Trong 200 công ty có doanh thu dưới 1 tỷ USD tốt nhất châu Á do Forbes Asia bình chọn, có doanh nghiệp của Hà Nội. Doanh thu từ sản phẩm KH&CN chiếm trên 70% tổng doanh thu của công ty này.
Đây là một trong số những điểm sáng từ việc đầu tư, ứng dụng chuyển giao công nghệ tại các doanh nghiệp ở Hà Nội.
Những con số biết nói
Từ năm 2011-2015 Hà Nội đã triển khai 493 đề tài, dự án (trong đó có 322 đề tài KH&CN, 94 đề tài khoa học xã hội và nhân văn, 59 dự án sản xuất thử nghiệm).
Phát huy lợi thế là nơi tập trung tiềm lực KH&CN mạnh nhất nước với hệ thống nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, với các nhà khoa học có tinh thần doanh nghiệp và các doanh nghiệp có tinh thần khoa học, Hà Nội thời gian qua có hoạt động thẩm định và chuyển giao công nghệ diễn ra mạnh mẽ.
Từ năm 2011 đến nay, Sở KH&CN Hà Nội tham gia thẩm tra hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký cho 57 hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng trợ giúp kỹ thuật, tiến hành thẩm định công nghệ 80 dự án đầu tư trong các lĩnh vực như cấp nước sạch, xử lý chất thải, tăng cường năng lực và đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở y tế, các trường cao đẳng nghề, trung tâm quan trắc tài nguyên - môi trường...
Trong đó, có những dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ tiên tiến như: Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở công suất 200.000m3/ngày đêm; dự án nhà máy xử lý rác tại Nam Sơn công suất 2.000 tấn/ngày… Sở KH&CN Hà Nội cũng đã thẩm tra hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký cho 57 hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng trợ giúp kỹ thuật, cấp giấy chứng nhận cho 211 tổ chức KH&CN.
Hoạt động cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN được triển khai khẩn trương. Nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông, công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, y tế, các công nghệ tự động hóa, vật liệu mới, bảo vệ môi trường... đã được thành lập.
“Đây là các lĩnh vực quan trọng, chủ lực, trọng điểm, có tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực khác. Một số doanh nghiệp KH&CN hoạt động hiệu quả, doanh thu từ hoạt động KH&CN ngày càng cao” - TS Lê Xuân Rao - Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội cho biết.
Minh chứng cho điều này là kết quả hoạt động năm 2013 của một doanh nghiệp ở Hà Nội được Forbes Asia lựa chọn là một trong 200 công ty có doanh thu dưới 1 tỷ USD tốt nhất châu Á năm 2013. Đáng nói hơn, doanh thu từ sản phẩm KH&CN chiếm trên 70% số doanh thu của công ty này năm đó. Một số doanh nghiệp KH&CN Hà Nội đã xuất khẩu sản phẩm như Công ty cổ phần Robot Tosy (xuất khẩu đồ chơi sang 60 nước), Công ty môi trường Xanh và Xanh (xuất khẩu hệ thống xử lý nước thải MGB sang Mỹ...
Hướng tới cuộc sống chất lượng và an toàn
Trước những vấn đề nóng về an toàn thực phẩm, nhiều đề tài nghiên cứu của Hà Nội tập trung giải quyết bài toán này. Theo đó, mô hình chăn nuôi bò thịt chất lượng, hiệu quả và an toàn dịch bệnh (dùng bò cái lai sind phối với bò thịt giống Brahman), xác định nguyên liệu và xây dựng quy trình sản xuất thức ăn bổ sung cho bê sữa cái đã được xây dựng.
Các nhà khoa học cũng xây dựng quy trình chăn nuôi các giống gia súc, gia cầm lấy trứng, lấy thịt thương phẩm (có chất lượng thịt, trứng ngon, khả năng thích nghi với môi trường tốt) và sinh sản theo phương thức quy mô công nghiệp và bán chăn thả vùng đồi gò, tiến tới nhân rộng tới các xã vùng bán sơn địa.
Hà Nội cũng nuôi thử nghiệm thành công một số giống cá có giá trị kinh tế, phù hợp với thủ đô; hoàn thiện quy trình nuôi thương phẩm, nuôi cá bố mẹ và cho đẻ với cá chép lai, rô phi đơn tính, trắm đen... nhằm chủ động giống chất lượng, cung cấp cho các vùng trũng ngoại thành.
Không chỉ có vậy, Hà Nội còn tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu hoàn thiện, phát triển các sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường, xuất phát từ yêu cầu thực tế, hướng tới việc nghiên cứu hoàn thiện các sản phẩm chính của doanh nghiệp, phát triển các sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường.
Các dây chuyền công nghệ thiết bị đồng bộ, hiện đại để phục vụ phát triển các ngành công, nông nghiệp, dịch vụ và sản xuất hàng tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá, cũng được nghiên cứu. Nhiều công trình từ kết quả đề tài, dự án đã khẳng định được sức cạnh tranh trên thị trường công nghiệp, thay thế máy móc nhập khẩu.
TS Lê Xuân Rao cho biết, để có được kết quả này, thời gian qua Hà Nội tăng cường thu hút các lực lượng tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; khuyến khích các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tham gia đặt hàng và trực tiếp triển khai thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học vào giải quyết các vấn đề bức xúc, nóng bỏng thuộc ngành, lĩnh vực và địa bàn. Hà Nội cũng thu hút một lực lượng lớn đội ngũ trí thức tại các trường, viện, trung tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp của thủ đô và của trung ương đóng trên địa bàn tham gia nghiên cứu khoa học.
Để KH&CN thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế, mới đây Hà Nội đã xây dựng Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ. Trung tâm được kỳ vọng là nơi phục vụ công tác nghiên cứu KH&CN và phát triển trong các lĩnh vực điện, điện tử, tự động hóa, cơ khí và xử lý ô nhiễm môi trường; quản lý, chuyển giao, giám định công nghệ trên địa bàn Hà Nội. Đặc biệt, đây sẽ là nơi thực hiện chế tạo thử nghiệm các sản phẩm đề tài, dự án, phục vụ các hệ thống dịch vụ KH&CN, tổ chức hợp tác trong nước và quốc tế về ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh kỳ vọng: “Trung tâm có dây chuyền công nghệ đầu tư đồng bộ, là cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội không những của thủ đô mà còn của cả Việt Nam”.