Sở KH&CN TPHCM vừa công bố 6 chương trình nghiên cứu khoa học - phát triển công nghệ giai đoạn 2021 – 2025 thuộc các lĩnh vực: Đô thị thông minh và chuyển đổi số; Công nghiệp; Bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ; Nông nghiệp công nghệ cao; Quản lý và phát triển đô thị; Vườn ươm KH&CN Trẻ.
Cụ thể, lĩnh vực đô thị thông minh và chuyển đổi số, tập trung nghiên cứu ứng dụng các giải pháp để quản trị, điều hành xã hội và phát triển các nền tảng số trong lĩnh vực y tế, giáo dục và các lĩnh vực khác. Các lĩnh vực ưu tiên: công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain), dữ liệu lớn (Big data), vạn vật kết nối (Internet of Things); robotic, điện toán đám mây, tính toán hiệu năng cao, công nghệ an ninh mạng thông minh,…
Lĩnh vực công nghiệp, hỗ trợ các ngành công nghiệp đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, đặc biệt là nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm tiềm năng của thành phố. Các công nghệ ưu tiên: in và vật liệu in 3D; robot tự hành; vật liệu, thiết bị nano; công nghệ hệ thống vi cơ điện tử (MEMS); thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp; lưới điện thông minh; máy nông nghiệp tiên tiến; cảm biến sinh học; tổng hợp nhiên liệu sinh học tiên tiến;…
Chương trình bảo về và chăm sóc sức khỏe nhằm phát triển và ứng dụng các kỹ thuật, giải pháp, quy trình KH&CN tiên tiến trong lĩnh vực y - dược; tạo ra các sản phẩm để nâng cao chất lượng dự phòng, chẩn đoán, điều trị và nâng cao sức khỏe và phòng chống dịch COVID-19. Các kỹ thuật, công nghệ ưu tiên: y học tái tạo và kỹ thuật tạo mô, thần kinh, tế bào gốc, enzyme, tin sinh học, giải trình tự gen thế hệ mới, phân tích và chẩn đoán phân tử, chiết hoạt chất dược liệu, bào chế dược phẩm, thực phẩm chức năng, điều chế và sản xuất các loại vắc xin, sinh phẩm y tế và sinh phẩm chẩn đoán thế hệ mới,…
Các công nghệ và lĩnh vực ưu tiên trong nông nghiệp công nghệ cao gồm: nuôi trồng, canh tác, bảo quản, chế biến nông sản; chọn tạo giống cây, giống con; nông nghiệp chính xác; bào chế kháng thể, vắc-xin, chế phẩm sinh học; sản xuất các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc điều hòa sinh trưởng cho cây trồng; canh tác không dùng đất quy mô công nghiệp;…
Chương trình quản lý và phát triển đô thị, tập trung nghiên cứu các mô hình, giải pháp tạo ra động lực mới cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế thành phố. Các lĩnh vực ưu tiên: đổi mới cơ chế, chính sách, dịch vụ công, mô hình tổ chức quản lý, cải cách thủ tục hành chính; phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn và kinh tế du lịch; giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực có trình độ quốc tế; an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ môi trường;…
Chương trình Vườn ươm KH&CN Trẻ nhằm hỗ trợ ươm tạo và nâng cao năng lực nghiên cứu cho các nhà khoa học trẻ, sinh viên, học sinh. Lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của các chương trình KH&CN nêu trên.
Sở KH&CN TPHCM là đơn vị chủ trì xây dựng nội dung chi tiết triển khai kế hoạch, dự toán ngân sách hừng năm để thực hiện các chương trình nói trên. Mục tiêu: giai đoạn 2021 - 2025, đầu tư từ ngân sách cho KH&CN đạt trên 2% tổng chi ngân sách thành phố, trong đó, phấn đấu nâng tỷ lệ dành cho hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo đạt 30%. Tỷ lệ ứng dụng kết quả sau nghiệm thu của nhiệm vụ KH&CN đạt trên 70%, ứng dụng trực tiếp cho doanh nghiệp đạt 60%. Tỷ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đạt 50% so với cả nước.