Khoa học và báo chí không phải lúc nào cũng có cùng quan điểm với nhau. Mức độ chính xác của khoa học thường bị “hy sinh” trong việc đặt một tiêu đề bài báo hấp dẫn. Vào thời điểm các tin tức sai sự thật đang gia tăng, những bản tin khoa học chất lượng cao chưa bao giờ cần thiết đến như vậy.
Nếu báo chí muốn tiếp tục duy trì lòng tin của công chúng, nhà báo phải cam kết đưa tin rõ ràng và không thiên vị về những sự kiện khoa học. Họ cũng cần nhận được sự hỗ trợ từ các nhà hoạch định chính sách, theo báo cáo “Truyền thông và Cam kết Khoa học” của Ủy ban Khoa học và Công nghệ thuộc Hạ viện Anh.
Bằng cách sử dụng một tiêu đề giật gân cũng như thêm vào các yếu tố quan điểm chính trị, nhà báo có thể tạo ra một bài viết thịnh hành và gây ra nhiều tranh luận.
Trong khi đặt tiêu đề nhằm thu hút người đọc và thúc đẩy lưu lượng truy cập trực tuyến là một ưu tiên truyền thông, rất hiếm khi tiêu đề phù hợp hoàn toàn với các nội dung khoa học trong bài báo. Đối với các nhà khoa học, họ luôn mong muốn kết quả nghiên cứu được đưa tin tới công chúng một cách rõ ràng, thay vì gây nhầm lẫn hoặc làm chủ đề nghiên cứu của họ thêm khó hiểu.
Các phương tiện truyền thông có thể đưa tin khoa học sai sự thật. Ảnh: Library Journal
Ảnh hưởng xấu của việc đưa tin khoa học không rõ ràng
Hiện tượng đưa tin khoa học thiếu chính xác không phải là vấn đề mới. Trong khi tranh cãi về vaccine chủng ngừabệnh sởi, quai bị và rubella (MMR) được đăng lên trang nhất của một số tờ báo ở Anh, nhiều bậc phụ huynh quyết định tránh tiêm loại vaccine này cho con của họ. Kết quả là chương trình tiêm chủng cho trẻ em Anh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Các tờ báo lá cải từ lâu đã coi loại cây trồng biến đổi gene (GMO)là “thực phẩm Frankenstein” cần phải tránh xa, thay vì là một giải pháp tiềm năng để giải quyết tình trạng nghèo đói và thiếu lương thực.
Chúng ta có thể không bao giờ biết liệu chiếc bánh mì kẹp thịt burger mà John Gummer - cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Anh - khuyến khích cô con gái 4 tuổi của mình ăntrước máy quay truyền hình vào năm 1990 có thực sự an toàn hay không. Những gì chúng ta biết là có một động lực chính trị và truyền thông giúp thịt bò Anh được tiêu thụ. Thời điểm đó xảy ra cuộc khủng hoảng bệnh bò điên và Gummermuốn trấn an công chúng rằng thịt bò vẫn có thể ăn được.
Biến đổi khí hậu cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Việc đưa tin về biến đổi khí hậu trên các phương tiện truyền thông đại chúng thường mang lại sự nổi bật như nhau cho các quan điểm đối lập. Điều này sẽ dẫn dắt một công chúng không am hiểu khoa học tin rằng, các bằng chứng về biến đổi khí hậu hoặc phủ nhận biến đổi khí hậu có trọng lượng bằng nhau.
Ví dụ tốt nhất có lẽ là số lượng các đồ vật và thực phẩm hằng ngày được phương tiện truyền thông Anh đưa tin là làm tăng nguy cơ phát triển ung thư, chẳng hạn như chất khử mùi, vitamin E, khoai tây chiên,thực phẩm đóng hộpchứa hóa chất Bisphenol-A (BPA) và thậm chí cả Facebook. Mặc dù các nhà khoa học chưa đưa ra khẳng định chắc chắn, nhưng số lượng bài báo viết về chúng lớn hơn nhiều so với những bài báo viết về thuốc lá, hoặc tiếp xúc với tia cực tím – hai nguyên nhân nổi tiếng đã được chứng minh là yếu tố gây ung thư.
Khi số lượng tin tức khoa học và mức độ chia sẻ tăng lên nhanh chóng, đồng thời sự tin tưởng của công chúng đối với các phương tiện truyền thông truyền thống giảm xuống, họ phải sàng lọc vất vả hơn để có được thông tin chínhxác, tin cậy.
Những vấn đề còn tồn tại
Nhiều người quan niệm sai lầm khi đổ lỗi cho công chúng thiếu hứng thú với khoa học hoặc không thể hiểu được các khái niệm phức tạp liên quan. Bằng chứng là đa số người dân Anh luôn mong muốn tìm hiểu khoa học ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của họ như thế nào. Tuy nhiên, có đến 71% người dân Anh tin rằng phương tiện truyền thông đưa tin “giật gân” về khoa học, và 67% người dân nói rằng họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tin tưởng những thông tin khoa học bị điều chỉnh. Đáng chú ý, chỉ có 28% người dân tin rằng các nhà báo xác thực thông tin trước khi viết bài.
Theo nội dung báo cáo về Truyền thông và Cam kết Khoa học của Anh, những quy tắc xung quanh việc hoạch định chính sách hiện nay là quá dễ dàng để các nhà quản lý sử dụng khoa học một cách “có chọn lọc” nhằm ủng hộ một mục tiêu chính trị, hoặc tệ hơn, nhằm che đậy một số lý do tài chính mờ ám. Do đó, sách hướng dẫn luật của Chính phủ về tham vấn cộng đồng phải đảm bảo các nhà quản lý thu thập và xem xét bằng chứng khoa học một cách độc lập với những cân nhắc chính trị khác.
Ngoài ra, đối với những trường hợp thông tin khoa học cố tình bị báo cáo sai, nỗ lực đền bù và sửa chữa lại thông tin cho đúng đang còn rất thiếu. Các tổ chức truyền thông, nơi nắm giữ nhiều ảnh hưởng và trách nhiệm về vấn đề này, nên cẩn trọng hơn để tránh đưa tin khoa học tới công chúng sai sự thật.
Khoa học và báo chí phải cùng chia sẻ một mục tiêu, đó là phân tách sự thật [được chứng minh bằng các chứng cứ] và niềm tin [phát biểu chủ quan] về các vấn đề khoa học, nhằm đưa thông tin chính xác tới công chúng. Chúng ta cần sự cam kết của tất cả những người hoạt động trong lĩnh vực chính trị để theo đuổi việc hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng khoa học, thay vì tìm kiếm các bằng chứng dựa trên chính sách.