Hoạt động KH&CN đã và đang góp phần thay đổi kinh tế Thái Bình. Sự liên kết chặt chẽ 4 nhà - Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông - đã từng bước xóa bỏ canh tác manh mún, tạo ra vùng nguyên liệu phù hợp với khả năng, điều kiện của địa phương.

Bối cảnh quốc tế và trong nước đang đặt ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) Thái Bình trước bước ngoặt của sự phát triển, đòi hỏi tỉnh có chiến lược và kế hoạch phát triển KH&CN phù hợp để nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, để KH&CN ngày càng thể hiện vai trò động lực, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

Hơn nửa thế kỷ khẳng định vai trò của KH&CN

Hơn nửa thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh và sự chỉ đạo của Uỷ ban Khoa học Nhà nước - nay là Bộ KH&CN, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, viện, trường, các huyện, thành phố, các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp, sự nỗ lực của những người làm công tác nghiên cứu, quản lý và ứng dụng KH&CN ở địa phương, hoạt động KH&CN của tỉnh Thái Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp có hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 Ông Lê Tiến Ninh - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở KH&CN - phát biểu tại hội nghị Giới thiệu mô hình mạ khay, máy cấy tại xã Độc Lập, huyện Hưng Hà. Ảnh: NV
Ông Lê Tiến Ninh - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở KH&CN - phát biểu tại hội nghị Giới thiệu mô hình mạ khay, máy cấy tại xã Độc Lập, huyện Hưng Hà. Ảnh: NV

Nhận thức được rằng vai trò của KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ngày càng được nâng cao, quan điểm coi KH&CN là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, là cơ sở cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã được quán triệt ngày càng đầy đủ hơn ở tất cả các cấp, các ngành trong tỉnh.

Từ nhận thức trên, các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Tỉnh uỷ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh cũng như các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành đều đã đề cập đến giải pháp về KH&CN. KH&CN đã và đang trở thành động lực và mục tiêu phát triển, ngày càng khẳng định vai trò của mình trong thực tế sản xuất và đời sống. Vì vậy, hoạt động KH&CN đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và được triển khai tích cực.

Ở Thái Bình, KH&CN đã có đóng góp quan trọng đối với việc xây dựng, ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách của Tỉnh uỷ, Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân tỉnh. Các chương trình, đề tài, dự án KH&CN đã bám sát và phục vụ có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh.

Nhiều tiến bộ KH&CN tiên tiến, công nghệ mới đã được áp dụng nhanh vào sản xuất, đời sống, góp phần thúc đẩy các ngành sản xuất trong tỉnh phát triển mạnh mẽ và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Hoạt động khoa học xã hội - nhân văn được quan tâm hơn, góp phần vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác xây dựng Đảng, công tác giáo dục - đào tạo, các hoạt động văn hoá xã hội, thể dục, thể thao và an ninh, quốc phòng.

Việc đổi mới cơ chế quản lý, đổi mới tổ chức KH&CN đã được triển khai tích cực. Tiềm lực KH&CN của tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ; đội ngũ cán bộ KH&CN phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, thích nghi dần với cơ chế kinh tế thị trường và có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và KH&CN của tỉnh.

Vốn đầu tư cho hoạt động KH&CN từng bước được tăng cường. Việc đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho KH&CN đã thực sự được quan tâm. Vốn sự nghiệp khoa học của tỉnh hằng năm liên tục tăng. Ngoài kinh phí ngân sách địa phương, tỉnh đã tranh thủ các nguồn khác đầu tư cho phát triển KH&CN như: Kinh phí ngân sách trung ương, viện trợ quốc tế, vốn tự có và huy động khác của doanh nghiệp… Cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị, máy móc, phòng thí nghiệm cho nghiên cứu ứng dụng KH&CN ngày càng được quan tâm đầu tư.

Công tác quản lý nhà nước về KH&CN đã có nhiều chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Hoạt động KH&CN cấp huyện, thành phố được quan tâm, ngày càng có hiệu quả hơn.
Hoạt động hợp tác về KH&CN được triển khai toàn diện trên các mặt tư vấn, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ứng dụng chuyển giao công nghệ, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, trao đổi thông tin… nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ KH&CN tỉnh.

Trái ngọt từ hiệu quả chính sách

Nhờ chính sách cũng như sự quan tâm của các cấp, hoạt động KH&CN đã và đang góp phần thay đổi kinh tế Thái Bình. Sự liên kết chặt chẽ 4 nhà - Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông - đã giúp cho người nông dân Thái Bình dần thay đổi tư duy về sản xuất hàng hóa nông nghiệp, từng bước xóa bỏ canh tác manh mún, làm theo phong trào, cùng hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp để tạo ra vùng nguyên liệu phù hợp với khả năng, điều kiện của địa phương.

Thời gian qua, nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KH &CN phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn đã được xây dựng và nhân rộng ở Thái Bình như: Mô hình sản xuất khép kín từ giống đến gạo thương phẩm giống lúa ĐS1 chất lượng cao; mô hình sản xuất nấm mỡ chịu nhiệt, nấm rơm chính vụ và trái vụ; mô hình nhân giống cây hòe, chiết tách rutin đạt chất lượng cao phục vụ nhu cầu sản xuất thuốc trong nước và xuất khẩu…

Việc nghiên cứu cải tiến, khảo nghiệm giống lúa, ngô, cây con mới cho năng suất cao và chống chịu sâu bệnh cũng được chú trọng.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng nhận được hỗ trợ nghiên cứu cải tiến, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển tài sản trí tuệ, mang lại một sức sống mới trong quá trình hội nhập.

Một ví dụ điển hình là việc hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, cải tiến thành công công nghệ dập cắt kim loại từ phôi cuộn bằng phương pháp dập cắt trong sản xuất bình gas LPG. Sự cải tiến này giúp năng suất tăng từ 200.000 sản phẩm/năm (chưa cải tiến) lên 600.000 sản phẩm/năm (sau khi cải tiến), bảo đảm an toàn cho người lao động, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Thành tựu nổi bật khác là việc nghiên cứu cải tiến thành công công nghệ máy dập thổi thủy tinh trong dây chuyền sản xuất thủy tinh dân dụng, đạt công suất 10 tấn thủy tinh sản phẩm/năm, giúp chủ động trong sản xuất, tiết kiệm được chi phí thuê chuyên gia nước ngoài sang sửa chữa và nhập khẩu các chi tiết thay thế.

Trước những vận hội và thách thức mới của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tập thể cán bộ, công chức, viên chức Sở KH&CN Thái Bình sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết nội bộ, nỗ lực phấn đấu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, đồng hành cùng các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong và ngoài tỉnh để góp phần đưa sự nghiệp phát triển KH&CN của tỉnh lên tầm cao mới, hoàn thành tốt mục tiêu phát triển KH&CN để góp phần đảm bảo KH&CN thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, để KH&CN thực sự là đòn bẩy, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể xã hội; tập trung thực hiện nhiệm vụ quản lý, đầu tư nghiên cứu KH&CN hướng vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, gắn KH&CN với chương trình xây dựng nông thôn mới. KH&CN phải trực tiếp góp phần vào phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân - nhất là ở khu vực nông thôn.

Bên cạnh đó, cần tập trung ứng dụng các tiến bộ KH&CN tiên tiến - nhất là công nghệ sinh học - để khảo nghiệm, tuyển chọn và sản xuất nhanh các giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh; tập trung xác định, xây dựng danh mục các đề tài dự án nghiên cứu KH&CN. Riêng đối với các doanh nghiệp, cần chủ động đầu tư nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.