Giá chè tươi tăng gấp đôi nhờ trồng theo mô hình kỹ thuật mới, giá chè khô cũng đạt mức trung bình 300.000 đồng/kg nhờ được bảo hộ nhãn hiệu, chè Suối Giàng (Yên Bái) đang đứng trước thử thách quen thuộc của một nhãn hiệu thành công: Đối phó với hàng nhái.

Kỹ thuật mới giúp giá chè tăng vọt

Tại Yên Bái, vùng trồng chè Suối Giàng có diện tích lên tới 395ha. Đa số người dân sống phụ thuộc vào cây chè, nhưng suốt thời gian dài vẫn giữ phương pháp nhân giống truyền thống bằng hạt, không qua chọn lọc. Các đồi chè shan cổ thụ bị khai khác không đúng kỹ thuật nên cây sinh trưởng kém, năng suất thấp, chất lượng không đồng đều.

Vì vậy, mặc dù chè Suối Giàng đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu từ năm 2012 nhưng hiệu quả của việc khai thác nhãn hiệu và phát triển, thương mại hóa sản phẩm còn rất hạn chế.

Hội đồng nghiệm thu dự án về chè Suối Giàng thuộc chương trình 68 đi thăm khu trồng chè. Ảnh: Mai Dũng
Hội đồng nghiệm thu dự án về chè Suối Giàng thuộc chương trình 68 đi thăm khu trồng chè.
Ảnh: Mai Dũng

May mắn là chè Suối giàng được lọt vào danh mục các dự án thuộc chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (chương trình 68) được Bộ KH&CN phê duyệt để thực hiện trong 2 năm 2014-2015. Dự án “Ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ việc quản lý quyền sở hữu trí tuệ và nâng cao chất lượng sản phẩm chè mang nhãn hiệu chứng nhận Suối Giàng của tỉnh Yên Bái” đã được Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng triển khai.

Theo kỹ sư Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn, dự án đã xây dựng mô hình trồng thâm canh chè shan mật độ cao với 12.000 cây/ha. Nhân dân địa phương được các kỹ sư hướng dẫn trực tiếp về kỹ thuật trồng chè mật độ cao, cách chăm sóc cây chè, hỗ trợ miễn phí phân bón hữu cơ vi sinh. Họ cũng được hướng dẫn cách bón lót trước khi trồng cũng như kỹ thuật thiết kế đồi chè, giữ ẩm, bón phân, đốn hái chè.

“Sau hơn 2 năm áp dụng mô hình trồng chè mật độ cao, cây chè phát triển, sinh trưởng tốt. Kết quả theo dõi trên nương chè trồng tập trung cho thấy có một số loại sâu bệnh, sâu hại như bọ xít muỗi, sâu róm, bệnh phồng lá chè, bệnh thối búp vào mùa mưa… nhưng mức độ bị sâu bệnh gây hại còn nhẹ, không ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng, phát triển của cây chè shan” - kỹ sư Toản cho biết.

Là một trong những hộ tiên phong áp dụng mô hình trồng mật độ cao, ông Vàng A Sềnh (xã Suối Giàng, Văn Chấn) hào hứng chia sẻ: “Gia đình tôi trồng 2ha chè. Trước đây gia đình trồng tự nhiên nên sản lượng thấp, cây chè phát triển chậm. Khi áp dụng mô hình, cây chè của gia đình tôi phát triển tốt hơn, tỷ lệ búp cao, sản lượng tăng 20%, từ 1,2-1,5 tấn/ha. Năm 2013 chúng tôi bán chè tươi với giá 10.000 đồng/kg thì hiện nay giá tăng lên 15.000 đồng/kg, vụ đầu xuân có thể lên đến 20.000 đồng/kg”.

Hiện trên toàn xã Suối Giàng có hơn 400 hộ áp dụng mô hình trồng chè mật độ cao với diện tích 5ha. Địa phương đang phấn đấu đến năm 2020 đạt diện tích khoảng 100ha.

Với sản lượng chè búp đạt tươi đạt 500 tấn/năm, các hộ nông dân ở Suối Giàng đạt doanh thu khoảng 7,5 tỷ đồng.

Nỗi lo bị nhái nhãn hiệu

Mô hình trồng chè mật độ cao đã giúp nhãn hiệu chè Suối Giàng được phổ biến rộng trên toàn quốc. Nhờ ứng dụng KH&CN trong sản xuất và áp dụng các biện pháp quản lý quyền sở hữu trí tuệ, thành phẩm chè (chè khô) mang nhãn hiệu chè Suối Giàng hiện được bán với giá khá cao - trung bình 300.000 đồng/kg. Lợi ích rõ rệt này dẫn đến nguy cơ nhãn hiệu bị nhái.

Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng cho biết, tại xã Suối Giàng hiện có 13 cơ sở chế biến, kinh doanh chè, trong đó có tới 11 cơ sở sản xuất với quy mô hộ gia đình, chưa đăng ký sản xuất.

Ngoài ra, có rất nhiều địa điểm bán chè Suối Giàng nhưng không có nhãn mác đúng quy chuẩn mà chỉ ghi địa chỉ và số điện thoại. Tình trạng này gây nhầm lẫn, khó khăn cho người tiêu dùng. Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng, cần có biện pháp quản lý và giải quyết để không ảnh hưởng xấu đến thương hiệu chè Suối Giàng.

Ông Sềnh cho rằng, trên thực tế các quy định về tiêu chuẩn gắn nhãn mác trên sản phẩm đã giúp hạn chế phần nào tình trạng vi phạm thương hiệu. Ông cũng kiến nghị Nhà nước, chính quyền địa phương cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho các hộ sản xuất nhỏ lẻ, hỗ trợ một phần kinh phí để đầu tư cho công nghệ sau thu hoạch, đóng gói, bảo quản.

“Một số hộ đã có bom sao nhưng máy móc, điều kiện cơ sở sản xuất chưa đảm bảo tiêu chuẩn sạch sẽ, thoáng mát nên chưa chế biến được chè sạch và an toàn. “Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng tạo điều kiện, quan tâm đến vùng chè Suối Giàng vì giá chè của vùng hiện nay so với thị trường vẫn còn thấp. Ngoài ra, chỉ dẫn địa lý từng khu chưa có nên chúng tôi cũng mong muốn sớm có chỉ dẫn địa lý để bà con yên tâm sản xuất chè chất lượng cao” - ông Sềnh chia sẻ.