Vải Thanh Hà (Hải Dương) tăng 12 lần giá bán nhờ xuất được sang Úc, chè Tân Cương có giá cao gấp đôi sản phẩm cùng loại… là những ví dụ cho thấy, khoa học - công nghệ là cú hích giúp giá trị của nhiều đặc sản địa phương tăng mạnh giá trị.

Đổi thay nhỏ, lợi nhuận lớn

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển tài sản trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ - việc các đặc sản được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) tạo cơ hội cho nhiều địa phương khai thác lợi thế tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm lâu đời có chất lượng phụ thuộc bí quyết của người dân; nếu bí quyết đó không được giữ gìn, cải tiến thì chất lượng, lợi thế đặc thù dễ mất đi. Nhận thức được điều này, một số địa phương có sản phẩm được bảo hộ CDĐL gần đây rất chú trọng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng chất lượng và giá trị sản phẩm.Vải thiều Thanh Hà là một ví dụ.


Người dân thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, Hải Dương phân loại vải để bán. Ảnh: Lê Hằng

Người dân thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, Hải Dương phân loại vải để bán.
Ảnh: Lê Hằng

Tuy nổi tiếng với hương vị đặc biệt nhưng để xuất sang các thị trường khó tính, vải Thanh Hà vẫn cần đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt của họ. Nhằm khắc phục các tồn tại và khai thác hiệu quả giá trị của CDĐL, huyện Thanh Hà (Hải Dương) đã triển khai sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP trên 3 xã Thanh Sơn, Thanh Xá, Thanh Thủy.

Bà Nguyễn Thị Huệ - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà - cho biết: “Trên thị trường vải có sự cạnh tranh giữa vải thiều Thanh Hà và vải thiều Bắc Giang. Về mặt cảm quan, vải thiều Bắc Giang quả to và đẹp hơn, vải Thanh Hà lại có ưu thế ở hương vị. Để nâng mẫu mã và chất lượng, cạnh tranh được với các loại vải khác, chúng tôi đã đưa quy trình VietGap vào sản xuất. Sau 2 năm triển khai, mỗi năm Thanh Hà có khoảng150ha vải được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, giá sản phẩm tăng 10-15%”.

Tuy đã đủ khả năng vào các thị trường khó tính như Mỹ, Úc..., nhưng vải thiều Thanh Hà vẫn không xuất khẩu được do nhanh hỏng. Vấn đề này đã được khắc phục nhờ công nghệ chiếu xạ nhằm ngăn sự phát triển của côn trùng, vi sinh vật trong quả, giúp bảo quản lâu hơn, hiệu quả kinh tế tăng vọt. Mỗi kilôgram vải bán trong nước giá 15.000 đồng, nhưng nếu chi thêm 6.000 đồng phí chiếu xạ và xuất sang Úc sẽ bán được với giá 180.000-200.000 đồng/kg.

Chè Tân Cương cũng là ví dụ thành công khác. Nhờ thay phân bón hóa học bằng phân bón hữu cơ sinh học chuyên dùng cho chè, năng suất búp tươi tăng từ 12,9-24,1%, chất lượng chè cũng cao hơn. Ở nương chè có mật độ búp cao nhất, số lãi thu được lên đến hơn 200 triệu đồng/ha/năm. Hiện sản phẩm chè mang CDĐL “Tân Cương” có giá bán cao gấp đôi các loại chè khác của Thái Nguyên.

Khắc phục sự manh mún để tăng giá trị

Tuy việc bảo hộ CDĐL và ứng dụng khoa học giúp các đặc sản địa phương tăng hiệu quả kinh tế, nhưng theo bà Lê Thị Thu Hà - giảng viên bộ môn Sở hữu trí tuệ, Đại học Ngoại thương Hà Nội, lợi thế sản phẩm chưa được phát huy tối đa do vấn đề quy mô.

“Các đặc sản mang đặc trưng vùng miền nên quy mô còn rất manh mún, phân tán, không đồng đều. Ở châu Âu, cho dù là đặc sản vùng miền thì sản phẩm vẫn được sản xuất ở quy mô công nghiệp. Cũng là hộ sản xuất nho, nhưng nho được trồng trên những cánh đồng đủ diện tích để chăm sóc công nghiệp. Ở Việt Nam, cây đặc sản chủ yếu được trồng trong vườn nhỏ, để biến thành sản phẩm công nghiệp là rất khó. Như với vải Thanh Hà, tuy địa phương đã ứng dụng quy trình VietGAP nhưng nhiều hộ có quy mô nhỏ, mỗi vườn khoảng 5-7 cây, việc đầu tư ứng dụng khoa học trên diện tích nhỏ là rất lãng phí” - bà Hà nói.

Theo bà, phải mở rộng quy mô canh tác thì việc đầu tư các tiến bộ kỹ thuật mới hiệu quả, đảm bảo đủ chất lượng. Ngoài ra, để thúc đẩy đầu ra cho các sản phẩm ở thị trường EU, Đức, Mỹ, Úc…, Nhà nước cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá tại những thị trường này.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thanh Bình, sự nỗ lực đồng bộ từ nhiều phía - nhà quản lý, nhà khoa học - sẽ giúp các địa phương nhanh chóng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất hàng hoá đặc sản. Các địa phương cũng cần hỗ trợ thành lập hiệp hội các nhà sản xuất, thống nhất được quy trình quản lý, quy trình công nghệ - kỹ thuật và phát triển sản phẩm một cách đồng bộ, tạo ra những sản phẩm đồng nhất về chất lượng, giúp người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Việc sản xuất theo quy trình chuẩn, quản lý chặt chẽ từ khâu đầu vào, chọn giống, canh tác đến thu hoạch, đóng gói sẽ rất thuận lợi cho việc xuất khẩu sang những thị trường khó tính.