Chủ yếu hợp tác trong lĩnh vực y tế
Tổ chức giáo dục Times Higher Education (THE) đã tiến hành phân tích thông tin từ cơ sở dữ liệu của nhà xuất bản Elsevier để tìm hiểu quan hệ đối tác bình đẳng giữa các nhà nghiên cứu ở các quốc gia nghèo nhất thế giới và giới tinh hoa nghiên cứu của thế giới. Qua đó cho thấy trong tổng số các nghiên cứu xuyên biên giới của 9 trong 10 trường đại học top 10 thì số nghiên cứu có một đối tác từ các quốc gia ít phát triển chỉ dưới 3%, chủ yếu là các quốc gia châu Phi nhưng thỉnh thoảng có thêm những quốc gia nghèo nhất châu Á như Lào và Campuchia. Với 4 trường dẫn đầu thì con số trung bình còn thấp hơn 1%.
Nếu lấy cái mốc trên 1.000 công trình có sự tham gia của ít nhất một tác giả từ các quốc gia ít phát triển nhất làm tiêu chuẩn thì trong top 10 thế giới, chỉ có trường Đại học Harvard và trường Đại học Oxford đạt mức với số lượng lần lượt là 1.775 công trình và 1.181 công trình.
Số lượng các mối hợp tác quốc tế giữa các trường đại học top 10 thế giới cũng khác nhau: Oxford dẫn đầu trong chia sẻ nghiên cứu và xuất bản với các quốc gia ít phát triển với tỷ lệ 3,2%, tiếp theo là Harvard 2,9% và trường Đại học Hoàng gia London 2,2 %. Các trường đại học còn lại đều ở mức dưới 2%.
Không chỉ có sự khác biệt về số lượng công trình nghiên cứu mà bản thân các mối quan hệ hợp tác ấy cũng thiếu đồng đều trong các lĩnh vực khoa học. Chủ yếu các mối hợp tác giữa các trường top 10 thế giới với các quốc gia ít phát triển thường tập trung vào y tế - lĩnh vực chiếm tới 42% trong tổng số các lĩnh vực khoa học.
Dường như các trường đại học top 10 có xu hướng chỉ quan tâm đến vấn đề y tế mà “quên” đi việc hỗ trợ các quốc gia nghèo phát triển những lĩnh vực khoa học khác. Bằng chứng là trong lĩnh vực kỹ thuật, có khoảng 4.500 công trình có đồng tác giả quốc tế là nhà nghiên cứu từ các quốc gia ít phát triển nhưng không trường đại học top 10 thế giới nào thuộc nhóm các trường viện có mối hợp tác với quốc gia nghèo. Nếu chỉ xét từ góc độ quốc gia đồng tác giả trong lĩnh vực ngoài y tế thì thì Malaysia dẫn đầu, theo sau là Mỹ.
Các nhà khoa học châu Phi được hưởng lợi từ Sáng kiến Africa Oxford. Nguồn: Conversation
Thiếu bình đẳng giữa các đối tác
Giải thích về thực tế này, Kevin Marsh, giáo sư các bệnh nhiệt đới tại trường Đại học Oxford và là giám đốc Sáng kiến Oxford châu Phi (Africa Oxford Initiative) - sáng kiến được thiết lập để phát triển mối quan hệ hợp tác công bằng và bền vững giữa giới hàn lâm về lục địa đen - cho rằng, sự lấn át của y học trong các lĩnh vực nghiên cứu là do hai nguyên nhân: thứ nhất việc cùng thực hiện các dự án nghiên cứu y học không chỉ để tăng cường năng lực nghiên cứu và giải quyết những vấn đề của quốc gia nghèo mà còn đem lại những giải pháp về y tế toàn cầu; thứ hai “có rất nhiều quỹ đầu tư truyền thống có quy mô lớn tài trợ cho nghiên cứu y học” ở các quốc gia phát triển.
Tuy vậy bản thân việc các nghiên cứu về y học chiếm số lượng lớn trong mối hợp tác với các quốc gia chậm phát triển cũng còn là vấn đề về sự bình đẳng trong các mối quan hệ đối tác. Sự ưu tiên đầu tư nghiên cứu y tế ở các quốc gia nghèo nhất thế giới của nhiều quỹ tài trợ và giới hàn lâm phương Tây cũng còn là cách thúc đẩy năng lực nghiên cứu của chính mình. Thực chất, giới hàn lâm phương Tây cũng có lợi trong việc thiết lập mối quan hệ hợp tác này.
Theo giáo sư Marsh, người cũng là cố vấn cấp cao của Viện Hàn lâm Khoa học châu Phi, trong quá khứ thì các trường đại học phương Tây thường vẫn “tự thiết lập kế hoạch nghiên cứu”, sau đó mới “cố gắng kết nối với các đối tác” để thực hiện nghiên cứu, còn hiện tại thì việc gắn kết nghiên cứu theo xu hướng “tất cả đều là đồng phát triển, đồng nghiên cứu”.
“Sự chuyển hướng quan trọng” này còn đi xa hơn bởi việc đầu tư kinh phí được trao thẳng cho các nhà nghiên cứu ở các quốc gia đang phát triển, vì vậy, chính họ mới là người đưa ra các quyết định thực hiện dự án nghiên cứu, ông giải thích. “Thông thường mọi người lo ngại về vấn đề trách nhiệm tài chính và một số vấn đề khác nhưng nó vẫn được thực hiện và thực sự là động thái rất quan trọng”.
Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh, “điều quan trọng hơn là chúng tôi ủng hộ cho mọi lĩnh vực nghiên cứu như biến đổi khí hậu, sản xuất thực phẩm bền vững, kỹ thuật - những lĩnh vực cốt lõi cho phát triển ở quy mô toàn cầu”.
GS. Maggie Dallman - Phó chủ tịch trường Đại học Hoàng gia London, người từng kêu gọi các trường đại học hàng đầu thế giới nên tham gia nghiên cứu chung nhiều hơn với các quốc gia mới phát triển, thì nêu lên một xu hướng tích cực: nhiều trường viện đã bắt đầu chuyển hướng sang những chủ đề nghiên cứu khác, ưu tiên nghiên cứu ứng dụng để có thể góp phần giải quyết những vấn đề mang tính thách thức của quốc gia đối tác. “Các nhà nghiên cứu của chúng tôi rất quan tâm đến việc nỗ lực tìm ra các giải pháp công nghệ cho những vấn đề của châu Phi”, bà cho biết.
Giáo sư Dallman cho biết thêm, có nhiều nghiên cứu ứng dụng có thể không nhất thiết phải xuất bản trên những tạp chí hàng đầu, cho dù trên thực tế là chúng có khả năng đem lại những tác động về mặt xã hội rất lớn. “Chúng tôi cần phải đánh giá các nghiên cứu này dưới góc độ tác động đến đời sống các quốc gia đối tác nghiên cứu, coi đó là một phần rất quan trọng của hợp tác, nếu không muốn nói là quan trọng hơn nhiều so với việc xuất bản một bài báo trên Nature”.
Trong 10 năm qua, Wellcome Trust - một trong những quỹ đầu tư y tế lớn nhất thế giới đã áp dụng một cách tiếp cận đóng vai trò trung tâm trong chiến lược tài trợ: đưa kinh phí vào thẳng tay những nhà khoa học đóng vai trò chính trong dự án nghiên cứu ở các quốc gia đang phát triển.
Với việc được trao quyền như vậy, các nhà nghiên cứu ở các quốc gia đang phát triển có nhiều quyền chủ động hơn. "Chúng tôi hoàn toàn không biết là liệu cô ấy hay anh ấy sau đó sẽ quyết định nhờ một nhà khoa học Anh, Úc hay Mỹ, thậm chí là đối tác ở quốc gia khác tham gia nghiên cứu cùng hay không... đó hoàn toàn là quyết định của họ", Simon Kay - người phụ trách bộ phận điều hành và đối tác quốc tế của Wellcome Trust, nói. |