Mở rộng không gian hoạt động của các quỹ KH&CN tại doanh nghiệp là mơ ước của các công ty, dù thuộc khối công lập hay khối tư nhân. Nhưng việc mở rộng không gian cần theo hướng nào?

Hiệu trưởng ĐH Bách khoa HN Huỳnh Quyết Thắng (giữa) nghe ông Nguyễn Đoàn Kết (trái), Phó tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, giới thiệu về công nghệ chiếu sáng thông minh. Ảnh: ĐH Bách khoa HN
Hiệu trưởng ĐH Bách khoa HN Huỳnh Quyết Thắng (giữa) nghe ông Nguyễn Đoàn Kết (trái), Phó tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, giới thiệu về công nghệ chiếu sáng thông minh. Ảnh: ĐH Bách khoa HN

Với sự thành công của Viettel, Rạng Đông.. đến nay, không còn nhiều người bàn cãi thiệt hơn về sự tồn tại của quỹ KH&CN tại doanh nghiệp, về tính đúng đắn của chính sách quỹ KHCN tại doanh nghiệp khi phát huy được hết sức mạnh của nó trong thực tiễn.

Trong kỳ vọng của những người xây dựng Luật KH&CN 2013, khi đi vào vận hành một cách thông đồng bén giọt, quỹ KH&CN tại doanh nghiệp, tuy chưa mơ mộng đến việc các doanh nghiệp sẽ dành một khoản thu nhập của mình đầu tư cho các nghiên cứu cơ bản giống như điều diễn ra ở nhiều quốc gia phát triển nhưng họ cho rằng, chí ít, các doanh nghiệp sẽ tự tạo cho mình một khoản chi để đầu tư cho R&D, phát triển hoặc đón nhận chuyển giao công nghệ mới từ khối trường viện.

“Nhìn một cách tổng thể, quỹ KH&CN tại doanh nghiệp góp phần quan trọng mở rộng cơ chế đầu tư cho KH&CN cho xã hội, cho tư nhân, qua đó thúc đẩy việc xã hội phải đầu tư cho KH&CN nhiều hơn cả ngân sách. Chúng tôi đã đặt mục tiêu là xã hội phải đầu tư cho KH&CN gấp ba đến bốn lần ngân sách”, TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, cho biết vào đầu năm 2023. Ông cũng lý giải rằng, từ kinh nghiệm thành công ở các nước phát triển, nguồn đầu tư của xã hội, trong đó có doanh nghiệp, cao gấp nhiều lần đầu tư từ ngân sách nhà nước. Ưu điểm lớn nhất của nguồn đầu tư này, theo nhận định của ông, thuận lợi trong vận hành hơn so với nguồn lực ngân sách nhà nước do không bị ràng buộc các khung chi tiêu quá chặt chẽ như ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, những ràng buộc chặt chẽ đã đưa các quỹ KH&CN tại doanh nghiệp vào thế khó. Toàn bộ kinh phí doanh nghiệp trích cho quỹ KH&CN tại doanh nghiệp lại phải thực hiện theo quy định của Nhà nước, từ nội dung chi, định mức chi, thủ tục chi… trở nên phức tạp hơn tưởng tượng. Điều đó dẫn đến hệ lụy là “nhà nước khó nuôi dưỡng nguồn thu vì nếu để doanh nghiệp dành tiền đầu tư cho công nghệ, tạo ra nhiều know-how và có được sản phẩm mới, họ sẽ có cơ hội gia tăng thu nhập và năm sau nhà nước có thể thu được nhiều thuế hơn, còn nếu chỉ sợ không thu được thuế năm nay thì không bao giờ thu được thuế gấp nhiều lần của những năm sau”, ông nói.


Sự lúng túng và mắc kẹt của các doanh nghiệp trong quá trình sử dụng quỹ KH&CN tại doanh nghiệp làm nghẽn dòng đầu tư cho R&D ở doanh nghiệp, đặc biệt ở khối tư nhân. Nếu tháo gỡ được những vướng mắc đó, chúng ta sẽ giải phóng được một nguồn lực đầu tư cho KH&CN lớn gấp ba đến bốn lần ngân sách.
TS. Nguyễn Quân


Vậy muốn tạo cơ hội cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, thúc đẩy nguồn thu của doanh nghiệp và gia tăng dòng thuế cho ngân sách nhà nước, việc sửa đổi Luật KH&CN sẽ cần tính đến những yếu tố này.

Đổi mới từ đâu?

Trong cuộc trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội vào tháng 6/2024, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH của Quốc hội, Bộ KH&CN và Bộ Tài chính đều ban hành các thông tư hướng dẫn, tháo gỡ từng bước khó khăn của doanh nghiệp KH&CN trong sử dụng quỹ KH&CN tại doanh nghiệp, đó là Thông tư 05/2022/TT-BKHCN và Thông tư 67/2022/TT-BTC. Tuy nhiên, những tháo gỡ từ hai văn bản này vẫn chưa thực sự đáp ứng mong mỏi của doanh nghiệp nên chưa thu hút thêm được nhiều các doanh nghiệp trích lập quỹ.

Vì sao lại như vậy? Ở góc độ tích cực, nếu trước đây, các doanh nghiệp còn vô cùng băn khoăn về nội dung chi của quỹ KH&CN thì theo hướng dẫn của Thông tư 05/2022/TT-BKHCN, doanh nghiệp có thể trích quỹ để chi cho chín hạng mục khá rõ ràng, trong đó quan trọng là trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động KH&CN của doanh nghiệp; mua quyền sử dụng, quyền sở hữu bí quyết công nghệ, kiến thức kỹ thuật về công nghệ, quy trình công nghệ, bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng, kiểu dáng công nghiệp, kết quả nghiên cứu…; mua máy móc, thiết bị cho đổi mới công nghệ để thay thế một phần hay toàn bộ công nghệ; trả lương, chi thuê chuyên gia hoặc hợp đồng với tổ chức KH&CN; đào tạo nhân lực KH&CN của doanh nghiệp; chi cho hoạt động hợp tác về KH&CN với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; chi cho đánh giá, thử nghiệm, giám định, kiểm định, quảng bá, thương mại hóa sản phẩm mới, công nghệ mới, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ… “Thông thư 05 tháo gỡ về chi tiêu với rất nhiều điều khoản và nhiều cách chi tiêu khác nhau. Ví dụ, các đơn vị có thể dùng nguồn vốn này để mua bí quyết công nghệ, máy móc để phục vụ trực tiếp cho đổi mới công nghệ cho sản xuất, kinh doanh”, ông Nguyễn Nam Hải (Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ KH&CN), trao đổi tại tọa đàm “Giải phóng nguồn lực Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp”, do báo Đại biểu nhân dân tổ chức vào tháng 12/2022.

Trong Thông tư 67 của Bộ Tài chính hướng dẫn về nghĩa vụ thuế khi doanh nghiệp trích lập và sử dụng quỹ, nội dung về nghĩa vụ thuế khi doanh nghiệp sử dụng không đúng mục đích, không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% khoản trích quỹ hằng năm cũng như quản lý tài sản hình thành từ quỹ… đã được đề cập đến. Bà Mạnh Thị Tuyết Mai (Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế) cho rằng thông tư này có nhiều điểm mới, một trong số đó là “bổ sung hướng dẫn quản lý tài sản đối với trường hợp tài sản cố định dùng đồng thời cho hoạt động nghiên cứu KH&CN và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp được phép sử dụng nguồn quỹ cho tài sản này và chỉ cần theo dõi quản lý theo quy định, không phải tính khấu hao tài sản cố định vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế”.

Giới thiệu về hệ thống sản xuất thông minh ở Rạng Đông.
Giới thiệu về hệ thống sản xuất thông minh ở Rạng Đông.

Ngoài ra, bà cũng nhấn mạnh vào một điểm đổi mới khác, đó là “xác định rõ hơn đối với trường hợp doanh nghiệp trích lập quỹ trong thời gian được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, và có nhận điều chuyển từ các doanh nghiệp khác. Nội dung này cũng giúp cho doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc xác định nghĩa vụ thuế đối với phần quỹ không sử dụng hết trong từng trường hợp cụ thể khi doanh nghiệp trích quỹ trong thời gian đang được hưởng ưu đãi thuế và có nhận điều chuyển quỹ từ nguồn khác”.

Những tưởng các quy định này sẽ góp phần mở cánh cửa cho các doanh nghiệp sử dụng quỹ đúng mục đích của mình, tuy nhiên theo nhận định của bà Nguyễn Thị Ngọc Khánh (Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính) tại tọa đàm thì vướng mắc còn nằm ở chỗ “Tuy đã bổ sung những nội dung chi mới cho doanh nghiệp nhưng Thông tư 05 mới dừng ở nội dung chi, còn với quy trình quỹ hiện nay vẫn tiếp cận như đối với nhiệm vụ KH&CN”. Bà cho rằng, quy trình này không đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ đổi mới sáng tạo cần là phải nhanh, thậm chí không thể theo quy trình bình thường. “Nếu thời gian xét duyệt hoàn thiện như một đề tài khoa học có thể dẫn tới việc trôi qua cơ hội đầu tư của doanh nghiệp”.

Theo góc nhìn của ông Nguyễn Nam Hải, nhà nước không cần can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp trong sử dụng nguồn chi. “Doanh nghiệp có quyền chi tiêu theo nguyên tắc chi tiêu nội bộ theo quy chế hoạt động doanh nghiệp”, ông nói. Các văn bản quy định doanh nghiệp khi hình thành quỹ phải xây dựng các quy chế, điều lệ quy định về việc trích lập và sử dụng quỹ gửi các cơ quan hữu quan để làm căn cứ trích lập và sử dụng quỹ và làm căn cứ cho các cơ quan quản lý nhà nước đối chiếu, giám sát, thanh tra, kiểm tra. Việc quản lý nhà nước về Quỹ áp dụng theo chế độ hậu kiểm, trong khi hướng dẫn nội dung chi còn thiếu cụ thể dễ dẫn đến rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp.

Đó là lý do giải thích vì sao vào tháng 7/2024, trong hội nghị “Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp - Động lực thúc đẩy đầu tư cho KH&CN” do Sở KH&CN TP.HCM phối hợp cùng Vụ Chính sách - Tổng cục Thuế và Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ KH&CN, nhiều doanh nghiệp hoạt động tại TPHCM đã đề xuất hai bộ hướng dẫn cụ thể hơn về việc vận hành và sử dụng quỹ, bao gồm hướng dẫn cách xác định phần giá trị còn lại của tài sản và thành phần hồ sơ khi chuyển giao; quy chế xác định nhiệm vụ KH&CN, quy chế chi tiêu… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng thắc mắc về trình tự và thủ tục triển khai khi doanh nghiệp yêu cầu quỹ phát triển KH&CN địa phương chi. Đây là vướng mắc lớn của cả quỹ địa phương lẫn quỹ doanh nghiệp, bởi bản thân quỹ địa phương cũng băn khoăn không biết cách chi ra như thế nào cho hợp lý còn doanh nghiệp muốn “lấy lại” nguồn lực đã điều chuyển vào quỹ địa phương cũng băn khoăn và mất nhiều thời gian trong khi nguồn này là tiền túi, tiền “của đau con xót” của chính mình.

Cách giải quyết nào hợp lý?


Sự lúng túng và mắc kẹt của các doanh nghiệp trong quá trình sử dụng quỹ KH&CN tại doanh nghiệp làm nghẽn dòng đầu tư cho R&D ở doanh nghiệp, đặc biệt ở khối tư nhân. Nếu tháo gỡ được những vướng mắc đó, chúng ta sẽ giải phóng được một nguồn lực đầu tư cho KH&CN lớn “gấp ba đến bốn lần ngân sách” như chia sẻ của TS. Nguyễn Quân.

Đó cũng là điều đang thôi thúc các nhà quản lý. “Nghị định 95 về cơ chế tài chính cũng cần phải thay đổi. Hiện nay các tỉnh cũng nộp quỹ nhưng nộp theo cách kết dư năm năm nếu còn dư thì mới đóng quỹ. Trong khi đó, Nghị định 95 lại quy định nộp vào Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia nhưng quỹ này chủ yếu tài trợ cho nghiên cứu cơ bản, vốn là điều nhà nước cần làm nhưng lại không phải là điều doanh nghiệp quan tâm bởi doanh nghiệp chỉ muốn tập trung cho ứng dụng và đổi mới công nghệ. Như vậy, trong sửa đổi, cần đổi thay đổi địa chỉ nhận là Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia”, ông Nguyễn Nam Hải chỉ ra trong tọa đàm tháng 12/2022.

Bên cạnh đó, ông cũng thừa nhận sẽ cần bổ sung một số điều mới để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vận hành nguồn lực cho R&D. “Nghị định 95 cũng chỉ mới hướng dẫn cách thức đóng quỹ chứ chưa nói tới chi thế nào, chưa có hướng dẫn cụ thể. Điều này cần được nghiên cứu, bổ sung”, ông nói.

Vì vậy, trong quá trình xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 95, Bộ KH&CN đã đề xuất phương án bổ sung quy định về việc đề xuất phương án xử lý số tiền tồn dư do doanh nghiệp đóng góp vào Quỹ phát triển KH&CN các cấp: các doanh nghiệp đã đóng góp vào Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia hoặc Quỹ phát triển KH&CN của các bộ chủ quản, tỉnh, thành phố khi có nhiệm vụ KH&CN cần sử dụng kinh phí có quyền yêu cầu hỗ trợ từ Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia hoặc quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các bộ chủ quản, tỉnh, thành phố. Các quỹ đã nhận điều chuyển có trách nhiệm hỗ trợ bằng số kinh phí đã điều chuyển theo yêu cầu của doanh nghiệp. Đồng thời, các quỹ này hằng năm có trách nhiệm báo cáo và đề xuất phương án xử lý kinh phí tồn dư lên cơ quan quản lý cấp trên để được xử lý theo quy định.


Trên thực tế, không chỉ quy trình xét duyệt mà việc mua sắm các vật tư, thiết bị phục vụ nhiệm vụ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp cũng phải thực hiện theo thủ tục về đấu thầu dự án đầu tư với thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian, không phù hợp với tính mới, tính kịp thời, tính rủi ro cao của hoạt động này.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Khánh


Trong quá trình thụ hưởng chính sách, các doanh nghiệp cũng đề xuất những kiến nghị tháo gỡ khó khăn. Ông Võ Thành Đàng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Quảng Ngãi, nơi cũng trích lập quỹ KH&CN từ năm 2009, đã đưa ra những đóng góp từ chính thực tiễn vận hành quỹ của mình tại buổi làm việc với Bộ KH&CN vào ngày 30/8/2024: cho phép doanh nghiệp chi từ Quỹ Phát triển KH&CN cho hoạt động “mua máy móc thiết bị cho đổi mới công nghệ phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh” và không giới hạn thời gian thực hiện; đồng thời quy định cụ thể về nội dung “đổi mới công nghệ” đối với các doanh nghiệp không có vốn nhà nước.

Việc mở rộng khung đổi mới sáng tạo và cho phép các hoạt động này được chi trả từ quỹ KH&CN tại doanh nghiệp là điều mà các doanh nghiệp mong muốn từ lâu. Ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn TH, được báo Nhân dân dẫn lời tại hội thảo Lấy ý kiến về định hướng chính sách lớn trong sửa đổi Luật KH&CN, do Ủy ban KHCN và MT của Quốc hội tổ chức vào ngày 13/6/2024: “Thực tế, nhiều doanh nghiệp đầu tư nhập khẩu tri thức (mua dữ liệu, tài liệu, thông tin…) đổi mới sáng tạo. Các nội dung của Luật có giúp doanh nghiệp tiếp cận các tri thức đổi mới sáng tạo của nhau hoặc dễ dàng tiếp cận nguồn tri thức đổi mới sáng tạo từ Nhà nước?”. Ông cũng hy vọng, dự thảo Luật KH&CN (sửa đổi) cần cân nhắc đến yếu tố chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu đổi mới công nghệ để các doanh nghiệp có thể yên tâm thực hiện các nhiệm vụ này.

Song song với quá trình sửa đổi Luật KH&CN, Bộ KH&CN cũng tiến hành sửa đổi Nghị định 95. Một trong những sửa đổi đáp ứng nguyện vọng của doanh nghiệp là tập trung vào xác định rõ hơn các nội dung của hoạt động đổi mới sáng tạo: “Chi cho hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp: thuê chuyên gia tư vấn các giải pháp chuyển đổi số về quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh của doanh nghiệp; mua sắm hoặc thuê các giải pháp chuyển đổi số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ trong doanh nghiệp và chuyển đổi mô hình kinh doanh; thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp phần mềm, cơ sở dữ liệu, hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp”.

Đây cũng là một phần nội dung mà Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định kiến nghị với Đoàn Giám sát của Quốc hội về chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” trong tháng 4/2024: cho phép tiếp tục thực hiện quy định của Nghị quyết số 43 trong các năm tiếp theo sau năm 2023, cụ thể cho phép doanh nghiệp sử dụng quỹ để mua thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu cho đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; kiến nghị xây dựng cơ chế, chính sách mở, linh hoạt, trao quyền chủ động hoàn toàn cho doanh nghiệp, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý và sử dụng quỹ… thông qua việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95.

Mục tiêu đổi mới này là làm sao các quỹ KH&CN tại doanh nghiệp có thể thu hút, tiếp nhận được nguồn kinh phí cả trong và ngoài ngân sách nhà nước, đáp ứng được đặc thù của hoạt động triển khai nghiên cứu KH&CN và đảm bảo hiệu quả tài trợ, hỗ trợ. Bà Nguyễn Thị Kim Huệ, Phó Giám đốc Sở KH&CN TPHCM, được báo SGGP dẫn lời, “Đây là tiền đề quan trọng để Sở KH&CN TPHCM tham mưu cho Ban cán sự Đảng của Bộ KH&CN cũng như Thành ủy TPHCM xây dựng đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của quỹ tại TPHCM, dự kiến trình thông qua vào quý 4 năm 2024”.

Giữa những giải pháp hướng đến góc độ lâu dài cũng như giải pháp trước mắt, mang tính thí điểm “sandbox”, người ta thấy nỗ lực tháo gỡ của những người trong cuộc. Có lẽ, tất cả sẽ phải đi một chặng đường rất dài nữa mới đạt đến suy nghĩ có phần táo tạo của những người đi trước, như chia sẻ của TS. Nguyễn Quân trong cuộc trả lời phỏng vấn VnEconomy mới đây: “Chúng tôi rất muốn gỡ bỏ trần 10% lợi nhuận trước thuế nói trên theo triết lý nuôi dưỡng nguồn thu. Nghĩa là nếu năm nay doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ phải đầu tư nhiều tiền, có thể dành tỷ lệ trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ cao hơn 10%, thậm chí 100% lợi nhuận trước thuế, tất nhiên năm đó Nhà nước không thu được thuế hoặc giảm thu, nhưng năm sau doanh nghiệp đổi mới được công nghệ, có sản phẩm mới, doanh thu sẽ tăng lên nhiều lần và doanh nghiệp nộp thuế gấp nhiều lần năm nay”.

Đăng số 1312 (số 40/2024) KH&PT