Giáo dục được dự đoán là một trong những lĩnh vực chịu tác động lớn nhất của trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI), cả tích cực lẫn tiêu cực. Bài viết dưới đây thử phác họa những tác động này.


Tác động tích cực

Bất cứ người làm giáo dục nào, nếu đã trải nghiệm ChatGPT/GenAI, đều nhận thấytiềm năng vô cùng lớn của việc ứng dụng AI trong giáo dục. Điều này đến từ việc mỗi người giờ đây đều có thể sở hữu một cỗ máy biết tư duy, có khả năng đưa ra câu trả lời và các phương án tổ chức, xử lý, kết nối tri thức. Kết quả hiển nhiên là nếu sử dụng AI như một trợ lý theo cách đúng đắn, tiềm năng và tốc độ học tập của mỗi người sẽ được mở rộng nhanh chóng.

Tuy trong một số bài thử nghiệm, AI vẫn trả lời sai, nhưng những gì mà các GenAI như ChatGPT đã làm được, đặc biệt là sự tiến bộ của AI trong thời gian rất ngắn trở lại đây, làm chúng ta tin rằng, AI sẽ tác động vô cùng lớn đến giáo dục.

Biết sử dụng AI giống như sở hữu một cỗ máy có khả năng tư duy, đưa ra câu trả lời và các phương án tổ chức, xử lý, kết nối tri thức. Nguồn: europeofcities.com
Biết sử dụng AI giống như sở hữu một cỗ máy có khả năng tư duy, đưa ra câu trả lời và các phương án tổ chức, xử lý, kết nối tri thức. Nguồn: europeofcities.com

Về đại thể, có thể nêu sơ bộ một số ứng dụng của AI đối với giáo dục, như sau:

Việc dạy: Các công cụ AI hỗ trợ hiệu quả cho nhiều khâu trong quá trình giảng dạy. Chẳng hạn, việc soạn giáo án, xây dựng nội dung bài học, ra đề thi, chuẩn bị học liệu, hay phân tích dữ liệu… trở nên rất nhanh gọn với sự hỗ trợ của ChatGPT/GenAI. Nhờ đó, giáo viên được giải phóng khỏi nhiều công việc nhàm chán để tập trung vào những khâu quan trọng nhất như cải thiện phương pháp giáo dục, cải thiện tương tác trực tiếp với học sinh, cùng học sinh giải quyết các tình huống thực, bài toán thực trong cuộc sống thông qua nghiên cứu hoặc học qua dự án…

Với sự hỗ trợ của AI, giáo viên cũng dễ dàng tự học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo kịp các chuyển động giáo dục của thế giới. Thậm chí, nếu nhập cuộc, một giáo viên ở nước đang phát triển có thể đi cùng, thậm chí đi trước, một giáo viên ở nước phát triển trong việc ứng dụng AI vào giáo dục.

Việc học:
ChatGPT/GenAI cho phép cá nhân hóa việc học một cách sâu sắc. Giờ đây, học sinh có thể dùng ChatGPT/GenAI như một trợ lý nghiên cứu để triển khai việc tự học, tự nghiên cứu của chính mình. Với sự hỗ trợ của ChatGPT/GenAI, một người có thể tiếp cận và từng bước chinh phục các chuyên ngành mới thuận lợi hơn trước rất nhiều. Nhờ đó, biên giới giữa các ngành học được xóa nhòa. Điều quan trọng nhất lúc này không phải là học kiến thức chuyên ngành, mà là đặt các câu hỏi xác đáng, tìm ra vấn đề cần giải quyết, khái quát hóa thành mô hình, sử dụng các công cụ AI để phân tích dữ liệu và hỗ trợ giải quyết vấn đề sao cho nhanh và hiệu quả.

Trước kia, đó từng là những việc chỉ những người thầy giỏi, mà vốn bao giờ cũng hiếm, mới làm được. Nhưng với sự ra đời của ChatGPT/GenAI, mỗi người đều có thể tự mình làm được những việc này nếu được hướng dẫn. Nhờ vậy, cá nhân hóa việc học trở nên khả thi với đại chúng.

Ngoài ra, trong thời đại AI, việc tham gia các hoạt động giáo dục toàn cầu cũng trở nên dễ dàng hơn so với trước rất nhiều, vì các công cụ AI cho phép tạo ra và quản lý các lớp học ảo, các dự án học tập có sự tham gia của người học toàn cầu.

Tác động tiêu cực

Bên cạnh các tác động tích cực nêu trên, AI cũng có khả năng tác động tiêu cực đến giáo dục. Cụ thể:

Việc dạy: Lạm dụng AI để xây dựng nội dung bài học, chuẩn bị học liệu, chuẩn bị nội dung thi cử… có thể dẫn đến việc tạo ra các học liệu kém chất lượng và chứa đựng nhiều sai sót, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục. Phụ thuộc vào AI để giảng dạy, giáo viên sẽ thoái hóathành phương tiện mở rộng của chính AI, hay nói cách khác, giáo viên không khác gì cái loa để AI phát ra nội dung của nó. Khi đó, giáo viên sẽ tự làm cùn mòn khả năng của mình, không chỉ ở khía cạnh chuyên môn nghiệp vụ, mà sâu xa hơn, ở chính các yếu tố quan trọng nhất hình thành nên một con người như khả năng tư duy độc lập, phát triển cảm xúc và đạo đức…

Hơn thế, sự xuất hiện của AI cũng đe dọa việc làm của giáo viên, khi việc học đã có thể cá nhân hóa và việc tự học giờ đây đã trở nên khả thi hơn rất nhiều so với trước đây. Nếu giáo viênkhông cải thiện năng lực tư duy độc lập, chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm thì họ hoàn toàn có thể bị thay thế bởi các giáo viên ảo do AI tạo ra.

Việc học:
Trong thời đại AI, học sinh dễ bị phụ thuộc vào AI và công nghệ, từ đó ảnh hưởng lớn đến khả năng tư duy độc lập của mình. Việc học trong thời đại AI đòi hỏi những thay đổi căn bản, trong đó quan trọng nhất là kĩ năng ra lệnh cho AI, sử dụng AI như một trợ lý cho việc học và làm việc.

Nói cách khác, học sinh giờ đây ngoài việc học để làm chủ kiến thức, kĩ năng và hình thành thái độ sống đúng đắn thì còn phải học được cách làm chủ AI. Nếu không, thay vì sử dụng AI,học sinh sẽ bị chính AI khai thác thông tin, dữ liệu cá nhân để hoàn thiện các thuật toán của nó.

Tuy nhiên, việc làm chủ bản thân, kiểm soát tâm trí để không bị các nền tảng xã hội, giải trí ngập tràn thông tin được cá nhân hóa bởi các chương trình AI là việc vô cùng khó. Vì thế có thể tiên đoán, trình độ của học sinh sẽ phân hóa mạnh. Sẽ có một số ít học sinh rất xuất sắc nhờ làm chủ bản thân và làm chủ việc sử dụng AI để phục vụ việc học. Ở chiều ngược lại, sẽ có rất nhiều học sinh bị AI nuốt chửng, vì thế không thể hình thành tư duy độc lập, nhân sinh quan và thế giới quan của riêng mình.

Điều đáng lo ngại nữa là trong thời đại AI, nguy cơ học sinh bị AI hóa rất cao. Khi đó, các emtrở thành bộ phận mở rộng của AI, hành động như các thiết bị ngoại vi của AI, nói những điều AI phát ra, nghĩ những điều AI cài vào, lựa chọn theo những nội dung AI gợi ý…

Kiểm tra, đánh giá, thi cử:
Trình độ của các ChatGPT/GenAI có thể đã tương đương với trình độ của chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm, người học không khó khăn gì khi sử dụng ChatGPT/GenAI để làm các bài luận, bài thi… và qua mặt người chấm, tạo ra các gian lận trong thi cử. Chẳng hạn, nếu sử dụng ChatGPT để viết bài luận, luận văn, thậm chí các bài báo khoa học, một sinh viên yếu kém hoàn toàn có thể vượt qua các kì thi tốt nghiệp. Vì vậy, cải tiến việc kiểm tra, đánh giá, thi cử trong thời đại AI thế nào để chống gian lận là một vấn đề lớn mà những người làm giáo dục cần xử lý.

Các quyền riêng tư:
Sự xuất hiện của AI đã và đang đặt ra những vấn đề rất lớn liên quan đến quyền riêng tư của con người. Với giáo dục, điều này có nghĩa các thông tin và dữ liệu cá nhân của người học có thể bị xâm phạm.Hệ lụy của vấn đề này rất phức tạp, khi người dạy và người học gần như không còn chút riêng tư nào dưới sự sục sạo của các thuật toán AI. Vì thế, khi sử dụng AI, các cơ sở giáo dục cần phải có các chính sách bảo vệ thông tin, dữ liệu và quyền riêng tư một cách thỏa đáng.

Vấn đề còn bỏ ngỏ

Vấn đề còn bỏ ngỏ và đang được bàn cãi sôi nổi, là AI sẽ thay đổi loài người như thế nào. Với sự ra đời của AI, con người bỗng nhiên phải định nghĩa lại chính mình. Con người giờ đây đối mặt với một câu hỏi mới: Con người là gì trong sự đối sánh với AI?

Vấn đề sẽ trở nên quan trọng và nóng bỏng hơn khi cấy ghép chíp vào bộ não người trở thành hiện thực. Điều này cho phép bộ não người giao tiếp trực tiếp với máy tính, tức có thể download, upload thông tin và nối mạng internet. Khi đó, con người có còn là con người, hay đã trở thành một cyborg, tức người-lai-máy? Khái niệm tư duy độc lập sẽ được hiểu thế nào trong một cơ thể người-lai-máy hay một cỗ-máy-lai-người?

Ngay cả trong một thực tế đơn giản hơn, đang diễn ra hằng ngày hằng giờ, với việc sử dụng AI trở nên phổ biến, thì con người liệu có trưởng thành được không khi luôn phụ thuộc vào AI cả khi học lẫn khi làm việc?

Trong tác phẩm “Trả lời câu hỏi khai sáng là gì?”, Immanuel Kant nói: Khai sáng là sự thoát ly của con người ra khỏi tình trạng vị thành niên do chính con người gây ra. Ở đây, vị thành niên tức là chưa trưởng thành.

Theo người viết, một người bị coi là chưa trưởng thành khi chưa có khả năng tư duy độc lập. Chính vì chưa có khả năng tư duy độc lập nên người vị thành niên luôn phải trông cậy vào tư duy của người khác. Đó cũng là lý do vì sao trẻ vị thành niên luôn cần người giám hộ khi ở một mình và nếu có lỡ phạm tội thì cũng được xử theo khung hình phạt riêng, nhẹ hơn nhiều so với khung hình phạt dành cho người trưởng thành.

Với sự xuất hiện và phổ biến của AI, liệu giáo dục có thể tạo ra những con người có khả năng tư duy độc lập hay không, xét với số đông, là vấn đề còn bỏ ngỏ.