Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao liên quan đến dữ liệu đang trở thành nhu cầu cần thiết trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay. Nhưng cụ thể thị trường đang cần nhân lực ở phân khúc nào?
Theo báo cáo của Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Liên bang Úc (CSIRO) cho Việt Nam, trong nhiều ngành nghề, nhu cầu về nhà khoa học dữ liệu thuần túy chỉ chiếm 2%, trong khi phần lớn nhu cầu nằm ở các vị trí như kĩ sư dữ liệu (13-30%), người phân tích chức năng dữ liệu (23-51%) hoặc người tạo quyết định từ dữ liệu (26-45%).
Cụm từ Khoa học Dữ liệu (Data Science) hiện đang bị lạm dụng bởi tính thời thượng và sức hấp dẫn về mặt thu nhập của nó. Theo ông Trần Hồng Thắng, giám đốc dữ liệu ngân hàng VietinBank, lao động cần có sự phân cấp, không thể kì vọng tuyển một nhà khoa học dữ liệu làm được tất cả mọi công việc liên quan đến dữ liệu.
Cụ thể, những vị trí cần phân tích dữ liệu nên tuyển Data Analyst, cần xây dựng dữ liệu nên dùng Data Engineer, thậm chí để ra quyết định tổng hợp và có góc nhìn toàn cục có thể dùng đến Data Consultant...
Trong khi đó, để sử dụng được dữ liệu và các công cụ hỗ trợ đòi hỏi một sự hiểu biết nhất định về kiến thức nghề nghiệp chuyên môn - điều mà rất ít người học công nghệ thông tin hiện nay có thể đáp ứng được.
Ông Lê Chí Hiếu, chuyên gia phân tích từ công ty SIFT Analytics Group Việt Nam và là đại diện của cộng đồng BI (Business Intelligence) tại Việt Nam, cho rằng hiện có khá nhiều công cụ giúp cho quá trình kinh doanh trở nên nhanh chóng hơn, điều quan trọng là nhân viên thay đổi được thói quen để sử dụng chúng thường xuyên hơn.
Ông đã từng làm việc với một doanh nghiệp có doanh thu nghìn tỷ, hàng tháng họ mất hơn 20 ngày để lên các báo cáo giống nhau và không có thời gian làm những việc khác. Các tầng cấu trúc dữ liệu thiếu liên kết gây ra trở ngại lớn. Tuy nhiên, sau 6 tháng thay đổi thói quen công nghệ, doanh nghiệp đã có sự chuyển biến rõ rệt.
“Tháng đầu tiên họ chỉ mất 2 ngày đã có báo cáo kết quả kinh doanh tổng hợp. Tháng thứ 2 đã có thêm tình hình tăng trưởng của các đơn vị con. Từ tháng 3 làm họ làm tôi ngạc nhiên hơn vì đã thu thập thêm được dữ liệu bên ngoài như nhân khẩu học, đặc điểm tiêu dùng của tỉnh để so sánh. Nếu đơn vị tại tỉnh có doanh thu tốt hơn thì họ đã có thể đào sâu tìm hiểu tại sao và đưa ra được gợi ý điều chỉnh cho lãnh đạo”, ông Hiếu chia sẻ.
Chính vì vậy, trong lĩnh vực đào tạo nhân lực chất lượng cao, điều khẩn thiết nhất với Việt Nam là tạo ra được lực lượng lao động có khả năng sử dụng dữ liệu hoặc AI trong nghề nghiệp của họ.