Theo PGS.TS Nguyễn Đắc Trung, Phó phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội, để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, nhất thiết phải chuyển từ “học tiến sĩ” sang “làm tiến sĩ” như thông lệ ở những nước có nền khoa học phát triển.


Nghiên cứu sinh Doãn Anh Tuấn - Viện Kỹ thuật Hoá học, ĐH Bách khoa Hà Nội – trao đổi học thuật tại hội thảo “Xúc tác – con đường dẫn tới công nghiệp hóa học bền vững” do ĐH Bách khoa Hà Nội phối hợp với ĐH Rostock (Đức) và Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức từ ngày 17 đến 21/9/2018 tại Hà Nội. Ảnh: HUST
Nghiên cứu sinh Doãn Anh Tuấn - Viện Kỹ thuật Hoá học, ĐH Bách khoa Hà Nội – trao đổi học thuật tại hội thảo “Xúc tác – con đường dẫn tới công nghiệp hóa học bền vững” do ĐH Bách khoa Hà Nội phối hợp với ĐH Rostock (Đức) và Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức từ ngày 17 đến 21/9/2018 tại Hà Nội. Ảnh: HUST

Vì sao chưa thể “làm tiến sĩ” ở Việt Nam?

Những năm gần đây, nhiều trường đại học hàng đầu ở Việt Nam đang dần làm quen với khái niệm “làm tiến sĩ” như ở nước ngoài, đó là nghiên cứu sinh thường được gắn với vị trí tuyển dụng cụ thể của trường đại học và được coi là một cán bộ thực sự của đơn vị chuyên môn. Họ được nhận học bổng hoặc trả lương để có thể chuyên tâm làm việc, nghiên cứu toàn thời gian. Họ được cấp kinh phí để thực hiện các đề tài của thầy hướng dẫn. Trong một môi trường với các điều kiện phù hợp, nghiên cứu sinh có thể tự phát huy năng lực khám phá, sáng tạo để mang lại những kiến thức có giá trị học thuật và/hoặc có thể ứng dụng vào thực tiễn, đem lại hiệu quả kinh tế.

Thí dụ, ở ĐH Bách khoa Hà Nội, kể từ khi thực hiện tự chủ về đào tạo tiến sĩ vào năm 2010, trường đã tiến hành rất nhiều cải cách trong việc hướng dẫn và xây dựng các chương trình đào tạo, hướng tới những mục tiêu mới, mà một trong số đó là coi người học như cán bộ nghiên cứu của mình. Sau khi trúng tuyển, nhận đề tài và thầy hướng dẫn, nghiên cứu sinh được biên chế làm việc và sinh hoạt học thuật tại đơn vị chuyên môn, tham gia công tác nghiên cứu và giảng dạy như một cán bộ khoa học trong đơn vị.

Ngoài ra, nghiên cứu sinh được tạo điều kiện tham gia các nhóm nghiên cứu và đề tài của thầy hướng dẫn. Các bạn cũng có thể trợ giúp hướng dẫn sinh viên, qua đó tự hình thành nên nhóm nghiên cứu riêng để tiếp tục thực hiện ý tưởng mà mình theo đuổi. Cách đào tạo như vậy tạo ra một chuỗi kết nối các nhà khoa học trẻ với những người đã thành công, có kinh nghiệm nghiên cứu, từ đó hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, thu hút sinh viên tiếp tục học lên thạc sĩ, tiến sĩ.

Thêm vào đó, nghiên cứu sinh có những cơ hội rất tốt để trao đổi học thuật với chuyên gia nước ngoài qua các buổi tọa đàm, giao lưu học thuật với giảng viên nước ngoài do các đơn vị thường xuyên tổ chức.

Đặc biệt, trường còn tạo động lực và hỗ trợ bằng cách cấp học bổng cho những nghiên cứu sinh xuất sắc và tìm nguồn tài trợ từ các đề tài, dự án, quỹ học bổng của doanh nghiệp để có thêm học bổng, kinh phí phục vụ nghiên cứu của nghiên cứu sinh.

Kết quả, trường hiện có tổng cộng 32 ngành đào tạo, 60 chương trình đào tạo với khoảng 75 nghiên cứu sinh tốt nghiệp mỗi năm. Trong đó, 30-35% nghiên cứu sinh bảo vệ đúng hạn, 40% bảo vệ trong thời gian gia hạn; số còn lại không bảo vệ được do nghiên cứu sinh bận rộn với công việc khác, ít tham gia với nhóm hoạt động chuyên môn, hoặc thậm chí có nghiên cứu sinh tự rút lui do lượng sức mình khó theo được hết chương trình. Tỷ lệ công bố cũng khá tốt, trung bình mỗi nghiên cứu sinh tốt nghiệp có 6 bài báo và trên 30% có tối thiểu 1 bài báo đăng trên tạp chí được ISI hoặc Scopus chỉ mục. Có 1 đến 2 bài công bố quốc tế là yêu cầu bắt buộc đối với nghiên cứu sinh một số ngành thuộc thế mạnh của trường như khoa học vật liệu, vật lý kỹ thuật, vật lý lý thuyết, kỹ thuật viễn thông, kỹ thuật điều khiển và và tự động hóa, hóa học, khoa học máy tính. Nhưng một số nghiên cứu sinh đã đạt 3-4 bài báo, kỷ lục có một nghiên cứu sinh công bố tới 14 bài báo ISI, Scopus khi tốt nghiệp.

Điều đáng nói là hầu hết những người đến trường ĐH Bách khoa Hà Nội làm tiến sĩ đều có mong muốn phát triển chuyên môn và kinh nghiệm nghiên cứu, chứ không coi tấm bằng như một phương tiện thăng tiến.

Dù khái niệm “làm tiến sĩ” đã bắt đầu được tiếp nhận, nhưng phổ biến hơn ở các cơ sở đào tạo trong nước vẫn là khái niệm “học tiến sĩ” – một cụm từ phản ánh hoàn toàn chính xác bản chất của việc đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam hiện nay: người học đóng học phí, nhận đề tài từ thầy hướng dẫn, hoàn thành chương trình, cố gắng đạt kết quả theo yêu cầu để bảo vệ luận án. Một phần nguyên nhân là do quy chế đào tạo tiến sĩ của chúng ta còn đặt nặng vấn đề quá trình/quy trình đào tạo và chương trình đào tạo. Theo đó, nghiên cứu sinh trở nên khá thụ động, chưa coi nghiên cứu như một công việc chính thức hay thường nhật, mà có lịch thì đến học, thầy thúc ép thì mới nghiên cứu, các luận án vì thế khó có giá trị sáng tạo hay khám phá cao.

Bài toán cần nhiều bên cùng giải

Nếu Việt Nam không thay đổi quan điểm về đào tạo tiến sĩ theo hướng chuyển từ “học” sang “làm” thì mục tiêu xây dựng các trường đại học nghiên cứu trở nên hết sức khó khăn. Tất nhiên, về phía mình, các cơ sở đào tạo cần cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho nghiên cứu sinh bằng việc cấp học bổng; trả thù lao từ các hoạt động trợ giảng, tham gia nghiên cứu, thực hiện đề tài; hỗ trợ đi hội thảo quốc tế hoặc đăng bài báo quốc tế. Đặc biệt, cần xây dựng các định hướng, chương trình nghiên cứu chiến lược và dài hạn; xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh; đầu tư các trang thiết bị hiện đại và vật tư thí nghiệm; thu hút nghiên cứu sinh đến tìm hiểu, làm quen với thầy hướng dẫn, công việc nghiên cứu, đề xuất ý tưởng và thực hiện kế hoạch nghiên cứu cụ thể.

Nhưng có những trở ngại mà một mình trường đại học không giải quyết được.

Đầu tiên là về mặt chính sách, Nhà nước và cơ quan quản lý phải thể hiện rõ ràng hơn sự quan tâm đến nghiên cứu sinh bằng những chiến lược cấp kinh phí cho những đề tài luận án tiến sĩ nằm trong các nhiệm vụ nghiên cứu trọng điểm của các trường đại học. Mức cấp nên có sự xem xét hợp lý để đảm bảo nghiên cứu sinh thực hiện được ý tưởng khoa học.

Bên cạnh đó, cần sự chung tay của các doanh nghiệp và tổ chức có nhu cầu sử dụng nhân lực chất lượng cao và coi đầu tư cho việc đào tạo nhân lực chất lượng cao như một phần trách nhiệm của mình. Ở nhiều nước, ngoài phục vụ mục đích nâng cao vị thế khoa học của nhà trường hay chuyên môn của người học thì nhiều kết quả nghiên cứu còn được áp dụng trong công nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế. Hiện tại, ở Việt Nam, việc hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp để đưa các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong thực tiễn còn khó khăn và yếu ớt.

Cuối cùng, một yếu tố cực kỳ quan trọng nằm ở nhận thức của nghiên cứu sinh. Nếu chỉ có hành động đơn phương từ phía nhà trường mà không có sự tự cam kết của nghiên cứu sinh, coi nghiên cứu là công việc chính, công việc thường ngày để đạt tới giá trị học thuật cao hoặc hiệu quả kinh tế cao thì việc đào tạo không thể nào có chất lượng.

Sắp tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục sửa đổi, bổ sung quy chế đào tào tiến sĩ ban hành từ năm 2017. Đây là cơ hội để chính sách có thể góp phần đưa việc đào tạo tiến sĩ trong nước tiệm cận các chuẩn quốc tế. Chẳng hạn, Bộ có thể tạo ra hành lang pháp lý cho phép các trường đại học tự quyết định trong các vấn đề đào tạo như được rút ngắn hoặc đơn giản hóa qui trình, thủ tục tuyển sinh và bảo vệ luận án khi các trường đại học đã đạt chất lượng đầu ra ngang hàng với các trường đại học uy tín trên thế giới. Các nghiên cứu sinh có luận án tốt, có chỉ số công bố tốt được phép bỏ qua một số quy trình trong đào tạo, như quy trình phản biện độc lập. Nói tóm lại, cần tránh tạo ra những quy định thuận tiện cho người quản lý hơn là thuận lợi cho nghiên cứu sinh; khung pháp lý cần chặt chẽ, nhưng đồng thời phải tạo điều kiện để các trường có thể phát huy thế mạnh khi vận dụng.