Quy trình do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên thực hiện, có thể áp dụng để tạo ra nguồn cây giống sạch bệnh, chất lượng đồng đều.

Hồ tiêu là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam đem lại giá trị kinh tế cao. Ở hồ tiêu, sâu bệnh hại được nhắc đến nhiều nhất là bệnh chết nhanh do nấm Phytophthora spp. và bệnh chết chậm do tuyến trùng kết hợp với một số loài nấm khác gây ra.

Bằng phương pháp nhân giống thông thường (giâm cành), người nông dân đã từng bước trồng thay thế được những cây tiêu bị chết do bệnh hay già cỗi. Tuy nhiên, các giống được nhân theo phương pháp này thường không sạch các bệnh đã có trên cây mẹ như virus, nấm, tuyến trùng... Từ đó lây lan sang cây, vườn khác và lưu giữ trong đất, trong cây. Mặt khác, các phương pháp nhân giống này thường cho hệ số nhân giống thấp, cần số lượng lớn cây bố mẹ, tốn thời gian, phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và cây giống dễ bị thoái hóa qua quá trình canh tác lâu dài.

n
Nhân giống hồ tiêu trong phòng thí nghiệm. Ảnh: NNC

Trước thực tế đó, nhóm tác giả ở Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên đã thực hiện đề tài: “Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống hồ tiêu sạch bệnh”.

Qua điều tra khảo sát, đánh giá khả năng chống chịu bệnh của 15 giống hồ tiêu tại Đắk Nông, nhóm đã chọn được 2 giống hồ tiêu Vĩnh Linh (VL-ĐS3 và VL4-BRVT) có khả năng chống chịu bệnh chết nhanh, chết chậm, không bị nhiễm virus PYMoV (gây bệnh tiêu điên), phục vụ công tác nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào. Nhóm sử dụng môi trường MS, chất điều hòa sinh trưởng (BA, IBA, IAA), nước dừa non và than hoạt tính để nghiên cứu và hoàn thiện quy trình nuôi cấy.

C
Cây hồ tiêu trong vườn ươm Ảnh: NNC

Sau 60 ngày vào mẫu, tỷ lệ tạo mẫu sạch từ đỉnh sinh trưởng đạt cao nhất (68,40%) khi có sự kết hợp giữa chất khử trùng HgCL2 (0,2%) với nano bạc (0,3%). Các chất điều hòa sinh trưởng BA, IBA, IAA và nước dừa non với các nồng độ khác nhau được bổ sung vào môi trường nuôi cấy MS đã kích thích khả năng bật chồi, nhân chồi và ra rễ của cây hồ tiêu in vitro. Tỷ lệ mẫu bật chồi cao nhất (86,67%) trên môi trường MS bổ sung BA (2mg/l) kết hợp với IBA (0,2 mg/l). Sau 3 tháng nuôi cấy trên môi trường MS bổ sung BA (0,5 mg/l) kết hợp với nước dừa non (150 ml/l) đã làm gia tăng số lượng chồi/mẫu (6-7 chồi/mẫu). Việc kết hợp giữa IAA (0,4 mg/l) với than hoạt tính (1 g/l) đã giúp cây hồ tiêu in vitro hình thành rễ tốt nhất sau 60 ngày nuôi cấy. Cây hoàn chỉnh trong vườn ươm từ 5 – 6 tháng.

Quy trình nhân giống được nhóm tác giả hoàn chỉnh, có thể ứng dụng, chuyển giao trong sản xuất cây giống chất lượng cao, sạch bệnh để cung cấp cho người dân, doanh nghiệp trồng hồ tiêu.

Đề tài đã được Sở KH&CN Đắk Nông nghiệm thu.