Sau một thập kỷ xây dựng phần cứng máy tính lượng tử, Jacques Carolan quyết định cần một sự thay đổi. “Tôi muốn nghiên cứu các công nghệ liên quan trực tiếp hơn đến sức khỏe con người”. Vì vậy, vào năm 2021, ông đã chuyển sang nghiên cứu về khoa học thần kinh với mục tiêu xây dựng các công nghệ quang học để hiểu về não bộ.
Năm ngoái, một cơ hội đã tới - Chính phủ Anh đang thành lập một cơ quan tài trợ nghiên cứu chấp nhận rủi ro cao, mô phỏng theo Cơ quan về các dự án nghiên cứu tiên tiến quốc phòng của Mỹ (DARPA), rất nổi tiếng, tiên phong trong một số công nghệ có tầm ảnh hưởng nhất thế giới, tiêu biểu như Internet và máy tính cá nhân. Phiên bản của Anh, Cơ quan Nghiên cứu và Phát minh tiên tiến ARIA, cũng muốn học hỏi mô hình DARPA đó, trừ việc liên quan tới khối quân sự.
Carolan đã nộp đơn, nêu bật mối quan tâm của mình trong việc phát triển các công nghệ để điều trị các rối loạn thần kinh. Hiện tại, Carolan là một trong tám giám đốc chương trình đầu tiên tại ARIA, nơi ông có quyền tự do đặc biệt trong việc lựa chọn các dự án. Carolan cho biết “Đó là một hành trình đầy thử thách”. Các nhà tài trợ và nhà khoa học trên khắp thế giới đang theo dõi để xem liệu ARIA có thể thành công ở một trong những thách thức khó khăn nhất trong khoa học hay không - tìm cách thúc đẩy các nghiên cứu thực sự mang tính cách mạng.
Ý tưởng về một “DARPA của nước Anh” đã được thảo luận trong nhiều năm, David Bott, một chuyên gia đổi mới sáng tạo, đang nghiên cứu tại Warwick Manufacturing Group, một trung tâm nghiên cứu tại Đại học Warwick, Anh, cho biết. Vào năm 2013 Bott đã tham gia vào một phái đoàn của Chính phủ Anh để nghiên cứu DARPA. Ý tưởng này trở thành hiện thực sau khi được nhắc đến trong tuyên ngôn bầu cử do Đảng Bảo thủ của Boris Johnson đưa ra vào năm 2019.
Việc đề cao nguyên tắc tự chủ của DARPA chính là điều mà ARIA học hỏi – chứ không tập trung vào quốc phòng, theo James Phillips, một nhà khoa học thần kinh, cũng đã tham gia xây dựng chính sách cho ARIA tại văn phòng Thủ tướng Anh vào năm 2020 cho biết.
Điều cốt yếu để thành công là quyền tự do tài trợ cho một cộng đồng các nhà khoa học, nhà công nghệ và doanh nghiệp đa dạng có thể cùng nhau hướng tới một mục tiêu, mặc dù có những cách tiếp cận khác nhau.
|
Mặc dù DARPA được Mỹ thành lập nhằm đảm bảo ưu thế vượt trội về công nghệ của Hoa Kỳ trên chiến trường. Nhưng trọng tâm quốc phòng không phải là điều duy nhất khiến DARPA thành công. Các yếu tố được coi là chìa khóa đem lại hiệu quả của DARPA là: quyền tự chủ đưa ra quyết định, hành động nhanh chóng, giới hạn nhiệm kỳ cho các nhà quản lý chương trình và khả năng xây dựng mối quan hệ với giới nghiên cứu và giới công nghiệp.
Về phía ARIA, nhóm của Phillips đặc biệt muốn xác định phạm vi quyền tự chủ của ARIA. Ví dụ, liệu cơ quan mới có thể đưa ra quyết định tài trợ mà chính phủ không đồng ý không? “Điều đó rất, rất quan trọng đối với chúng tôi”, Phillips cho biết.
Ưu tiên khác của Phillips là tìm đúng người lãnh đạo - một người có hiểu biết sâu sắc về mô hình DARPA. Điểm khởi đầu của các giám đốc chương trình là xác định “không gian cơ hội” “lớn hơn một chương trình, nhỏ hơn một lĩnh vực”, Carolan cho biết, nơi họ thấy phạm vi của đổi mới có thể mang lại hiệu quả to lớn cho xã hội, nhưng vẫn chưa được quan tâm và tài trợ đủ.
Hầu hết những “không gian cơ hội” đó đã được phát triển thành các chương trình, chẳng hạn như chương trình Carolan phát triển về công nghệ thần kinh, được hỗ trợ 69 triệu bảng Anh. Chương trình này nêu bật gánh nặng của các bệnh về thần kinh, từ các tình trạng như bệnh Parkinson đến các rối loạn sức khỏe tâm thần. Carolan hy vọng có thể giúp tạo ra các công nghệ có thể giao tiếp với não ở cấp độ mạch (thần kinh), vì hầu hết các rối loạn não đều bắt nguồn từ hệ thống dây thần kinh.
Các giám đốc chương trình cho biết, điều cốt yếu để thành công là quyền tự do tài trợ cho một cộng đồng các nhà khoa học, nhà công nghệ và doanh nghiệp đa dạng có thể cùng nhau hướng tới một mục tiêu, mặc dù có những cách tiếp cận khác nhau. Gemma Bale, một trong những giám đốc của ARIA cho biết: “Cách bạn tài trợ cho khoa học sẽ định hình cách bạn thực hiện khoa học”. Bà và những người khác coi ARIA là một phần của làn sóng thử nghiệm trong siêu khoa học - khoa học về cách tiến hành và tài trợ cho nghiên cứu.
Tháng này, Bale và đồng sự đã công bố chương trình của họ, có tên là Dự báo Điểm tới hạn nhằm mục đích tạo ra một hệ thống cảnh báo sớm cho các điểm tới hạn về khí hậu của Trái đất nhằm góp phần khắc phục những lỗ hổng lớn trong việc giám sát môi trường dễ bị tổn thương của Trái đất.
Về phía mình, Carolan đang tiếp nhận các đề xuất cho các hồ sơ tài trợ đầu tiên. Các chuyên gia nội bộ và bên ngoài giúp xem xét các đơn đăng ký. Nhưng các giám đốc ARIA có quyền tự do quyết định cuối cùng ai sẽ nhận được tài trợ.
Các giám đốc chương trình khác đang sử dụng quyền tự chủ theo những cách khác nhau. David Dalrymple, Giám đốc chương trình về AI an toàn, tháng trước đã bổ nhiệm nhà nghiên cứu tiên phong về trí tuệ nhân tạo Yoshua Bengio làm Giám đốc khoa học của chương trình để đưa ra lời khuyên chiến lược và các vấn đề kỹ thuật. Mục tiêu của chương trình của Dalrymple là xây dựng một hệ thống “AI gác cổng” có nhiệm vụ hiểu và giảm thiểu rủi ro cho các tác nhân AI khác.
Phản hồi từ cộng đồng nghiên cứu về ARIA cũng rất tích cực. “Tôi nghĩ họ đang làm một điều rất, rất quan trọng”, Phillip Stanley-Marbell, nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge, một kỹ sư máy tính có công ty Signaloid đã ký hợp đồng nhận tài trợ đầu tiên của ARIA, cho biết về việc cải thiện hiệu quả của các mô hình ngôn ngữ lớn. Signaloid, một công ty spin-out của Đại học Cambridge, hy vọng công trình này sẽ đóng góp vào những nỗ lực rộng lớn hơn nhằm ngăn chặn các mô hình ‘ảo giác’ thông tin.
Theo Stanley-Marbell, người đã có sự nghiệp đa dạng trong cả khối học thuật và tại các công ty khổng lồ trong ngành như Apple, điểm khác biệt với các khoản tài trợ trước đây là các mục tiêu trong hợp đồng ARIA rất cụ thể và hợp đồng có thể bị chấm dứt bất cứ lúc nào. “Đó là một quá trình rất nghiêm ngặt nhưng rất dễ chịu - rất thực tế và rất hợp lý”, ông nói.
Sẽ cần nhiều năm để đánh giá thành công của ARIA, theo các nhà phân tích. Luật đang quy định thời hạn của chương trình này là 10 năm, đó có lẽ cũng là khoảng thời gian đủ để đo lường tác động của ARIA trong việc theo đuổi những hướng nghiên cứu đột phá và nhiều rủi ro.
Nguồn: Nature 633, 512-514 (2024)doi:
https://doi.org/10.1038/d41586-024-02995-1