Với những chương trình định hướng hỗ trợ và một khóa tăng tốc khởi nghiệp mới, Romania đặt mục tiêu xây dựng mối hợp tác sâu rộng hơn giữa hệ sinh thái start - up công nghệ y tế và các đối tác chính trong hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Romania.
Romania đang nỗ lực xây dựng LevelUP - một hệ sinh thái cho các start - up công nghệ y tế, tận dụng sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu Đổi mới sáng tạo và Công nghệ châu Âu (EIT) và đội ngũ IT tài năng của đất nước mình. Và trong cộng đồng y tế EIT, các nhà khởi nghiệp Romania đang chứng tỏ những tín hiệu thành công ban đầu.
Một cuộc khảo sát mới công bố kết quả vào tháng 4/2023 về các quốc gia khối Widening – bao gồm những quốc gia có tỷ lệ tham gia các chương trình tài trợ cho khoa học của EU ở mức thấp – cho thấy là những công ty khởi nghiệp của Romania tham gia các chương trình của EIT đều có hiệu suất ở mức trung bình về tổng giá trị tài trợ, về đánh giá hiệu quả đầu tư và tỷ lệ các công ty khởi nghiệp gia nhập thị trường. Nơi họ thua kém các công ty khởi nghiệp khác là tổng lượng đầu tư từ bên ngoài.
Synaptiq, công ty phần mềm y tế có trụ sở tại Cluj đã phát triển phần mềm Mediq, chuyên tối ưu hóa điều trị ung thư bằng cách định hình các khối u và các cơ quan có nguy cơ. Ảnh: business-review.eu
Hệ sinh thái LevelUP của Romania bao gồm một phạm vi rộng của các công ty khởi nghiệp về sức khỏe, trong đó có các công ty chuyên về phục hồi sức khỏe, một trong số những khoảng trống trong hệ thống chăm sóc sức khỏe Romania.
Thế mạnh chính của Romania trong việc hình thành các công ty chăm sóc sức khỏe là tài năng trong lĩnh vực số và câu chuyện chung cho các công ty khởi nghiệp về sức khỏe của Romania là sự gặp gỡ giữa hiểu biết về công nghệ và trải nghiệm cá nhân, có thể là bè bạn hoặc người thân phải vật lộn với những vấn đề sức khỏe riêng biệt hoặc đơn giản là nhận thấy có một vấn đề y tế mà họ có thể giải quyết được. “Họ thấy vai trò của công nghệ số trong những miền khác, như công nghệ tài chính và bán lẻ, và khi thấy một vấn đề sức khỏe, họ quyết định thử dùng kỹ năng mà họ có để xem xét”, Petrovai, một tiến sĩ từng có nhiều kinh nghiệm làm việc trong ngành dược phẩm nói.
Hoặc một khởi nghiệp có thể ra đời khi một doanh nhân nhiều kinh nghiệm thấy một vấn đề trên thị trường chăm sóc sức khỏe nên quyết định áp dụng hiểu biết của mình, giải quyết vấn đề và xây dựng một doanh nghiệp mới. Đó là trường hợp của Parol, một công ty có trụ sở ở Bucharest, được thành lập sau khi nghe các bác sĩ nói về việc họ phải mất bao nhiêu thời gian để viết các ghi chép sức khỏe. “Trung bình, một bác sĩ mất hai giờ trong số tám giờ làm việc để viết các báo cáo tư vấn sức khỏe. Vậy là chúng tôi nghĩ mình có giải pháp cho điều đó”, Claudiu Pândaru, giám đốc điều hành công ty nói. Họ đã thiết lập nền tảng truyền thông Republica, với việc tạo dựng một trợ lý giọng nói mà người ta có thể tương tác thông qua các hệ thống phần mềm xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Hệ thống Parol có thể ghi lại cuộc đối thoại giữa bác sĩ và bệnh nhân, tạo ra một bản chuyển đổi được đồng bộ hóa theo thời gian thực. Sau đó có AI xử lý tiếp và tạo ra một báo cáo tư vấn. Một khi được bác sĩ ký vào đó, nó có thể được đưa thẳng vào hồ sơ bệnh viện.
Sản phẩm này mới được hoàn thiện vào tháng tư và hiện đang chờ đợi khách hàng tiềm năng trong thị trường mà Parol hướng đích ở Romania, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. “Đầu tiên chúng tôi muốn thành công với tiếng Romania và tiếng Anh, vì vậy một cách tự nhiên chúng tôi hướng đến các quốc gia mà nhiều nhà lâm sàng sử dụng tiếng Anh,” Pândaru nói.
Ngoài ra còn có những nhà khởi nghiệp Romania quay trở lại quê hương: Dragoș Dușe phát triển Synaptiq khi đang phát triển các thuật toán AI để chẩn đoán ung thư tại Trung tâm nghiên cứu Ung thư Đức ở Heidelberg. Anh quan tâm đến các con đường điều trị tiếp theo, và cụ thể là những nút thắt giới hạn việc sử dụng liệu pháp xạ trị. Một trong số nguyên nhân là thiếu bác sĩ có thể giúp phác đồ điều trị, cụ thể là thời gian họ dành cho phân tích hình ảnh y tế của bệnh nhân. “Vì vậy tôi bắt đầu tìm hiểu là vấn đề có thể được giải quyết bằng thuật toán AI tương tự như thuật toán tôi vẫn dùng để phân tích hình ảnh mô”, Dușe nói. Anh dành thời gian cho ý tưởng này cho đến lúc có thể lên kế hoạch làm nghiên cứu sinh và chuẩn bị cho ý tưởng xa hơn. Anh trở lại Romania, chủ yếu là do hệ sinh thái ở đây đã rất cởi mở. “Nói chung ngôn ngữ, chung văn hóa, thật dễ dàng để tôi tìm những người là nhà đầu tư tiềm năng”, anh nói.
Công ty của anh đã huy động được 250.000 Euro trong kêu gọi đầu tư trong năm đầu tiên, sau đó thắng một khoản tài trợ trị giá 158.000 Euro từ Quỹ Đổi mới của NaUy. Năm nay họ nhận thêm 700.000 Euro cho một pha thử nghiệm lâm sàng nhỏ để chứng tỏ lợi ích về hiệu quả và thời gian so với phương pháp truyền thống. Giới chuyên môn đã chào đón giải pháp của Synaptiq. “Các bác sĩ phấn khích về hệ thống của chúng tôi bởi họ hiểu nỗi đau khổ của việc xử lý theo cách truyền thống,” Dușe nói.
Cả FreshBlood và LevelUP đều thấy những kết nối giữa các start - up và hệ thống sức khỏe quan trọng. “Hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng vẫn còn tồn tại sự quan liêu và thật khó để một start - up liên hệ với một nhà quản lý bệnh viện. Đó là một trong những điều mà chương trình của chúng tôi có thể hỗ trợ”, Rusu nói.
Vườn ươm LevelUP được xây dựng sau khi Cơ quan quản lý vùng Đông Bắc tham gia chương trình của EIT Health, cơ hội đem lại cho các tổ chức ươm tạo khởi nghiệp một hiểu biết sâu sắc hơn vào những cơ hội còn chưa được khai thác trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo sức khỏe của mình.
Vùng Đổi mới sáng tạo số ở Lași, phía Đông Bắc Romania, tham gia từ năm ngoái, dẫn đến việc tạo dựng Vùng Đổi mới sáng tạo sức khỏe. Đây là một chương trình tiền đánh giá cho các giải pháp đổi mới trong ngành chăm sóc sức khỏe, mới được mở ra để kêu gọi các hồ sơ đề xuất trong tháng tư.
Phản hồi cho đợt kêu gọi đề xuất hồ sơ ở LevelUP không những mở ra một cơ hội cải thiện hệ sinh thái đổi mới ở Romania mà còn có thể thúc đẩy nó phát triển nhanh hơn. “Chúng tôi muốn thấy nhiều cởi mở hơn và chuyển đổi hơn từ tất cả các thành viên trong hệ sinh thái này, và cụ thể là cả các viện nghiên cứu công để gia tốc sự đáp ứng của họ về đổi mới sáng tạo”, Rusu nói. Ngoài ra, anh cho rằng vẫn cần có thêm nữa sự hỗ trợ để quốc tế hóa các hoạt động này và mở rộng cánh cửa thị trường cho các nhà khởi nghiệp bước ra thế giới rộng lớn hơn.
Nhưng để đạt được điều này, cần tới cả những nguồn lực khác của chính phủ. Petrovai nghĩ rằng hiện tài trợ của chính phủ còn chưa đủ và lại thiếu linh hoạt. “Một trong những thách thức mà chúng tôi phải đối mặt là thiếu nguồn ngân sách dài hạn và hỗ trợ cần thiết để giúp những người muốn tham gia vào hệ sinh thái sáng tạo”, anh nói.
Mối hợp tác sâu rộng hơn giữa hệ sinh thái start - up công nghệ y tế và các đối tác chính trong hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Romania sẽ là yếu tố để thúc đẩy các nhà khởi nghiệp công nghệ chăm sóc sức khỏe.
Nguồn: sciencebusiness.net