Lần đầu tiên có một báo cáo phân tích rõ nét tác động của việc giảm ngân sách do ưu đãi thuế do một Think Tank độc lập thực hiện.
Được công bố ngày 13/11 tại “
Diễn đàn Chính sách Tài khoá và Phát triển Việt Nam 2019: Hướng tới một hệ thống thuế công bằng”, đây là kết quả nghiên cứu gần 2 năm do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thực hiện dưới sự tài trợ của tổ chức Oxfam tại Việt Nam, mang tên “
Báo cáo Chi tiêu thuế ở Việt Nam, trường hợp thuế thu nhập doanh nghiệp” (Tax Expenditures Report in Vietnam: Case Study in Corporate Tax) [
Tải báo cáo]
VEPR và Oxfam Vietnam nhận định rằng một hệ thống thuế hoạt động hiệu quả và chi tiêu công phù hợp cho các dịch vụ thiết yếu như y tế và giáo dục là nền tảng cho việc thu hẹp bất bình đẳng và xóa đói, giảm nghèo. Vì vậy việc thiết kế các sắc thuế đánh vào đâu và đánh bao nhiêu không chỉ đơn thuần có ý nghĩa về kinh tế mà còn có cả ý nghĩa về chính trị.
Đến lúc cần xem lại các ưu đãi thuế cho doanh nghiệp
Theo thông lệ quốc tế, các khoản thất thu thuế (tax revenue losses) của một quốc gia là phần thuế bị mất đi do: (i) tránh thuế (tax avoidance), (ii) trốn thuế (tax envasion) và (iii) chi tiêu thuế (tax expenditures);
Trong đó, chi tiêu thuế (tax expenditures) là phần thuế mà chính phủ không thu do ưu đãi thuế hợp pháp gắn với quy định pháp luật. Nói cách khác, đây là phần chênh lệch giữa số thu thuế thực tế và số thu thuế theo hệ thống thuế chuẩn. Các hình thức chi tiêu thuế có thể gồm những khoản miễn thuế, giảm thuế, trì hoãn thanh toán thuế, trợ cấp thuế, viện trợ thuế, giảm lãi suất, tín dụng thuế…
Báo cáo cho biết, ở Việt Nam, tỷ lệ thu ngân sách từ thuế qua các năm giảm dần, từ mức 27,3% GDP (2010) xuống 23,7% (năm 2016), trong đó thuế thu nhập doanh nghiệp thu được giảm từ mức 6,9% GDP (năm 2010) xuống còn 4,3% (năm 2017).
Trong khi đó, từ bộ số liệu điều tra doanh nghiệp (VEC) do Tổng cục Thống kê tiến hành hàng năm, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tăng dần qua các năm và ước tính tương đương hơn 1,5% GDP. Các tác giả cho rằng nếu tiếp cận được bộ số liệu chính xác hơn như hồ sơ nộp thuế thì tỷ lệ chi tiêu thuế này có thể tương đương tới 3% GDP.
Con số chi tiêu thuế cụ thể mà nhóm nghiên cứu ước tính được là 55 nghìn tỷ đồng (2012), 61 nghìn tỷ đồng (2014) và 86 nghìn tỷ đồng (2012). Như vậy, ước tính từ năm 2012 – 2016, chi tiêu thuế của thuế thu nhập doanh nghiệp trong nghiên cứu này bằng khoảng 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp, 7% tổng thu ngân sách nhà nước, 5% tổng chi ngân sách nhà nước và so ra cao hơn chi ngân sách cho y tế.
Hiện nay, ưu đãi thuế của Việt Nam đang tập trung vào nhóm doanh nghiệp có quy mô lớn, thuộc ngành công nghiệp (nhất là ngành chế biến và chế tạo), có vốn đầu tư nước ngoài, nằm trong khu công nghiệp. Năm 2016, thuế suất phổ thông là 20% trong khi thuế suất thực nộp của các doanh nghiệp nộp thuế trong nhóm này chỉ khoảng 10%.
“Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam đã tạo ra những phí tổn tài khóa đáng kể và làm gia tăng hơn nữa khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp dân cư”, bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý Chương trình Cấp cao về Quản trị của Oxfam Việt Nam, nhấn mạnh.
Nếu loại bỏ các ưu đãi thuế
Không chỉ tính con số các ưu đãi thuế, nhóm nghiên cứu còn lượng hóa tác động của chi tiêu thuế đối với kinh tế xã hội bằng phân tích mô phỏng, sử dụng mô hình cân bằng khả toán CGE (Computable General Equilibrium).
Mô hình được sử dụng có ma trận gồm 30 ngành sản xuất và 7 loại yếu tố sản xuất, gồm các khu vực thể chế là chính phủ, doanh nghiệp, hộ gia đình, và nước ngoài. Có 6 loại thuế được tính đến là Thuế giá trị gia tăng, Thuế gián thu khác, Thuế nhập khẩu, Thuế thu nhập cá nhân, Thuế thu nhập doanh nghiệp..
"Chúng tôi muốn xem các trường hợp giả thiết, nếu bỏ hoàn toàn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thì điều gì sẽ xảy ra? Nếu bỏ ưu đãi thuế đấy và phần ngân sách tăng thêm được phân bổ cho tiết kiệm, chi tiêu chính phủ hoặc trợ cấp các hộ gia đình thì điều gì sẽ xảy ra? Hoặc nếu không bỏ ưu đãi thuế mà bù vào đó tăng VAT để đảm bảo thu ngân sách thì kết quả sẽ như thế nào”, đồng tác giả nghiên cứu TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội, chia sẻ.
Theo nhóm tác giả, nghiên cứu đã tính đến các tương tác tổng thể giữa những nhân tố trong xã hội. Ví dụ trường hợp mô phỏng S1 cắt giảm hoàn toàn ưu đãi thuế và nhà nước dành tiền thu được tăng thêm để tiết kiệm và đầu tư. Phần GDP do doanh nghiệp tạo ra sẽ bị giảm đi do thu hẹp sản xuất, tiêu dùng và thu nhập của hộ gia đình theo đó cũng có xu hướng ít đi, khiến GDP từ khu vực này giảm. Nhưng tác động lan tỏa do đầu tư chính phủ có thể làm tăng GDP và phần tăng thêm tính toán được lớn hơn phần bị giảm do thuế suất doanh nghiệp tăng, bởi vậy tác động tổng thể là tích cực. Ba trường hợp mô phỏng khác cũng được tính toán tương tự.
Kết quả chung cho thấy, việc cắt giảm các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giúp tăng thu ngân sách 20%, trong khi không có tác động tiêu cực đến kinh tế vĩ mô (như Sản lượng, GDP, Tiêu dùng và Thu nhập hộ gia đình, Tiêu dùng chính phủ...)
Việc xóa bỏ các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ có tác động tiêu cực đến các nhóm thu nhập cao, vốn được hưởng lợi chính từ các ưu đãi thuế. Trong trường hợp chính phủ sử dụng phần ngân sách tăng thêm một cách khôn ngoan, thì việc xóa bỏ các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ mang lại những lợi ích đáng kể cho các nhóm hộ gia đình có thu nhập thấp thông qua việc tăng đầu tư phát triển hay tăng trợ cấp cho người nghèo.
Tuy nhiên, trong trường hợp chính phủ không xóa bỏ ưu đãi mà tăng thuế gián thu như VAT để bù đắp lại, thì sẽ tất cả các nhóm hộ gia đình đều bị ảnh hưởng tiêu cực về thu nhập và chi tiêu.
Hạn chế của báo cáo
Mặc dù các tính toán cho những con số rất đáng lưu ý, nhưng chúng cũng có hạn chế lớn về dữ liệu đầu vào.
“Là một cơ quan nghiên cứu độc lập, chúng tôi rất khó tiếp cận với số liệu thực tế trong hồ sơ khai thuế của các doanh nghiệp,” đồng tác giả nghiên cứu Ths. Hoàng Chinh Thon, khoa Kinh tế học Trường Đại học Kinh tế quốc dân, cho biết. Do vậy, các tác giả nghiên cứu đã phải tìm nguồn số liệu thay thế tốt nhất trong điều kiện của Việt Nam để đưa ra một ước tính sơ bộ và gần đúng nhất.
Bộ số liệu được sử dụng là số liệu điều tra doanh nghiệp do Tổng cục Thống kê Việt Nam tiến hành năm 2012, 2014, 2016. Dữ liệu trong đó vốn chỉ cung cấp lợi nhuận kế toán gộp và số nộp thuế chung của doanh nghiệp. Trong khi thực tế có một sự khác biệt không nhỏ giữa doanh thu kế toán và doanh thu tính thuế của doanh nghiệp. Thêm vào đó, dữ liệu cũng không cho biết số thuế trong từng lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp mà các ưu đãi thuế chủ yếu áp dụng trên doanh thu ngành.
“Các kết quả của nghiên cứu chắc chắn sẽ có hạn chế về tính chính xác mặc dù đã cố gắng giảm thiểu sai số hết mức”, Ths. Hoàng Chinh Thon chia sẻ, “Chúng tôi mong muốn được tiếp cận với bộ dữ liệu tốt hơn trước khi có thể đưa ra những khuyến nghị chính sác cụ thể.”
Đưa vấn đề chi tiêu thuế lên bàn thảo luận.
Trước báo cáo này, Việt Nam chưa từng có đánh giá độc lập định kỳ và minh bạch nào về chi phí và hiệu quả thực sự của các ưu đãi thuế cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi hi vọng là trong thời gian tới, không phải là Liên minh công bằng thuế, VEPR hay Oxfam, mà sẽ là Quốc hội, Bộ Tài chính hay một cơ quan nào đó lớn mạnh và nhiều nguồn lực hơn để có thể đưa ra những báo cáo về vấn đề chi tiêu thuế và tổng thể nền kinh tế Việt Nam trong một bức tranh lớn, từ đó thấy được những khía cạnh lợi ích cũng như những hi sinh mà Việt Nam chấp nhận đánh đổi.”, PGS. TS. Nguyễn Đức Thành nói.
Các tác giả khuyến nghị báo cáo chi tiêu thuế nên được đưa vào danh sách các tài liệu ngân sách hàng năm theo điều 47, Luật Ngân sách nhà nước. Khi đã được quy định trong luật, các cơ quan có thẩm quyền có thể xây dựng hướng dẫn cụ thể và cơ sở dữ liệu để chủ động lập báo cáo chi tiêu thuế định kì.
Tại hội thảo, ông Johan Langerock, Chuyên gia Chính sách Thuế tại Tổ chức Oxfam (Bỉ), cho rằng, "Một điều chắc chắn là các chính sách chi tiêu qua thuế đã và đang đóng góp vào sự phát triển kinh tế của quốc gia và thúc đẩy đầu tư. Tuy nhiên, đã đến lúc Việt Nam cần có lý giải hợp lý các khoản chi tiêu qua thuế cho các công ty lớn”, ông Langerock nhận xét.
Bên cạnh việc Việt Nam cần nhanh chóng xem lại các chính sách của mình về ưu đãi thuế cho doanh nghiệp, chuyên gia của Ofxam này cũng gợi ý, trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam nên đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của ASEAN nhằm nâng cao nhận thức và khởi xướng các thảo luận cấp khu vực. "Các quốc gia cần tránh cuộc đua xuống đáy. Làm được điều đó cần có sự đồng lòng”, ông Langerock chia sẻ.
Thông tin và tài liệu hội thảo có thể xem tại
đây.
Thành lập năm 2008, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trực thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội là một trong những thành viên sáng lập của Liên minh Công Bằng Thuế (VAJT) và Liên minh Minh Bạch Ngân sách (BTAP). Think tank này đã thực hiện nhiều báo cáo độc lập liên quan đến thuế và ngân sách của Việt Nam, sử dụng các nguồn dữ liệu công khai mà nhà khoa học và người dân có thể tiếp cận được để phân tích các chính sách kinh tế- xã hội. |