Trong một nghiên cứu về khí hậu đăng trên Earth System Science Data, 50 nhà khoa học hàng đầu đã cảnh báo rằng lượng khí thải nhà kính cao kỷ lục và ô nhiễm không khí gây ra tốc độ nóng lên toàn cầu nhanh chưa từng thấy.

Từ năm 2013 đến năm 2022, do tác động của con người, Trái đất nóng lên với tốc độ nhanh chưa từng thấy, hơn 0,2 độ C mỗi thập kỷ, theo nghiên cứu đã được bình duyệt.

Trong cùng thời kỳ, lượng khí thải trung bình hằng năm là 54 tỷ tấn CO2 (các khí nhà kính khác được quy đổi sang mức CO2 tương đương), cao nhất mọi thời đại. Con người phát thải khoảng 1.700 tấn CO2 mỗi giây.

Những phát hiện này cho thấy khả năng đạt mục tiêu hạn chế nóng lên toàn cầu trong phạm vi 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp gần như không còn.

Piers Forster - nhà vật lý tại Đại học Leeds, tác giả chính của nghiên cứu mới, cho biết: "Mặc dù chúng ta chưa đạt đến mức nóng lên 1,5 độ C, nhưng quỹ carbon - lượng khí nhà kính mà con người có thể thải ra mà không làm nhiệt độ vượt quá giới hạn đó - có thể sẽ cạn kiệt chỉ sau vài năm".

Hình minh họa. Nguồn: AP

Theo tính toán của Hội đồng Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), để có 50% khả năng nhiệt độ ở dưới ngưỡng 1,5 độ C, lượng khí thải CO2, mêtan và các chất khác không được vượt quá 250 tỷ tấn (Gt), đồng nghĩa với việc thế giới phải cắt giảm ít nhất 40% phát thải vào năm 2030 và ngừng phát thải vào giữa thế kỷ.

Trớ trêu thay, một chuyển biến tích cực trong thập kỷ qua đã vô tình đẩy nhanh tốc độ nóng lên toàn cầu, dữ liệu mới tiết lộ. Thế giới đã giảm sử dụng than đá, làm chậm phát thải carbon, nhưng đồng thời làm giảm số lượng các phân tử ô nhiễm không khí che chắn Trái đất khỏi các tia mặt trời. Trong ngắn hạn, nhiệt từ Mặt trời sẽ tiếp xúc nhiều hơn với bề mặt hành tinh do không khí trở nên sạch hơn.

Mức nóng lên 0,2 độ C mỗi thập kỷ là trên toàn bộ Trái đất. Nếu loại trừ đại dương, nhiệt độ trên các vùng đất liền đã tăng mạnh kể từ năm 2000. "Nhiệt độ tối đa trung bình hằng năm của đất liền đã ấm lên hơn 0,5 độ C trong 10 năm qua", theo báo cáo. Các đợt nắng nóng kéo dài hơn và dữ dội hơn sẽ đe dọa tính mạng con người và sinh kế trong những thập kỷ tới trên khắp các vùng rộng lớn ở Nam Á và Đông Nam Á, cùng với các khu vực nằm trên đường xích đạo ở châu Phi và châu Mỹ Latinh.

Nguồn: