Người Hà Nội đang sống trong những “chiếc hộp” nhà cao tầng, chung cư hiện đại. Còn công viên, bờ hồ - các khoảng không gian quan trọng dành cho sinh hoạt cộng đồng – nơi lưu giữ những ký ức, cảm xúc “về một Hà Nội đáng sống” vốn dĩ đã hiếm hoi nay đang dần có nguy cơ biến mất nếu không được chú ý và giữ gìn.
Đó là thông điệp được nhấn mạnh tại triển lãm ảnh “Vì một Hà Nội đáng sống” do Đại sứ quán Đan Mạch, Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân PPWG, Nhóm ảnh 9194 và doanh nghiệp xã hội ECUE phối hợp tổ chức, từ ngày 6/9 đến ngày 8/9 tại Nhà Bát Giác, phố đi bộ Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Buổi triển lãm trưng bày hơn 40 tác phẩm nhiếp ảnh về không gian công cộng và cuộc sống thường ngày của người dân Hà Nội, từ đó gợi ra câu hỏi cho người xem: Điều gì làm nên một Hà Nội đáng sống?
Hóa ra, những ký ức, khoảnh khắc đáng nhớ về Hà Nội chủ yếu là những điều giản dị, thân thuộc trong cuộc sống hằng ngày gắn với những không gian công cộng, có thể là những quán hàng ăn quen, vườn hoa công viên, con ngõ nhỏ…cho đến những xóm “nổi” của dân ngụ cư. Điều đặc biệt là những tác phẩm này đều được kể từ góc nhìn của chính người trong cuộc - những người đã sinh ra và lớn lên tại mảnh đất thủ đô, nhằm thực hiện “mong muốn cùng người dân nhìn lại tầm quan trọng của không gian công cộng trong cuộc sống đô thị” ông Lê Quang Bình – Chủ tịch PPWG chia sẻ tại buổi khai mạc Triển lãm.
“Tôi rất tâm đắc với so sánh cho rằng không gian công cộng của một thành phố cũng giống như không gian phòng khách của một ngôi nhà. Chúng ta cần không gian công cộng để giao lưu, kết nối, thực hành các hoạt động tập thể, đón tiếp khách thập phương, trình diễn nghệ thuật và quan trọng nữa là thực hành các lối sống khỏe mạnh như chạy bộ, tập thể dục”, ông Lê Quang Bình nói.
Triển lãm được chia làm 3 chủ đề chính: tuyến thứ nhất là những hình ảnh đẹp về không gian kiến trúc, văn hóa, tự nhiên; tuyến thứ hai là nhịp sống thường ngày của người dân trên đường phố, quán ăn, khu chợ; và tuyến cuối cùng là sự kết nối giữa con người với con người dựa trên tinh thần bình đẳng, khoan dung và thấu hiểu.
Một điểm nhấn gây ấn tượng với người xem tại triển lãm là tác phẩm sắp đặt làm từ những chiếc hộp lớn, nhỏ khác nhau, mô phỏng lại hình dáng và cấu trúc của các “khối hộp” trong thành phố như trung tâm thương mại, quán cafe, rạp chiếu phim hay chính ngôi nhà chúng ta trú ngụ. Và len lỏi trong mê cung những “chiếc hộp” ấy là công viên, bờ hồ - các khoảng không gian trống rất quan trọng - những nơi sinh hoạt cộng đồng vốn dĩ đã khan hiếm nay còn đang dần có nguy cơ biến mất nếu không được chú ý và giữ gìn.
Mỹ Hạnh