Nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ môi trường đã điều chế phân bón lá nano và chế phẩm nano bảo vệ thực vật để giúp cây bơ ở tỉnh Đắk Nông tăng năng suất và giảm tỷ lệ nấm bệnh.

Hiện nay, bơ là một trong những trái cây đặc sản của vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng nhờ điều kiện sinh thái phù hợp. So với các loại cây ăn quả khác, bơ dễ trồng, khả năng thích nghi rộng, chống chịu khá với các bất lợi của môi trường như hạn hán, gió, đất nghèo dinh dưỡng.

Đắk Nông hiện là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng bơ lớn của cả nước, với gần 2.600 ha (hơn 700ha trồng chuyên canh và gần 1.900 ha trồng xen canh), chiếm 20% tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn toàn tỉnh, năng suất bình quân từ 10-15 tấn/ha. Bơ được trồng chủ yếu ở các huyện Đắk Mil, Đắk Song, Đắk R’Lấp, Đắk G’long và thành phố Gia Nghĩa.

Với đặc điểm khí hậu thổ nhưỡng riêng có, Đắk Nông trồng được nhiều giống bơ cho trái quanh năm; trái to, dẻo, mẫu mã đẹp, màu vàng sậm và chín kéo dài so với bơ các địa phương khác. Tuy nhiên, giá trị hàng hóa của bơ Đắk Nông còn thấp do chưa ứng dụng khoa học, kỹ thuật nhiều trong sơ chế, bảo quản và vận chuyển.

Trước thực tế đó, Viện Công nghệ môi trường, thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã nghiên cứu phân bón lá nano và chế phẩm nano bảo vệ thực vật cho cây bơ Đắk Nông.

Theo nhóm nghiên cứu, hạt nano vi lượng đóng vai trò như một yếu tố kích thích sinh học. Trong cây trồng có rất nhiều quá trình sinh hóa bình thường không xảy ra, nhưng khi có tác động của nguyên tố vi lượng có kích thước nano, chúng sẽ được đánh thức và cây sẽ phát triển ở mức độ khác. Khi phun lên lá các hạt nano vi lượng, lá cây hấp thụ và cây được bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển tốt và cho năng suất cao.

v
Thử nghiệm phân bón lá nano cho cây bơ tại Tuy Đức. Ảnh: NNC

Để chế tạo phân bón lá nano, trước tiên nhóm tác giả chế tạo tiền chất nano humic chelate (một hợp chất hữu cơ quan trọng của đất mùn, than bùn, than đá… đóng vai trò quan trọng quyết định đến độ màu mỡ của đất đai và dinh dưỡng cây trồng) với các nguyên tố vi lượng (Fe, Cu, Zn, Mn, B, Mo, Se). Sau đó phối trộn với các thành phần đa lượng (N, P, K), trung lượng (Mg, Ca, S, Si), các axit amin,… thành các mẫu phân bón lá.

Nhóm tác giả cũng điều chế được chế phẩm nano bảo vệ thực vật, với thành phần nano bạc, đồng, có tác dụng phòng các đối tượng nấm gây bệnh thán thư, ghẻ vỏ quả, thối thân, thối trái bơ.

Thử nghiệm phân bón do lá nano trên vườn bơ 034, Booth tại xã Đắk R’tk, huyện Tuy Đức, Đắk Nông, cho thấy, tỷ lệ rụng quả giảm 82%; khối lượng quả tăng 12,7%; năng suất tăng 10,9% đối với bơ booth và 11,8% đối với bơ 034 so với vườn đối chứng (chỉ phun nước lã).

Thử nghiệm chế phẩm nano phòng trừ nấm cho thấy, giảm tỷ lệ bệnh từ 74 – 87%, năng suất tăng từ 7 – 11% so với vườn không sử dụng chế phẩm.

Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano trong canh tác cây bơ tại tỉnh Đắk Nông” của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN Đắk Nông nghiệm thu, đạt kết quả.