Truyền thông nhằm thúc đẩy ứng dụng và đổi mới công nghệ không nên chỉ chú trọng khi sự kiện diễn ra mà cần một quá trình dài hơi để tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội.

Thông điệp được nhiều ý kiến đưa ra tại buổi hội thảo: “Truyền thông về ứng dụng và đổi mới công nghệ” do Trung tâm nghiên cứu và phát triển truyền thông khoa học và công nghệ (KH&CN) – Bộ KH&CN tổ chức chiều 23/11 tại Đà Nẵng. Hoạt động diễn ra trong khuôn khổ sự kiện “Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ 2017" (TechDemo).

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, ông Trần Quang Tuấn – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển truyền thông KH&CN đã dẫn nhiều số liệu về thực trạng truyền thông về ứng dụng và đổi mới công nghệ trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến thời điểm diễn ra sự kiện lượng tin bài tăng đột biến cả trên báo chí và mạng xã hội. Tuy nhiên sau khi kết thúc sự kiện thì lượng xuất hiện từ khóa cần tìm trong các tin, bài giảm dần.

Ông Trần Quang Tuấn phát biểu tại hội thảo.
Ông Trần Quang Tuấn báo cáo đề dẫn tại hội thảo.

Ông Tuấn cũng chỉ ra nhiều hạn chế trong việc các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học… chưa thực sự chủ động trong hoạt động truyền thông về ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ. Đặc biệt “chưa có cơ chế cung cấp thông tin định kỳ về kết quả ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ” – ông Tuấn lý giải.

Nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm này và cho rằng, việc truyền thông về ứng dụng và đổi mới công nghệ cần sự vào cuộc hơn nữa của cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học… bởi đây chính là “đầu vào” của nguồn thông tin.

Theo bà Vũ Thị Bích Hậu – Phó Giám đốc sở KH&CN Đà Nẵng, thực tế các nhà khoa học gần như không muốn nói về mình, nên đôi khi truyền thông bất cập vì không có đủ thông tin. “Một mặt khác, truyền thông KH&CN còn ít và hạn chế một phần cũng là do kinh phí dành cho nó còn hạn chế” – bà Hậu thừa nhận.

Bà Hậu nhấn mạnh vai trò của truyền thông và cho rằng chính sách hay kết quả nghiên cứu có đi vào cuộc sống hay không phụ thuộc rất nhiều vào truyền thông. Nếu không có các phương tiện thông tin đại chúng, các kết quả nghiên cứu cũng rất ít người biết đến hoặc nếu có cũng chỉ là thông qua nhóm nhỏ quan tâm, truyền miệng nhau.

Bà Vũ Thị Bích Hậu phát biểu tại hội thảo
Bà Vũ Thị Bích Hậu phát biểu tại hội thảo.

Theo đó, bà Hậu cho rằng cần đặc biệt quan tâm đến công tác truyền thông để thúc đẩy việc đưa các kết quả nghiên cứu tới cộng đồng, từ đó những đơn vị có nhu cầu mới biết để ứng dụng.

Với từng đối tượng nên chọn giải pháp và cách truyền thông khác nhau. Mạng xã hội cũng là một kênh khá hiệu quả để đưa các kết quả nghiên cứu tới cộng đồng nhiều hơn” – bà Hậu nói.

Ông Chu Thúc Đạt - Phó vụ trưởng Vụ phát triển KH&CN địa phương phát biểu tại hội thảo.
Ông Chu Thúc Đạt - Phó vụ trưởng Vụ phát triển KH&CN địa phương phát biểu tại hội thảo.

Dẫn thực tế sự kiện TechDemo 2017, bà Hậu cho rằng các bài báo, tin tức trong đúng dịp sự kiện diễn ra rất nhiều, song sau đó chắc chắn sẽ giảm dần. Vì vậy bà Hậu cho rằng cần truyền thông mạnh hơn, làm thế nào để sau mỗi sự kiện có nhiều bài báo, nhiều tin liên quan đến hoạt động này. Tức là cần có các kế hoạch truyền thông sau sự kiện để thông tin được lan tỏa lâu dài hơn.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến thảo luận đều thừa nhận vai trò quan trọng của truyền thông đối với việc thúc đẩy việc ứng dụng KH&CN nói riêng cũng như việc quảng bác các kết quả nghiên cứu tới cộng đồng nói chung. Tuy nhiên thực sự công tác này chưa được coi trọng và việc cung cấp thông tin vẫn còn dè dặt. Theo đó nhiều giải pháp cũng được gợi ý, trong đó có việc dành nguồn kinh phí thích đáng cho hoạt động này.