Những hình ảnh đẹp nhất và ghi lại những sự kiện khoa học quan trọng nhất tháng 6, được chọn bởi tạp chí Nature.


Bảo quản xác con mồi

Loài ong châu Âu (European beewolf - Philanthuis triangulum), là loại ong sống đơn độc chuyên săn ong mật và để xác bên cạnh trứng của nó để nuôi con non. Và loài ong này cũng biết cách giữ xác ong mật "tươi", theo một bài báo được xuất bản vào ngày 11 tháng 6 trên tạp chí eLife4. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trứng ong châu Âu tạo ra oxit nitric, những đốm màu vàng sáng trong ảnh đang bao phủ con ong mật đã chết. Khí này giết chết nấm mốc, đảm bảo rằng "thức ăn" được bảo quản cho đến khi ấu trùng nở.


Mặt trời nhân tạo
Những công nhân này đang ở trong lò phản ứng hợp hạch hạt nhân đang được xây dựng tại Thành Đô, Trung Quốc. Thiết bị Tokamak HL-2M, còn được gọi là Mặt trời nhân tạo, sẽ nung nóng plasma đến nhiệt độ lên tới 200 triệu ºC. Lò phản ứng sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay, theo Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc.


Màn trình diễn ánh sáng
Phi hành gia Christina Koch đã chụp bức ảnh đầy mê hoặc này từ Trạm vũ trụ quốc tế khi cực quang nhảy múa khắp Nam Cực. "Nhiều năm trước tại Nam Cực, tôi đã tìm đến cực quang như một cảm hứng để vượt qua đêm mùa đông kéo dài 6 tháng", Christina viết. "Bây giờ nhìn từ trên cao, chúng vẫn đẹp và truyền cảm hứng như vậy".


Dấu hiệu người sao Hỏa
Cho dù trông hơi giống một chiến lược tiếp thị cho tập tiếp theo của bộ phim Hành trình giữa các vì sao (Star Trek), nhưng thực ra biểu tượng quen thuộc này trên sao Hỏa được tạo ra bởi các quá trình tự nhiên. Nó là hình trạng còn lại của một cồn cát đã biến mất từ lâu, được hình thành bởi dung nham bao quanh cồn cát và hóa rắn trước khi cồn cát bị thổi bay. Bức ảnh này được chụp bởi máy ảnh HiRISE trên tàu quỹ đạo trinh sát sao Hỏa, tàu đã bay quanh sao Hỏa từ năm 2006.


Tan sớm
Các nhà nghiên cứu khí hậu làm việc tại Greenland - và những con chó của họ - đã phải lội qua nước để di chuyển, do nhiệt độ tháng sáu nóng bất thường làm tan chảy bề mặt băng biển. Các nhà khoa học không phải là những người duy nhất bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, nhà nghiên cứu Steffen Olsen lưu ý: băng biển được sử dụng bởi các cộng đồng địa phương để vận chuyển, săn bắn và câu cá.


Narluga
Một hộp sọ kỳ lạ đã khiến các nhà sinh vật học gãi đầu trong gần 30 năm thuộc về một con cá voi beluga lai kỳ lân biển, theo nghiên cứu được công bố vào ngày 20 tháng 6 trên tạp chí Scientific Reports. Các nhà nghiên cứu đã trích xuất và giải trình tự DNA từ hộp sọ (giữa), được phát hiện lần đầu ở Greenland vào năm 1990, và thấy rằng dường như có sự pha trộn của DNA beluga (trên cùng) và kỳ lân biển (dưới). Nhóm nghiên cứu đã tìm ra rằng con vật này có mẹ là kỳ lân biển (narwhal) và bố là cá voi beluga. Đây là lần đầu tiên phát hiện một con "narluga".


Hạn hán nghiêm trọng
Cư dân tại thành phố Chennai, Ấn Độ lấy nước từ giếng trong đợt hạn hán. Thành phố lớn thứ sáu của nước này bị khủng hoảng nước, các hồ chứa khô cạn và người dân xếp hàng hàng giờ để lấy nước từ các tàu của chính phủ.


Gián điệp băng
Hình ảnh vệ tinh do thám từ thời chiến tranh lạnh được giải mật đang giúp các nhà nghiên cứu theo dõi sự suy giảm băng ở sông băng ở dãy Himalaya. Sử dụng những bức ảnh được chụp bởi các cơ quan tình báo Hoa Kỳ vào những năm 1970 - cũng như dữ liệu vệ tinh gần đây hơn - các nhà nghiên cứu đã xây dựng các mô hình kỹ thuật số về độ dày băng trong khu vực. Phân tích, được công bố trên Science Advances vào ngày 19 tháng 6, cho thấy tỷ lệ tổn thất băng trung bình đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2000 - 2016 so với 1975 - 2000.


Lười già
Tháng 6, Paula kỷ niệm sinh nhật lần thứ 50 của cô. Theo sở thú ở Halle, Đức, Paula là con lười sống lâu nhất trên thế giới. Ngay cả những con lười "già" hơn, mặc dù đã chết, cũng trở thành tiêu điểm trong tháng này, sau khi các nhà nghiên cứu chiết xuất được protein từ hơn một chục hóa thạch lười cổ đại, một trong số đó có niên đại hơn 128.000 năm. Các phân tích cho thấy rằng cây phả hệ của loài này cần viết lại đáng kể.


Vòng tròn tế bào
Các nhà nghiên cứu HIV tại Viện Công nghệ Massachusetts ở Cambridge và Viện Ung thư Dana-Farber ở Boston, Massachusetts, đã tạo ra những hình ảnh trực quan này của dữ liệu gen với khoảng 100.000 tế bào khỉ, để giúp họ thấy virus biểu hiện ở động vật như thế nào. Mỗi dấu chấm đại diện cho một tế bào và các dòng phản ánh mức độ tương đồng của các tế bào kết nối với nhau. Trong vòng tròn trên cùng bên phải, mỗi bóng đại diện cho một trong hơn 200 loại tế bào khác nhau: ví dụ: não, ruột hoặc phổi. Ở phía dưới bên trái, màu sắc làm nổi bật các tế bào từ các mô khác nhau: ví dụ, các hạch bạch huyết (màu xanh) và tủy xương (màu đỏ). Phía dưới bên phải hiển thị các tế bào khỉ nhiễm SIV, phiên bản HIV ở khỉ. Các tế bào màu đỏ bị nhiễm bệnh, trong khi các tế bào màu xanh không bị nhiễm và sự phân biệt này giúp cho thấy cơ thể phản ứng thế nào với điều trị bằng thuốc kháng vi-rút.

Nguồn: