Xuân này, niềm vui nhân đôi với bà con ở làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (Hồng Thái, Kiến Xương, Thái Bình) do được chứng nhận thương hiệu tập thể “Chạm bạc Đồng Xâm”.
Sau 6 thế kỷ thăng trầm, nghề chạm bạc ở đây vẫn giữ vẹn nguyên những tinh hoa truyền thống của làng. Nhiều giai đoạn sản phẩm không có đầu ra nhưng người dân vẫn cố gắng bám trụ để nghề tổ không bị mai một. Đến nay, theo ông Nguyễn Thế Hoan - Chủ tịch UBND xã Hồng Thái, Đồng Xâm có khoảng 130 tổ hợp sản xuất và doanh nghiệp, thu hút gần 1.600 lao động chính và hàng nghìn lao động thời vụ.
Bạc Đồng Xâm từ lâu đã nổi tiếng vì sự tinh xảo và độc đáo. Càng về sau, kỹ thuật chạm càng điêu luyện và tinh tế hơn, khách quốc tế nhiều người biết đến. Tuy nhiên, khi làng chưa có thương hiệu riêng được chứng nhận, danh tiếng bạc Đồng Xâm bị nơi khác lợi dụng. Vấn đề được giải quyết khi Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Chạm bạc Đồng Xâm”.
“Tôi rất phấn khởi khi thương hiệu của làng được công nhận” - ông Vũ Xuân Thảo, người gần 40 năm gắn bó với nghề chạm bạc - nói. Thương hiệu và con dấu riêng giúp bà con phát triển kinh tế nhờ giá trị sản phẩm được nâng lên. Người tiêu dùng cũng dễ nhận biết và tìm mua sản phẩm nhiều hơn. Nhờ đó, giá bán các mặt hàng chạm bạc đã tăng khoảng 25%, tổng doanh thu của làng năm 2015 tăng 2-3 tỷ đồng. Chẳng hạn, với chiếc đĩa “chùa Một Cột”, trước đây gia đình ông Phạm Văn Nhiêu bán 1,8 triệu đồng, sau khi có thương hiệu và logo sản phẩm thì giá là 2,3 triệu đồng.
Ông Nhiêu là Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn - đá quý - chạm bạc Đồng Xâm, một những nghệ nhân giữ được nhiều bí quyết làm nghề nhất, từ khâu pha chế nguyên liệu đến tạo hình, dát phẳng và chạm trổ. Các sản phẩm của ông có kiểu dáng lạ về hình khối, bố cục, trang trí tinh xảo. Thủ pháp xử lý sáng - tối nhờ biết tận dụng đặc tính phản quang của chất liệu bạc cũng giúp sản phẩm của ông được ưa thích. Tâm huyết với nghề bạc, nghệ nhân Phạm Văn Nhiêu đặt ra tiêu chuẩn rất cao: “Đồng Xâm được Nhà nước cấp cho con dấu riêng, nhưng không phải sản phẩm nào cũng đóng logo. Sản phẩm phải đạt yêu cầu nhất định, nếu chưa đạt sẽ không được gắn logo”.
Mở rộng thị trường là điều các gia đình chạm bạc ở Đồng Xâm ngày đêm suy nghĩ. Vì mục đích này, ông Phạm Văn Nhiêu cũng đã gửi nhiều mẫu sản phẩm sang Nhật Bản, Italy… để tiếp thị. “Ở Đồng Xâm nhiều hộ sản xuất quy mô lớn, ai cũng có tay nghề nhưng khâu tiếp thị, quảng cáo lại chưa sành lắm” - ông chia sẻ.
Trăn trở này cho thấy, việc thương hiệu tập thể được công nhận giống như một cú hích khiến người dân Đồng Xâm có động lực để phát triển mạnh hơn nữa thay vì hài lòng với điều đang có. Tham vọng của họ là sớm có một thị trường xuất khẩu rộng rãi, lập trang web riêng quảng bá hình ảnh làng nghề, không chỉ để bán sản phẩm mà còn hướng đến việc phát triển du lịch.
Lê Loan