Mức độ ảnh hưởng của loài người trên hành tinh ngày càng trở nên rõ ràng. Dưới đây là 4 biểu đồ cho thấy tác động đáng kinh ngạc của chúng ta đối với Trái đất.

Ảnh minh họa: Deẹp C
Ảnh minh họa: DeẹpC

Khái niệm "quyển tầng kỹ thuật" ("technosphere") được nhà địa chất người Mỹ Peter Haff đưa ra vào năm 2013, và được nhà cổ sinh vật học Jan Zalasiewicz (Đại học Leicester) phổ biến qua các công trình nghiên cứu và nhiều bài viết trên tạp chíThe Conversation.

Thuật ngữ này được dùng để chỉ toàn bộ vật liệu được tạo ra từ các hoạt động của con người, cũng như mức tiêu thụ năng lượng liên quan.

Quyển tầng kỹ thuật là dấu hiệu cho thấy con người đang ngày càng trở thành một một lực lượng toàn cầu ngang ngửa với các hệ thống tự nhiên vốn định hình thế giới.

Để hiểu được tầm quan trọng to lớn của quyển tầng kỹ thuật, các nhà khoa học đã đưa ra 4 đồ thị để hình dung trực quan cách chúng ta đang dần làm tắc nghẽn hành tinh.

1. Khối lượng của quyển tầng kỹ thuật

Năm 2020, một nhóm các học giả thuộc Viện Weizmann của Israel đã công bố trên tạp chí Nature một sự thật gây sốc: tổng khối lượng của tất cả các vật liệu được con người sử dụng đã vượt qua tổng khối lượng của tất cả các sinh vật sống trên Trái đất.

Trọng lượng tương đối của quyển tầng kỹ thuật hoạt động (màu cam) và sinh quyển (màu xanh). Quyển tầng kỹ thuật hoạt động bao gồm các vật liệu hiện đang được sử dụng bởi các hoạt động của con người. Sinh quyển bao gồm tất cả các sinh vật sống. Elhacham và cộng sự (2020), CC BY-NC-ND
Trọng lượng tương đối của quyển tầng kỹ thuật (màu cam) và sinh quyển (màu xanh). Nguồn: Elhacham và cộng sự (2020), CC BY-NC-ND

Trọng lượng của tất cả sự sống trên Trái đất (sinh quyển) - từ vi khuẩn trong đất, đến cây cối và động vật trên đất liền - ở mức 1,12 nghìn tỷ tấn. Trong khi khối lượng vật liệu được con người sử dụng - bao gồm bê tông, nhựa và nhựa đường - nặng tới 1,15 nghìn tỷ tấn.

Khi bao gồm cả các sản phẩm phụ liên quan đến các vật liệu được con người sử dụng, như chất thải, đất cày, khí nhà kính,..., Jan Zalasiewicz, đã tính toán rằng quyển tầng kỹ thuật có thể lên đến 30 nghìn tỷ tấn. Trong đó, khối lượng CO2 phát thải công nghiệp tương đương với 150.000 kim tự tháp Ai Cập.

2. Thay đổi bề mặt Trái đất

Đáng chú ý, hoạt động của con người hiện nay lấn át các quá trình tự nhiên trong việc thay đổi bề mặt Trái đất. Tổng tải lượng trầm tích (kết quả của quá trình phong hóa và xói mòn đất đá) toàn cầu được vận chuyển tự nhiên mỗi năm qua các con sông chảy vào lưu vực đại dương ước tính trung bình khoảng 30 tỷ tấn. Tuy nhiên, quá trình tự nhiên này đã bị lu mờ bởi khối lượng vật chất di chuyển thông qua hoạt động của con người như xây dựng và khai thác mỏ.

Chuyển động toàn cầu của vật chất: vận chuyển trầm tích tự nhiên trung bình hàng năm (màu xanh), tổng khối lượng của những thứ được con người vận chuyển vào năm 1994 (màu tím) và năm 2015 (màu cam). Cooper tại al. (2018) &ScienceDaily (2004), CC BY-NC-ND
Chuyển động toàn cầu của vật chất: vận chuyển trầm tích tự nhiên trung bình năm (màu xanh), tổng khối lượng của những thứ được con người vận chuyển vào năm 1994 (màu tím) và năm 2015 (màu cam). Nguồn: Cooper và cộng sự. (2018) & ScienceDaily (2004), CC BY-NC-ND

Trên thực tế, khối lượng vật chất do con người di chuyển đã vượt qua tải lượng trầm tích tự nhiên trong những năm 1990 và kể từ đó đã tăng nhanh chóng. Chỉ riêng năm 2015, con người đã di chuyển khoảng 316 tỷ tấn vật chất, gấp hơn mười lần tải trọng trầm tích tự nhiên.

3. Vận chuyển vật chất

Con người hiện đang vận chuyển vật liệu một cách liên tục và trên khoảng cách ngày càng lớn. Kể từ năm 1990 đến nay, số lượng vật liệu được vận chuyển trên khắp thế giới đã tăng ba lần và vẫn tiếp tục tăng.

Năng lực vận chuyển vật chất của con người từ năm 1980 đến năm 2022. (đơn vị: triệu tấn) Nguồn: World Ocean Review (2010) & UNCTAD (2022), CC BY-NC-ND
Năng lực vận chuyển vật liệu của con người từ năm 1980 đến năm 2022. (đơn vị: triệu tấn) Nguồn: World Ocean Review (2010) & UNCTAD (2022), CC BY-NC-ND

4. Sự bùng nổ của nhựa

Nhựa là một trong những "vật liệu kỳ diệu" của thế giới hiện đại và có lẽ là thước đo đại diện nhất của quyển tầng kỹ thuật. Các dạng nhựa đầu tiên xuất hiện vào đầu thế kỷ 20. Việc sản xuất nhựa hàng loạt bắt đầu sau chiến tranh thế giới thứ hai, với số lượng toàn cầu ước tính 2 triệu tấn vào năm 1950. Nhưng con số này đã tăng lên khoảng 460 triệu tấn vào năm 2019.

Sản xuất nhựa (triệu tấn) đã tăng theo cấp số nhân kể từ năm 1950. Nguồn: Geyer et al. (2017) và OECD (2023), CC BY-NC-ND
Sản xuất nhựa (triệu tấn) đã tăng theo cấp số nhân kể từ năm 1950. Nguồn: Geyer et al. (2017) và OECD (2023), CC BY-NC-ND

Sự gia tăng sản xuất nhựa là một mối quan tâm cấp bách. Ô nhiễm nhựa gây ra nhiều tác động tiêu cực đến cả thiên nhiên và con người. Ví dụ, rác thải nhựa đại dương có thể phân hủy thành những mảnh nhỏ và bị động vật biển ăn vào, đe dọa toàn bộ chuỗi thức ăn.

Kể từ giữa thế kỷ 20, Trái đất đã được đưa vào một quỹ đạo mới do con người điều khiển - một quỹ đạo đang rời khỏi các điều kiện ổn định của Kỷ địa chất Holocene, và đang bước vào một thời kỳ mới biến động và thay đổi nhanh chóng của Kỷ nhân sinh Anthropocene.

Sức nặng của các bằng chứng ở đây dường như không thể tranh cãi.


Nguồn: