Mặc dù được coi là cơ hội góp phần tăng chi phí đầu tư cho R&D của xã hội nhưng Quỹ phát triển KH&CN tại doanh nghiệp vẫn bị bó hẹp trong rất nhiều quy định ràng buộc. Vậy cách nào để mở rộng không gian hoạt động của quỹ KH&CN tại doanh nghiệp và khuyến khích họ tận dụng nguồn lực này?
Trong hơn một thập niên tồn tại, chưa khi nào các quỹ phát triển KH&CN tại doanh nghiệp phát huy được hết công năng của mình. Kênh huy động vốn đầu tư cho hoạt động R&D của các doanh nghiệp này vận hành một cách khó nhọc, thậm chí không hiệu quả.
Trong phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội vào tháng 6/2023, đại biểu Dương Minh Ánh của Đoàn ĐBQH Hà Nội nêu thực tại: chưa có nhiều doanh nghiệp trích lập và sử dụng quỹ phát triển KH&CN tại doanh nghiệp, nếu có thì lại rơi vào tình trạng thiếu tiền, thừa quỹ, tồn quỹ đến hàng chục nghìn tỷ đồng do thủ tục, cơ cấu chi của quỹ còn nhiều điểm bất hợp lý.
Đó là thực tại mà rất nhiều người quan tâm đến những nguồn lực đầu tư cho hoạt động R&D nằm ngoài bầu sữa ngân sách đều thấu hiểu. Sau cả một thập niên, câu chuyện trích lập quỹ phát triển KH&CN tại doanh nghiệp dường như chỉ dao động quanh những từ khóa “không mặn mà”, “không tiêu được”, “khó giải ngân”, “nhiều thủ tục”, “ít hiệu quả”… Quá hiếm hoi những “cơn gió mát lành” như Viettel.
“Ngay từ năm 2010, Viettel đã trích được từ 3 đến 10% thu nhập chịu thuế phát sinh trong năm để thành lập quỹ, giá trị lên tới 1.000 đến 4.000 tỷ đồng. Nguồn quỹ này giúp Viettel có những bước đà tăng trưởng doanh thu cũng như mở rộng các lĩnh vực để phát triển”, đại tá Nguyễn Quốc Hùng, Phó trưởng Ban Kỹ thuật Tập đoàn Viettel, trao đổi tại tọa đàm “Giải phóng nguồn lực Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp”, do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức vào tháng 12/2022.
Ông cũng cho biết thêm, lộ trình sử dụng quỹ và trích lập quỹ được xác định dựa trên lộ trình nghiên cứu dài hơi từ 5 đến 10 năm và hiệu quả của nó là “Tính đến thời điểm này, Viettel đã có hơn 72 bằng sáng chế trong nước và 15 bằng sáng chế được đăng ký bảo hộ độc quyền tại Mỹ”.
Ở khu vực miền Trung, Công ty CP Đường Quảng Ngãi cũng là một ví dụ thành công khác. Tại buổi làm việc với Bộ KH&CN vào ngày 30/8/2024, ông Võ Thành Đàng, Tổng Giám đốc Công ty, được báo Quảng Ngãi dẫn lời, đã giới thiệu về hoạt động R&D tại các đơn vị nghiên cứu sản phẩm, nghiên cứu giống mía, giống đậu nành đạt tiêu chuẩn quốc tế của công ty như Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng đậu nành Vinasoy, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng giống mía Gia Lai. Một phần của thành quả này là từ sự hoạt động hiệu quả của Quỹ phát triển KH&CN Công ty CP Đường Quảng Ngãi, được thành lập từ năm 2009. Từ đó đến năm 2023, công ty đã trích và sử dụng 511 tỷ đồng từ quỹ để đầu tư vào ba khía cạnh chính là mua sắm máy móc thiết bị phục vụ cơ giới hóa tại vùng nguyên liệu mía; đầu tư nghiên cứu giống, kỹ thuật canh tác mía, đậu nành; đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ nghiên cứu....
Tại sao với hàng loạt thông tư, nghị định được ban hành để khuyến khích việc thành lập và hoạt động của quỹ KH&CN tại doanh nghiệp nhưng số doanh nghiệp thành công như Viettel hay Đường Quảng Ngãi lại quá ít? Tại sao tồn tại nghịch lý này?
Việc lý giải những câu hỏi này có thể sẽ dẫn đến các gợi ý quan trọng cho cuộc sửa đổi Luật KH&CN 2013, cụ thể ở việc khuyến khích các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho các hoạt động R&D.
Những dòng vốn R&D bị nghẽn
Từ nhiều năm nay, những ai quan tâm đến hoạt động KH&CN đều được nghe một điệp khúc quen thuộc, đó là ngân sách đầu tư cho KH&CN còn khiêm tốn. Đây cũng là một trong những lý do để các nhà quản lý nghĩ đến việc cần huy động nhiều nguồn lực của xã hội hơn cho KH&CN, đặc biệt là ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới vào thực tiễn. Nguồn lực của xã hội, thoạt nghe có phần chung chung nhưng trên thực tế, được tập trung vào một điểm quan trọng: các doanh nghiệp.
Hơn ai hết, các doanh nghiệp mong muốn tăng doanh thu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Để làm được việc này, họ buộc phải đổi mới công nghệ để đa dạng hóa sản phẩm, tăng thêm giá trị khác biệt của sản phẩm mình làm ra. Khi đó, con đường bền vững nhất và hiệu quả nhất là đầu tư vào R&D. Tuy nhiên, có một câu hỏi thường trực là làm thế nào để các doanh nghiệp đầu tư?
“Trong Luật KH&CN cũng nói rõ là các doanh nghiệp cũng phải dành một phần lợi nhuận đầu tư cho Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Quy định này được nhắc tới từ Luật KH&CN năm 2000 nhưng chưa thành quy định. Do đó, các doanh nghiệp không làm cũng được và muốn làm thì cũng bị hạn chế do Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định là Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp không được trích quá 10% lợi nhuận trước thuế”, TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN và trưởng ban soạn thảo Luật KH&CN năm 2013, chia sẻ vào năm 2023.
Được quy định và hướng dẫn từ nghị định đến thông tư, các quỹ KH&CN tại doanh nghiệp được coi là một nguồn vốn quan trọng, trích lập từ phần doanh thu trước thuế để đầu tư cho hoạt động R&D của chính doanh nghiệp. Theo các quy định này, các doanh nghiệp nhà nước phải trích lập quỹ theo tỉ lệ từ 3 đến 10% còn doanh nghiệp tư nhân thì được khuyến khích trích lập. Nhà nước sẽ không tính thuế đối với phần kinh phí trích lập quỹ, nếu nó được tiêu “đúng người, đúng việc, đúng thời điểm”.
Trong tọa đàm tháng 12/2022, bà Mạnh Thị Tuyết Mai, Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, nhấn mạnh “Theo quy định hiện hành, nếu doanh nghiệp chi cho hoạt động nghiên cứu khoa học mà có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh thì khoản chi đó sẽ được tính vào chi phí quỹ. Từ năm 2008, Quốc hội đã ban hành Luật cho phép doanh nghiệp trích 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để trích lập Quỹ phát triển KH&CN. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để khuyến khích doanh nghiệp có nguồn lực đầu tư cho KH&CN theo chiều hướng lâu dài hơn và lớn hơn”.
Hiệu quả của việc trích lập và vận hành quỹ được dự báo là ở mức rất lớn. “Quy định này nếu được triển khai một cách triệt để sẽ tạo ra nguồn lực lớn từ xã hội để đầu tư, phát triển KH&CN. Doanh nghiệp sử dụng nguồn Quỹ này cho mục đích triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và hỗ trợ phát triển công nghệ”, TS. Nguyễn Thị Lê Hoa (Viện Năng suất Việt Nam) nhận định trên vietq.vn vào năm 2023.
Hành lang pháp lý đã được mở nhưng trái ngược với hy vọng của các nhà quản lý, dường như không có một làn sóng thành lập quỹ KH&CN tại doanh nghiệp để thụ hưởng hiệu quả của nó như dự đoán. Thay vào đó là một bầu không khí thăm dò và chờ đợi những người đi tiên phong để xem việc vận dụng cơ chế, chính sách trên thực tế sẽ ra sao.
Quả thật, với những điều trước nay chưa có tiền lệ ở Việt Nam, có quá nhiều điều phát sinh khiến những quy định tưởng chừng rất mở và rất khuyến khích lại không phát huy được tác dụng. Ông Nguyễn Ngọc Sơn (Ủy ban KHCN và MT của Quốc hội) trong tọa đàm tháng 12/2022 đã đưa ra một số nét phác thảo bức tranh này: “Qua thực tế giám sát, Ủy ban thấy từ 2011-2019 mới có 618 doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty tại 58 tỉnh, thành phố trích lập và sử dụng quỹ, với mức trích là 22 nghìn tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD)”.
Ông phân tích “Số liệu này cho thấy có hai vấn đề: một là số doanh nghiệp trích Quỹ vẫn thấp, chỉ chiếm 0,02% chưa đạt cận dưới của quy định (quy định là 3%); hai là việc giải ngân các nguồn lực đã trích chưa đạt 40%, trong đó nhiều doanh nghiệp không giải ngân hết, phải tiến hành hoàn nhập quỹ như Tập đoàn Công nghiệp Cao su từng hoàn nhập quỹ tới 84% (tương đương 1.164 tỷ/1.384 tỷ)”.
Hàng ngàn tỉ đồng ở các doanh nghiệp lớn đã bị nghẽn lại như vậy. Theo thời gian, tình hình trích lập quỹ ở doanh nghiệp cũng chưa mấy thay đổi. “Nhiều doanh nghiệp không biết đến quy định về Quỹ phát triển KH&CN, hoặc đã từng nghe nhưng thấy không có lợi ích gì với doanh nghiệp của mình nên bỏ qua”, ông Tạ Hồng Thái, Phó tổng Giám đốc Bộ phận Thuế doanh nghiệp KPMG Việt Nam, chia sẻ trên báo Đầu tư vào năm 2021.
Theo số liệu của Bộ KH&CN nêu tại phiên chất vấn kỳ họp Quốc hội thứ 11, trong giai đoạn 2015-2021, mới có 1.281 doanh nghiệp trích lập quỹ, chiếm khoảng 0,14% trên tổng số các doanh nghiệp của cả nước; tình trạng giải ngân của các quỹ này đạt 60% lượng kinh phí trích lập. Có một câu hỏi đặt ra trước tình trạng này: có phải cơ chế chính sách đã có chưa đủ sức khuyến khích doanh nghiệp hay do chính sách còn có những điểm không hợp lý?
Những bất cập chưa thể tháo gỡ
Những dòng chảy kinh phí đầu tư cho R&D tại doanh nghiệp đã bị nghẽn lại ở những điểm nút vận hành của các quỹ KH&CN tại doanh nghiệp. “Các con số cho thấy, còn rất nhiều các bất cập từ chính sách pháp luật trong tổ chức thực hiện. Ví dụ, một số quy định pháp luật về quản lý quỹ còn chưa tương thích, đồng bộ, quy định hướng dẫn về quỹ chưa được sửa đổi, ban hành đầy đủ, kịp thời”, ông Nguyễn Ngọc Sơn đưa ra một lý giải.
Bao giờ cũng vậy, thực tiễn cuộc sống mới là “lửa thử vàng” để đánh giá hiệu quả của những cơ chế chính sách được nhà quản lý các cấp xây dựng và ban hành. Ở góc độ một chuyên gia về thuế và dịch vụ doanh nghiệp tại Việt Nam có kinh nghiệm hơn 20 năm, ông Tạ Hồng Thái đã phân tích một số bất cập trong các quy định này, trong đó chướng ngại đầu tiên là quy định về thời gian sử dụng quỹ, nếu quá năm năm kể từ khi trích lập mà không sử dụng, hoặc sử dụng không hết 70%, hoặc sử dụng không đúng mục đích, sẽ bị truy thu thuế trên phần tiền trích lập cộng với lãi suất từ số thuế truy thu. “Như vậy, thời gian doanh nghiệp được tạm ứng tiền thuế để chi cho nghiên cứu phát triển công nghệ không nhiều” trong khi việc phát triển, cải tiến hoặc đón nhận chuyển giao một công nghệ hoàn toàn mới có thể cần nhiều thời gian “thử và sai” hơn.
Trong quá trình vận hành quỹ KH&CN tại doanh nghiệp, người ta có thể thấy nảy sinh một vấn đề là cách hướng dẫn thiết kế và triển khai các đề án đổi mới công nghệ hay chuyển giao công nghệ đều rập khuôn theo các đề án, đề tài KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước. Vì vậy, vô hình trung, các mục hạng mục chi, các thủ tục giấy tờ cho các hoạt động R&D ở doanh nghiệp, ngay cả doanh nghiệp tư nhân, đều gặp phải những rắc rối mà các nhà khoa học đã nếm trải.
Tại buổi làm việc giữa đoàn công tác của Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về giải quyết vướng mắc đối với Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp vào ngày 9/2022, đại diện EVN phản ánh, dù không lập quỹ nhưng EVN đã ban hành quy chế quản lý hoạt động KH&CN. Việc áp dụng quy chế theo hướng dẫn của Thông tư 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC còn gặp nhiều khó khăn, do chủ yếu phải thực hiện dưới dạng các nhiệm vụ KHCN, chưa sử dụng cho các dự án đầu tư sử dụng công nghệ mới.
Không chỉ doanh nghiệp nhà nước mà cả doanh nghiệp tư nhân cũng không vượt được khỏi hướng dẫn này. “Đối với doanh nghiệp không có vốn nhà nước thì có nhiều phức tạp, cản trở sự linh hoạt trong việc sử dụng nguồn lực, trong khi lợi ích mà doanh nghiệp được hưởng không đáng kể”, theo nhận xét của ông Tạ Hồng Thái.
Khi nhìn lại toàn cảnh vận hành và sử dụng quỹ KH&CN tại doanh nghiệp, nhiều người cho rằng, con số được phép trích từ doanh thu là từ 3% đến 10% đối với doanh nghiệp nhà nước và tối đa 10% đối với doanh nghiệp tư nhân không phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam: các doanh nghiệp đa phần là vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, doanh thu trước thuế cũng không đủ lớn. Vì vậy, một nhà nghiên cứu ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho rằng “10% lợi nhuận trước thuế có khi chỉ là mấy trăm triệu đồng, không đủ cho họ đầu tư cho KH&CN hay tạo ra sản phẩm mới”.
Trong tọa đàm tháng 12/2022, ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ KH&CN cũng thừa nhận “Việt Nam có nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên những doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu và có doanh thu trước thuế để trích quỹ có lẽ không quá nhiều”.
Đó cũng là quan điểm của một nhà quản lý nhiều kinh nghiệm khi đánh giá hiệu quả của chính sách khuyến khích trích lập quỹ “Một là trích ít quá thì lại không làm được việc mình muốn, hai là quản lý quỹ ấy rất phức tạp, tiêu tiền của mình mà như tiêu ngân sách nhà nước. Nếu doanh nghiệp trích một phần ra cho đổi mới công nghệ thì họ phải tiêu như chi cho đề tài dự án thuộc ngân sách nhà nước: chi đúng định mức về hội nghị hội thảo, ký bao nhiêu tờ, mua sắm ai duyệt, báo giá, đấu thầu…”.
Ông cũng cho biết thêm, hệ quả của những bất hợp lý khiến “doanh nghiệp thường bảo thế thì chúng tôi trích làm gì? Được hưởng một tí thuế thì bị quản chặt quá, và trong luật lại quy định là nếu sau bao nhiêu năm trích quỹ mà không hoạt động được thì còn bị phạt, bị truy thu thuế”. Vì vậy, “suốt nhiều năm trời, chúng ta không khuyến khích được doanh nghiệp dành tiền chi cho quỹ KH&CN. Nói chung nhiêu khê quá như vậy thì thà họ đi mua công nghệ, thiết bị của nước ngoài còn hơn”.
Đây là lý do mà các doanh nghiệp không mặn mà thiết lập quỹ, ngay cả một số doanh nghiệp lớn, rất có điều kiện để trích lập quỹ cũng không muốn gánh lấy rắc rối. “Cho nên đến nay, một số tập đoàn lớn đi lên từ công nghệ đã sử dụng tiền theo cách thức riêng của họ, nghĩa là không thiết lập quỹ nhưng vẫn chủ động dành tiền sau thuế đầu tư vào R&D”, TS. Nguyễn Quân chia sẻ vào năm 2023.
Những câu chuyện như thế xảy ra xung quanh quá trình vận hành quỹ KH&CN tại doanh nghiệp cho thấy một chủ trương đúng và một cơ chế, chính sách giàu tham vọng trên thực tế đã vấp phải những khó khăn như thế nào. “Những mục tiêu mà chúng ta đã luật hóa thể hiện ở việc đầu tư cho KH&CN của doanh nghiệp chưa cao. Trong bối cảnh mà chúng ta nói doanh nghiệp phải là trung tâm của KH&CN và đổi mới sáng thì việc trích quỹ quá ít như thế cho thấy, rõ ràng khoảng cách giữa quan điểm, chủ trương với thực tế còn rất lớn”, PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Quốc hội, trao đổi tại tọa đàm tháng 12/2022.
Trước những bất cập đó, vào năm 2022, Bộ KH&CN và Bộ Tài chính đã liên tiếp ban hành hai thông tư để tháo gỡ cho doanh nghiệp, đó là Thông tư 05/2022/TT-BKHCN hướng dẫn sử dụng quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp và Thông tư số 67/2022/TT-BTC hướng dẫn về nghĩa vụ thuế khi trích lập và sử dụng quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Tuy nhiên, kể từ khi hai thông tư đó được ban hành cho đến thời điểm này vẫn chưa tạo thêm được sức hấp dẫn và chưa thu hút thêm được nhiều các doanh nghiệp trích lập quỹ.
Tại phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội vào tháng 6/2023, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cũng cho rằng, hướng xử lý sắp tới là “làm thế nào để chúng ta thay đổi quy định để thu hút được việc trích lập quỹ cũng như sử dụng quỹ có hiệu quả hơn”.
Đó cũng là mong mỏi của các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trong đợt sửa Luật KH&CN lần này, với hy vọng chính sách sẽ thực sự đi vào cuộc sống.