Ngoài lợi thế là công viên địa chất toàn cầu duy nhất tại Việt Nam, cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) còn có một số nông sản đang dần xây dựng thương hiệu như mật ong bạc hà Mèo Vạc, thịt bò vàng Đồng Văn... giúp địa phương kết hợp các lợi thế cho phát triển du lịch.
Mật ong tăng giá gấp đôi nhờ chỉ dẫn địa lý
Cao nguyên đá (CNĐ) Đồng Văn gồm 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn, gồm nhiều di tích, danh lam thắng cảnh như nhà Vương, cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn, đèo Mã Pí Lèng, núi đôi Quản Bạ, Phố Cáo... Địa phương đã xác định phát triển theo hướng tập trung khai thác các tài nguyên thiên nhiên, đẩy mạnh phát triển du lịch - dịch vụ, đồng thời tận dụng, phát huy tài sản trí tuệ, các sản phẩm đặc trưng của vùng để tạo nên “thương hiệu” riêng của CNĐ.
Năm 2015, địa danh này đón trên 300.000 khách du lịch trong và ngoài nước. Từ việc du khách biết đến công viên địa chất toàn cầu, các sản phẩm, nông sản đặc trưng của vùng cũng được quảng bá rộng rãi hơn. Tiêu biểu là sản phẩm mật ong bạc hà của huyện Mèo Vạc, được sản xuất tự nhiên với hương vị độc đáo của vùng nguyên liệu hoa bạc hà.
Theo ông Nguyễn Cao Cường - Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, ngay sau khi sản phẩm được công nhận chỉ dẫn địa lý, kết hợp với việc tăng lượng du khách đến với CNĐ Đồng Văn, tốc độ tiêu thụ và sản xuất mật ong bạc hà tăng mạnh. Nếu như cuối năm 2014, huyện có khoảng 5.000 đàn ong thì đến năm 2015 con số đã tăng lên gần 9.000. Trước đây, giá một lít mật ong chỉ khoảng 200.000Đ thì đến nay đã lên 400.000Đ.
“Mỗi năm Mèo Vạc có gần 50.000 lít mật ong bạc hà được tiêu thụ. Với bà con vùng cao, việc sản xuất mật ong đã tạo ra nguồn thu nhập lớn và tác động mạnh mẽ đến kinh tế địa phương. Đây là sản phẩm đặc trưng gắn với những giá trị tự nhiên và cộng đồng địa phương. Mật ong bạc hà khác với các loại mật ong khác, điều này kích thích sự tò mò về hương vị và thu hút khách du lịch đến xem quy trình sản xuất mật ong bạc hà” - ông Cường chia sẻ.
Ông Nguyễn Lê Huy - Trưởng ban quản lý công viên địa chất toàn cầu CNĐ Đồng Văn - nói: “Mật ong bạc hà đã giúp nâng cao hình ảnh, giá trị của công viên địa chất. Chúng tôi sẽ nỗ lực xây dựng thương hiệu, đặc sản địa phương nhiều hơn nữa”.
Ông Hoàng Văn Thịnh - Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn - cho biết, huyện đang xây dựng chuỗi thịt bò vàng Đồng Văn, rượu ngô chất lượng cao. Tới đây, địa phương sẽ tập trung sản xuất các đặc sản như gạo Khẩu Mang, quả óc chó bán cho khách du lịch tại chỗ và thị trường kết nối. Ngoài ra, qua việc trải nghiệm các phiên chợ, du khách có thể cảm nhận nông sản được canh tác sạch, nâng cao uy ín cho nông sản Đồng Văn.
Ưu tiên xây dựng thương hiệu
Để phát triển thương hiệu mật ong bạc hà Mèo Vạc, chính quyền huyện Mèo Vạc đã tạo điều kiện để hộ gia đình và doanh nghiệp nuôi ong được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Cán bộ khuyến nông đến tận thôn bản phổ biến kỹ thuật nuôi ong cho người dân, hướng dẫn nuôi ong bằng thùng cầu, lấy mật bằng cách quay cầu. Nhờ vậy, chất lượng mật được nâng lên, đảm bảo nguyên chất, giữ được vị ngọt khé, thơm đặc trưng của mật ong bạc hà Mèo Vạc theo đúng quy định trong hồ sơ đăng bạ chỉ dẫn địa lý.
“Chúng tôi mong Nhà nước hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư các thiết chế phát triển du lịch. Hiện số doanh nghiệp đầu tư vào địa phương còn rất ít do chính sách chưa làm họ mặn mà. Nếu được hỗ trợ về lãi suất, giảm chi phí đầu tư, doanh nghiệp và người dân sẽ có điều kiện phát triển du lịch, phát huy lợi thế của CNĐ” - ông Cường kiến nghị.
CNĐ Đồng Văn cũng đang đẩy mạnh việc nâng cao nhận thức của cộng đồng cư dân về giá trị các đặc sản của địa phương bằng các ấn phẩm, băng đĩa tiếng địa phương (Mông, Dao, Tày).
“Chúng tôi hy vọng định hướng phát triển của công viên địa chất toàn cầu và các giá trị tài sản trí tuệ sẽ giúp phát triển hơn nữa ngành du lịch và kinh tế Hà Giang” - TS Huy nói.