Trường hè Khoa học Việt Nam 2019 lấy ngọn Hải đăng làm biểu trưng, với tinh thần khơi gợi đam mê và cam kết hỗ trợ học viên trên con đường nghiên cứu khoa học, như tôn chỉ của chúng tôi: ra đi để trở về.


Thầy và trò trong bài giảng mở màn của TS. Giáp Văn Dương trong ngày khai giảng Trường hè lần thứ bảy tại Quy Nhơn, Bình Định.

Năm 2012, có ba nhà khoa học trẻ Việt Nam từng bôn ba nhiều nước trên thế giới, từng trải qua những vấp váp trên con đường nghiên cứu khoa học của mình là TS. Lưu Quang Hưng, TS. Ngô Đức Thế, TS. Giáp Văn Dương tình cờ cùng cập bến tại Đại học Quốc gia Singapore. Những trăn trở về thực tiễn ngày càng nhiều người trẻ nói không với khoa học bởi sự gập ghềnh gian nan của nó trong khi có những con đường khác dễ dàng hơn đang mời gọi, những trăn trở về điều kiện có hạn của khoa học nước nhà khiến ước mơ khoa học sớm lụi tàn, đã khiến họ cùng chung tay xây dựng những viên gạch đầu tiên của Trường hè Khoa học Việt Nam.

Trường hè Khoa học là một tổ chức xã hội hoạt động phi lợi nhuận nhằm nuôi dưỡng tình yêu khoa học và rèn luyện kỹ năng chuyên môn cho người trẻ Việt Nam. Hàng năm, từng khoá học, Trường hè đều có sự đổi mới chương trình và giảng viên, để bắt kịp với sự vận động của khoa học thế giới, để phù hợp với chủ đề trọng tâm của từng năm. Giảng viên của Trường hè đều là những người đã bền bỉ vươn mình ra thế giới, có tinh thần tình nguyện chuyên chở tri thức và khát vọng chinh phục khoa học tới các học viên.

Sự trở về ấy, liên tục nhận được tài trợ của nhiều tổ chức khoa học, nổi bật là Đại học Quốc gia Hà Nội đã đồng hành với Trường hè từ những ngày đầu thành lập, Quỹ Gặp gỡ Việt Nam là đơn vị tổ chức từ năm 2017 đến nay. Ngoài ra, Trường hè cũng nhận được sự quan tâm giúp đỡ bằng hiện vật và hiện kim từ các tổ chức, các doanh nghiệp khác như Đại học Quy Nhơn, Trung tâm Depocen, GiapGroup, Học viện sáng tạo S3, Viện VEPR, Quỹ PDG, Công ty sách Nhã Nam, Công ty sách Omega+…, và năm nay có sự tài trợ của Dự án Đại học VinUni (Vin University Project). Trường hè cũng nhận được sự đồng cảm và hỗ trợ từ các nhà khoa học Việt Nam thông qua hoạt động giảng dạy trong 7 năm vừa qua. Ban quản trị và các giảng viên của Trường hè đều hoạt động không nhận lương, không nhận thù lao. Sinh viên tham dự Trường hè được miễn 100% phí tham dự, 100% chi phí ăn ở và có hỗ trợ phí đi lại. Thông qua hoạt động vận động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ chi phí tổ chức, trường Hè đã ngày càng nhận được sự quan tâm và tài trợ từ các tổ chức chính phủ, phi chính phủ và doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Trường hè lần đầu tiên được tổ chức tại Đại học Quốc gia Hà Nội thu hút 180 hồ sơ đăng ký, 80 học viên, 10 bài giảng và 6 giảng viên trẻ có hoạt động học tập và nghiên cứu từ nước ngoài. Nội dung giảng dạy trải rộng từ nền tảng khoa học, phương pháp luận khoa học, cho tới các kỹ năng chuẩn bị cho sự nghiệp nghiên cứu như chuẩn bị hồ sơ xin việc, xin học bổng, phương pháp công bố khoa học... Ngay từ lần đầu tổ chức này, trường hè đã nhận được những phản hồi tích cực đến từ cộng đồng sinh viên trẻ yêu thích nghiên cứu liên quan tới mục tiêu, nội dung cũng như phương pháp giảng dạy theo mục tiêu truyền cảm hứng.

Tiếp nối thành công ấy, các Trường hè năm sau phát triển lớn mạnh về quy mô, tiếp tục có những thay đổi mạnh mẽ về nội dung, phát triển thêm các bài học tương tác nhóm nhằm thực hành các kỹ năng cơ bản được truyền thụ, thu hút đông đảo sự quan tâm của các bạn trẻ.

Ngay từ năm thứ 2, Trường hè đã nhận được sự cống hiến từ các học viên của khoá trước, những người đã đạt được một số thành tựu nhất định về phương diện khoa học nay quay trở lại chia sẻ kinh nghiệm và truyền cảm hứng cho các bạn học viên khoá sau.

Trường hè lần thứ 7 khai mạc ngày 22/7/2019 tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tại Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định với sự tham dự của ông Nguyễn Phi Long - Phó chủ tịch tỉnh Bình Định, Giáo sư Jean Trần Thanh Vân - Quỹ Gặp gỡ Việt Nam, và ông Đỗ Ngọc Mỹ -Hiệu trưởng Đại học Quy Nhơn.

Trường hoạt động trong bốn ngày với ba ngày là các bài giảng từ các nhà nghiên cứu ở các chuyên ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kinh tế học và một ngày dành cho học viên ứng dụng kĩ năng tiếp thu được từ bài giảng để giải quyết một bài tập khoa học được giao qua Hackathon khoa học.

Gần 180 học viên trường hè là các bạn trẻ xuất sắc trong nước và ngoài nước, được tuyển chọn từ gần 1.800 hồ sơ ứng tuyển mà hầu hết trong đó đều rất nổi bật từ nhiều khía cạnh khác nhau: hơn 1.400 ứng viên có thành tích học tập Giỏi và Xuất sắc bậc trung học hoặc/và đại học, từng được nhiều học bổng khác nhau, 5 ứng viên được Huy chương Olympic Quốc tế, 145 ứng viên đạt giải Học sinh giỏi Quốc gia và Olympic Sinh viên, chưa kể 600 ứng viên đạt giải Học sinh giỏi cấp tỉnh và khoa học kỹ thuật khác. Trong số các ứng viên, có 26 thủ khoa đầu vào và đầu ra của các trường đại học trong và ngoài nước; 81 ứng viên có bài đăng trên các tạp chí, hội nghị quốc tế uy tín; 65 ứng viên đã hoặc đang là du học sinh chính thức của các trường tại các quốc gia: Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Úc, Hà Lan, Nga, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan…

Cho tới nay, một ngôi nhà chung của cựu học viên trường hè với hơn 1.000 thành viên là cựu học viên đang theo học và nghiên cứu tại nhiều quốc gia trên thế giới đã được thành lập trên nền tảng Facebook. Mạng lưới này kết nối các cựu học viên, các giảng viên và cựu giảng viên đã chia sẻ các thông tin về các cơ hội nghiên cứu, cơ hội nghề nghiệp và hợp tác, góp phần nhất định cho thành công trên bước đường khoa học của các thành viên. Bên cạnh đó, giảng viên của trường luôn phát huy tinh thần cống hiến qua các hoạt động hướng đạo, dìu dắt học viên của trường một thời gian dài sau khi trường đã kết thúc, cho tới khi các em đạt được mục tiêu đặt ra.

Những cánh buồm đỏ thắm chuyên chở khát khao và hi vọng đang mạnh mẽ rời bến hướng tới chân trời khoa học rạng rỡ và rộng mở. Nơi đây, Trường hè vừa là ngọn hải đăng hướng những luồng sáng mạnh mẽ hướng đạo cho cánh buồm ấy, vừa là chỉ dấu bến bờ để con thuyền trở về. Những trăn trở của các nhà khoa học trẻ sáng lập trường năm kia, nay đang được tiếp nối, và sẽ được tiếp nối.