiệu Phú Quốc bán trên thị trường không phải là hàng “xịn”, không được bảo hộ và CDĐL Phú Quốc đã khiến người tiêu dùng không khỏi lo ngại.

Trên thực tế, Việt Nam có rất nhiều sản phẩm đặc sản được cấp CDĐL bị lạm dụng danh tiếng. Ông Dương Thanh Tương - Hiệp hội Càphê Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc - từng phản ánh: Có hàng trăm doanh nghiệp chế biến càphê nhưng hiện mới có 15 doanh nghiệp thành viên của hiệp hội được cấp chứng nhận CDĐL. Thế nhưng, trên thị trường lại nhan nhản càphê pha tạp chất cũng gọi là càphê Buôn Ma Thuột.
Thứ trưởng Trần Việt Thanh phát biểu tại hội thảo khởi động dự án “Phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam”. Ảnh: Thuỳ Dương
Thứ trưởng Trần Việt Thanh phát biểu tại hội thảo khởi động dự án “Phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam”. Ảnh: Thuỳ Dương

Theo ông Trần Việt Thanh - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ, với lợi thế về điều kiện tự nhiên, Việt Nam đã tạo dựng được rất nhiều sản phẩm đặc sản, nhiều sản phẩm tiểu thủ công nghiệp mang đậm nét văn hóa, giá trị đặc thù. Vì vậy, xây dựng và phát triển CDĐL đã trở thành định hướng, công cụ quan trọng được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương lựa chọn để bảo hộ sản phẩm nông sản.

“Sau 15 năm kể từ ngày CDĐL đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ, đến nay chúng ta đã có 46 CDĐL, trong đó có 42 CDĐL của Việt Nam. Đó là kết quả của những định hướng, chính sách phù hợp của Nhà nước, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và người dân. Nhiều địa phương đã xác định CDĐL là một trong những hướng đi nhằm xây dựng thương hiệu địa phương, phát triển sản xuất và thị trường cho sản phẩm nông sản” - Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho biết.

Tuy nhiên, ông Thanh cũng thừa nhận, hiện Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn cả về thể chế chính sách và thực tiễn khai thác. Các mô hình quản lý CDĐL còn gặp nhiều khó khăn, sản phẩm mang CDĐL tham gia vào thị trường còn chưa nhiều, CDĐL chưa hình thành một dấu hiệu nhận diện, sự nhận biết và tin tưởng của người tiêu dùng trên thị trường.

Hoàn thiện khung thể chế

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và sự phát triển thị trường, đối với các sản phẩm đưa ra thị trường thì việc xác định nguồn gốc, khả năng truy xuất nguồn gốc, bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với nông sản được đặt lên hàng đầu. Trước thực trạng trên, dự án “Phát triển CDĐL ở Việt Nam” đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN chính thức khởi động dưới sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Pháp. Dự án hướng tới mục tiêu xây dựng được bản đề xuất cơ chế liên bộ với vai trò cụ thể của các bộ, ngành, quy định được hội đồng tư vấn liên bộ về CDĐL. Dự án sẽ bảo hộ CDĐL 2 sản phẩm thí điểm là tiêu Quảng Trị và điều Bình Phước; thành lập 2 mô hình tổ chức quản lý CDĐL ở 2 địa phương thử nghiệm sản phẩm. Từ đó, xây dựng và ban hành toàn quốc bộ tài liệu hướng dẫn về quản lý và khai thác CDĐL, là cơ sở tham khảo và hướng dẫn cho các địa phương khác.

Theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh, Pháp là một nước rất thành công trong quá trình sử dụng CDĐL để thúc đẩy sự phát triển sản xuất, thương mại, nâng giá trị sản phẩm nông sản và đã hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng hồ sơ để bảo hộ những CDĐL đầu tiên.
“Dự án này đã thể hiện sự hợp tác hiệu quả và bền vững giữa hai nước về lĩnh vực phát triển CDĐL, thể hiện mong muốn của hai chính phủ Pháp và Việt Nam trong việc quyết tâm đưa CDĐL trở thành một công cụ thương mại nền tảng và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp và thực phẩm” - ông Thanh nói.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu chuẩn bị được ký kết, ông Thanh kỳ vọng kết quả của dự án sẽ góp phần hoàn thiện khung thể chế, nâng cao vai trò của CDĐL trên thị trường, đóng góp vào sự hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các nước EU, trong đó có Pháp.

Ngày 11/11, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN chính thức khởi động dự án “Phát triển CDĐL ở Việt Nam”. Đây là dự án được tài trợ bởi Quỹ Tăng cường năng lực thương mại, Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam. Dự án có tổng kinh phí: 1.048.000euro (tương đương 1.298.000USD),
Trong đó: Nguồn vốn do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ: 1.097.400USD; nguồn vốn đối ứng của Việt Nam là 200.600USD. Dự án do Cục Sở hữu trí tuệ chủ trì và được thực hiện trong 3 năm.