Chưa hài lòng với chiếc máy rửa bát công nghiệp giá rẻ có khả năng xử lý 4.000 chiếc một giờ, người sáng chế ra nó - một chàng trai chưa từng học đại học - đang ấp ủ tham vọng tạo máy rửa bát thông minh biết báo cáo mọi hoạt động, trạng thái.

Đó là Nguyễn Văn Ngọc - sống ở thôn Tự Tân, xã Phú Lễ 1, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, người sáng chế máy rửa bát đầu tiên của Việt Nam.

Anh chàng làm thuê thành nhà sáng chế


Con đường thôn Tự Tân khá rắc rối, quanh co nhưng chúng tôi dễ dàng tìm thấy nhà Nguyễn Văn Ngọc. Bởi ngay từ đầu thôn, hễ hỏi đường bất cứ người dân nào, chúng tôi cũng đều nhận được câu trả lời: “Nhà cậu Ngọc kỹ sư chế tạo máy chứ gì? Ở kia kìa”.


Nguyễn Văn Ngọc bên máy rửa bát công nghiệp do mình sáng chế. Ảnh chụp tháng 2/2016.
Nguyễn Văn Ngọc bên máy rửa bát công nghiệp do mình sáng chế. Ảnh chụp tháng 2/2016. Ảnh: Vũ Thư

Nói về danh xưng kỹ sư chế tạo máy nổi tiếng trong làng này, Nguyễn Văn Ngọc nở nụ cười hiền lành, phân bua: “Người ta cứ phong thế thôi chứ tôi có học đại học ngày nào đâu mà trở thành kỹ sư được. Tôi đơn giản chỉ là một người chế tạo máy thôi”.

Anh giải thích thêm: “Bố tôi vốn là thợ sửa chữa ôtô trong quân đội. Khi về hưu, ông cụ có làm dịch vụ sửa chữa xe máy. Mà hồi trước xe máy của bà con phần lớn là cũ và rất hay hỏng hóc. Tôi cũng thường xuyên phải phụ bố sửa xe cho khách. Có lẽ tình yêu với máy móc, với nghề cơ khí bắt nguồn từ đấy”.

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Nguyễn Văn Ngọc học trung cấp dược như mong muốn của bố mẹ. Nhưng rồi tự thấy mình không hợp với nghề thuốc, anh không xin việc theo ngành dược mà vào làm tại Nhà máy Điện cơ quốc phòng. Một thời gian sau, Ngọc làm đơn xin đi học Trường Trung học công nghiệp quốc phòng, chuyên ngành chế tạo máy.

Tốt nghiệp, anh quyết định không quay lại Nhà máy Điện cơ quốc phòng nữa vì “làm ở đấy lương cũng chỉ đều đều thế thôi, đến khi nào mới mua được nhà”. Muốn gây dựng cơ nghiệp bằng chính công việc mình đam mê, Nguyễn Văn Ngọc cùng hai người bạn xây dựng kế hoạch mở xưởng cơ khí tại nhà mình. Nhưng ý tưởng này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của bố mẹ Ngọc - vốn rất lo lắng cho tiền đồ của con trai khi anh bỏ công việc ổn định ở nhà máy.

“Bố mẹ muốn tôi có công việc ổn định nên quyết định xin cho tôi vào làm ở Tỉnh đội Thái Bình. Thời đó, việc đi ngược lại ý muốn của bố mẹ là cả vấn đề. Tôi phải đấu tranh quyết liệt. Có thời gian tôi chỉ nằm lỳ ở nhà không chịu đi đâu hết - chắc cũng phải mấy tháng như thế - để phản đối. Bố mẹ thấy tôi vẫn quyết tâm và đam mê theo đuổi nghề này nên mới không ngăn cấm nữa” - Nguyễn Văn Ngọc nhớ lại.

Để có vốn mở xưởng cơ khí, Nguyễn Văn Ngọc chấp nhận cảnh sống xa nhà, lặn lội đi làm thuê ở tận Lạng Sơn, Hải Phòng. Sau vài năm, anh tích cóp tiền mua một chiếc máy tính rồi bắt tay vào mày mò nghiên cứu chế tạo sản phẩm đầu tiên - máy rửa bát gia đình.

Được hỏi tại sao lại bắt đầu sự nghiệp sáng chế với máy rửa bát mà không phải máy móc gì khác, Nguyễn Văn Ngọc cười: “Gia đình tôi có ba người, gồm bố, mẹ và tôi. Chị gái đã đi lấy chồng nên mọi việc bếp núc trong nhà đều vào tay mẹ. Cứ mỗi lần rửa bát giúp mẹ - nhất là vào mùa đông giá rét - tôi thấy thương mẹ quá. Và ý tưởng chế tạo máy rửa bát để giúp mẹ đỡ vất vả những ngày giá rét nhem nhóm trong đầu”.

Năm 2009, chiếc máy rửa bát “made in Vietnam” đầu tiên do Nguyễn Văn Ngọc chế tạo đoạt giải ba cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thái Bình. Đó là chiếc máy rửa bát gia đình duy nhất mà anh làm. Những sản phẩm sau này của anh đều là máy công nghiệp, phục vụ rửa bát đĩa số lượng lớn cho các cơ sở làm dịch vụ ăn uống.

Ngọc giải thích: “Nhiều người đặt hàng tôi làm máy rửa bát gia đình nhưng tôi không dám nhận, vì một thiết bị đặt trong nhà cần có hình thức đẹp, mà tôi không có điều kiện đáp ứng yêu cầu đó, máy tôi làm ra chưa so được với hàng ngoại nhập về mặt hình thức. Trong khi đó, tôi muốn chiếc máy rửa bát do mình chế tạo nếu được đặt trong nhà thì có thể dùng trang trí chứ không chỉ sở hữu những tính năng sử dụng tốt”.


Ước mơ sáng chế máy rửa bát thông minh

Tháng 9/2015, Nguyễn Văn Ngọc bắt tay vào chế tạo những chi tiết đầu tiên của máy rửa bát băng chuyền có công suất và quy mô lớn hơn rất nhiều so với sản phẩm đầu tay. Và đến đầu tháng 1/2016, chiếc máy rửa bát công nghiệp đầu tiên đã được anh hoàn thành.

“Máy công nghiệp không đòi hỏi cao về mẫu mã mà tập trung chủ yếu vào tính năng. Nguyên lý hoạt động của máy về cơ bản giống với máy rửa bát gia đình, trên cơ sở đó tôi phát triển lên” - Nguyễn Văn Ngọc chia sẻ.

Máy rửa bát công nghiệp do Ngọc chế tạo có giá chỉ bằng một nửa so với sản phẩm ngoại cùng loại của Trung Quốc (máy rửa bát công nghiệp tương tự của Trung Quốc trên thị trường có giá hơn 170 triệu, máy của Đức thấp nhất khoảng 250 triệu đồng).

Khó khăn lớn nhất mà nhà sáng chế quê lúa đang phải đối mặt là chưa có đủ máy móc, thiết bị chuyên dụng để phục vụ cho việc chế tạo máy rửa bát này. Do đó, nhiều công đoạn Ngọc phải thuê gia công, gây tốn thêm rất nhiều thời gian, đẩy giá thành sản phẩm lên cao trong khi độ chính xác lại không được như mong muốn của Ngọc, vì những đơn vị gia công cho anh không chuyên về máy rửa bát.

Hiện chàng “kỹ sư làng” mới chế tạo xong một chiếc máy rửa bát công nghiệp theo đơn đặt hàng của đối tác ở Quảng Ninh và đang chuẩn bị làm hai chiếc nữa cho một đơn vị trong Nha Trang. Ngọc cho biết trong thời điểm hiện tại, anh chỉ có khả năng nhận những đơn đặt hàng nhỏ lẻ như vậy chứ chưa có điều kiện mở rộng, phát triển quy mô sản xuất vì những thách thức về mặt kinh phí. Để có tiền thực hiện mong muốn lớn nhất là thương mại hóa sản phẩm máy rửa bát công nghiệp, Nguyễn Văn Ngọc vẫn duy trì dịch vụ gia công các mặt hàng cơ khí, nhôm kính, inox dân dụng…

Được hỏi tại sao không chuyển giao công nghệ hoặc kết hợp với đối tác nào đó để sản phẩm được thương mại hóa dễ dàng, nhanh chóng hơn, Ngọc chia sẻ: “Khi tôi chế tạo ra máy rửa bát gia đình, nhiều cơ sở ở Hà Nội, Thái Nguyên có xưởng sẵn đã mời và muốn kết hợp làm cùng, nhưng tôi không đồng ý. Tôi muốn tự mình làm, có thể bắt đầu từ quy mô nhỏ, từng chiếc một rồi dần dần phát triển lên. Quê tôi rất nghèo, chính vì thế tôi muốn tạo công ăn việc làm cho người dân nơi đây”.

Ông Nguyễn Quang Đạo - Trưởng phòng Quản lý công nghệ và thông tin công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình - cho biết, sở sẽ hỗ trợ Nguyễn Văn Ngọc nâng cao chất lượng sản phẩm để thương mại hóa bằng một đề tài khoa học trong năm 2017. Còn Ngọc thì chia sẻ ý định tiếp tục hoàn thiện sáng chế của mình: “Tôi muốn cải tiến máy rửa bát có chế độ hiển thị trên màn hình mọi trạng thái hoạt động của nó như đang đun nước nóng, đang rửa, có thể cài đặt thời gian, máy hỏng ở đâu đều có thể báo lỗi lên màn hình”. Quả thật, ham muốn sáng tạo của nhà sáng chế không bằng cấp này không có điểm dừng.

Theo tính toán, trong 1 giờ, một người chỉ rửa được khoảng 100 chiếc bát, đĩa. Để làm sạch 4.000 chiếc bát, đĩa, cần tới 40 người rửa liên tục trong một giờ. Máy rửa bát công nghiệp mà Nguyễn Văn Ngọc thiết kế mỗi phút làm sạch được 80 chiếc bát, đĩa, công suất rửa mỗi giờ là 4.000 chiếc, tiêu hao 1.500 lít nước và tốn khoảng 54kWh điện. Chỉ cần đặt bát đĩa bẩn vào những chiếc khay, sau đó đưa vào máy rửa bằng áp lục nước nóng 800C. Sau 1 phút, 80 chiếc bát, đĩa bẩn được chuyển từ đầu này sang đầu kia của máy đã sạch bóng, không còn vết bẩn. Máy không cần sử dụng bất kỳ một loại hóa chất gì, chỉ là nước sinh hoạt bình thường, vì thế tuyệt đối không có hóa chất gây hại cho sức khỏe con người.