Trước thực tế diện tích, sản lượng tăng cao, sản xuất hồ tiêu đang đối mặt với nhiều thách thức về dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm thì việc liên kết, hợp tác sản xuất hồ tiêu theo hướng an toàn bền vững đang được nhiều địa phương lựa chọn.

Theo quy hoạch tại Quyết định số 1442/QĐ-BNN-TT, ngày 27/6/2014 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, đến năm 2020 - tầm nhìn đến 2030, diện tích hồ tiêu cả nước là 50.000 ha. Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, diện tích hồ tiêu cả nước đã đạt 124.529 ha, tăng hơn gấp đôi so với quy hoạch đến năm 2030.

HTX Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận (Đắk R'lấp) đã liên kết với doanh nghiệp sản xuất bền vững.

Vẫn đang... "mạnh ai nấy làm"

Diện tích hồ tiêu tăng ồ ạt đã phá vỡ quy hoạch, đe dọa đến phát triển bền vững. Bên cạnh đó, do tăng tự phát nên mặc dù diện tích lớn nhưng hầu hết các địa phương hiện nay chưa xây dựng được vùng sản xuất hồ tiêu an toàn do các hộ dân chưa liên kết lại với nhau mà đang theo dạng "mạnh ai nấy làm".

Nếu như năm 2010, cả nước có 51.003 ha hồ tiêu thì đến năm 2014 đã tăng lên 85.591 ha và đến năm 2016 là 124.529 ha, vượt quy hoạch 249,06%. Riêng các tỉnh vùng Tây Nguyên, đến nay có 73.251 ha hồ tiêu, trong đó tỉnh Đắk Lắk 27.588 ha, Đắk Nông 27.574 ha, Gia Lai 16.400 ha, Lâm Đồng 1.617 ha, Kon Tum 72 ha.

Tiến sĩ Nguyễn Như Hiển - Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đánh giá, việc các tỉnh chưa hình thành được vùng trồng hồ tiêu tập trung lớn dẫn đến khó đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi... Khi đã không hình thành được vùng sản xuất an toàn theo quy hoạch thì rất khó để triển khai các giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững và xây dựng thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý có tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Chính vì thế, dù sản lượng hồ tiêu hàng năm của Việt Nam chiếm đến 60% sản lượng thế giới nhưng vẫn chưa điều phối được giá cả thị trường.

Kết quả khảo sát của Bộ Nông nghiệp - PTNT tại 6 tỉnh trồng hồ tiêu lớn nhất Việt Nam gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu cho thấy, diện tích liên kết sản xuất hồ tiêu chỉ đạt xấp xỉ 2.700 ha, tương đương 3,5% diện tích trồng tiêu của các tỉnh này. Liên kết được xây dựng chủ yếu thông qua chương trình, dự án, một số ít thông qua doanh nghiệp. Tại Đắk Nông, diện tích hồ tiêu có liên kết cũng chỉ mới đạt mức 180 ha/27.574 ha. Trong đó, nhiều nhất là ở huyện Đắk Song với khoảng 120 ha.

Theo các chuyên gia, liên kết là hướng đi tất yếu nên các địa phương cần chủ động, có những chính sách thu hút, tạo điều kiện cụ thể cho các bên để nâng cao diện tích. Để ngành hồ tiêu phát triển bền vững, việc không mở rộng diện tích trồng mới, rà soát lại những vùng trồng đã và đang bị bệnh, những diện tích không khôi phục được, sản xuất không phù hợp để chuyển đổi sang cây trồng khác là việc làm đương nhiên. Đồng thời, các địa phương cũng cần quản lý tốt diện tích trồng tiêu đang phát triển, áp dụng gói kỹ thuật, canh tác bền vững, theo hướng quy hoạch các vùng sản xuất an toàn, bền vững gắn với xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý sẽ bảo đảm được sự phát triển ổn định, lâu dài.

Nhiều hộ dân ở bon R'long, xã Đắk Môl (Đắk Song) đã chú trọng phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững. Ảnh: A Trư.

Nhân rộng các hình thức liên kết bền vững

Một trong những điển hình về sản xuất hồ tiêu hiệu quả là Hợp tác xã (HTX) thương mại nông nghiệp Thuận Phát ( HTX Thuận Phát), ở bản Đầm Giỏ, xã Thuận Hà (Đắk Song) với phương thức canh tác sử dụng các chế phẩm sinh học, phân hữu cơ để sản xuất trên 100 ha. Để có sản phẩm hồ tiêu bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của khách hàng, HTX đã huy động vốn của các thành viên đầu tư mua máy sấy hồng ngoại, chế biến tiêu 5 màu và làm tiêu sọ.

Theo đó, lợi thế của sản phẩm hồ tiêu sử dụng phương pháp chế biến này là sạch, có chất lượng cao nên giá bán cao hơn so với sản xuất đại trà. Đến nay, HTX đã thu hút một số đơn vị thu mua xuất khẩu đến ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Kết quả, trong năm 2017, HTX đã xuất khẩu trên 10 tấn tiêu theo tiêu chuẩn Oganic cho Công ty TNHH Hương Gia Vị Sơn Hà, Công ty Sinh học Nhiệt đới với giá cao hơn thị trường 10%.

Cùng với HTX Thuận Phát thì ở Đắk Song còn có Công ty TNHH Trang trại xanh Thu Thủy, ở xã Nâm N’Jang với 20 ha hồ tiêu trồng sinh học được liên kết với các doanh nghiệp từ đầu vào đến đầu ra.

Theo ông Đinh Xuân Thu, Giám đốc Công ty TNHH Trang trại Thu Thủy thì trong những tháng đầu năm nay, trong khi hầu hết người trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh phải chịu cảnh được mùa mất giá thì sản phẩm của công ty vẫn tiêu thụ dễ dàng với mức giá cao hơn mặt bằng chung là 20%. Lý do là công ty làm ra sản phẩm với chất lượng cao đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, khắt khe nhất trên thế giới, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng, cùng với đó là tác dụng về xã hội, môi trường.

Cũng theo ông Thu, thực tế việc sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, an toàn không phải dễ nhưng cũng không phải là quá khó. Vấn đề là nông dân có chịu làm hay không, bởi có những nguyên tắc, kỹ thuật về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã sản xuất an toàn thì nhất định phải tuân thủ, không được vi phạm dù là nhỏ nhất. Nếu chỉ vì một cái lợi trước mắt mà người sản xuất bỏ qua thì sẽ làm hỏng cả quá trình, hơn hết là ảnh hưởng đến uy tín nên muốn làm phải có quyết tâm cao.

Ngoài ra, nông dân ở các xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) và các xã Đắk Wil, Ea Pô, Nam Dong (Chư Jút) cũng đã liên kết với doanh nghiệp từ đầu vào đến đầu ra trong sản xuất hồ tiêu. Tuy nhiên, các mô hình liên kết trên vẫn đang ở phạm vi nhỏ, chưa được nhân rộng thành quy mô vùng sản xuất nên hiệu quả tác động chưa lớn.

Đồng chí Trương Thanh Tùng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Thời gian tới tỉnh sẽ chú trọng phát triển sự liên kết nhiều chiều trong sản xuất và kinh doanh sản phẩm gia vị này. Nghĩa là không chỉ liên kết giữa doanh nghiệp, địa phương và người nông dân trồng hồ tiêu mà còn là sự liên kết giữa đơn vị chế biến và xuất khẩu hồ tiêu với nhau để cùng nắm bắt thông tin thị trường, điều phối sản lượng xuất bán trong từng thời điểm hợp lý để giữ được mức giá hồ tiêu không bị xuống thấp quá và ổn định. Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan trực thuộc nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ các bên tham gia liên kết, đặc biệt cho các doanh nghiệp vật tư đầu vào và doanh nghiệp sản xuất để thúc đẩy liên kết sản hồ xuất tiêu an toàn”.