“Làm sao có được nhiều nhất doanh nghiệp ứng dụng KH&CN trên địa bàn, nhiều doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện của doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần đưa nhanh nhất KH&CN vào cuộc sống”.
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã nhấn mạnh điều này trong phần kết luận sau khi nghe các kiến nghị được đại diện các Sở KH&CN 6 tỉnh nêu tại hội nghị Giao ban KH&CN các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ lần thứ 12, tổ chức ngày 16/9 tại Thanh Hóa.
Hội nghị còn có sự tham dự của ông Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa; ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ KH&CN; Ông Phạm Bá Oai – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, lãnh đạo Ban tuyên giáo tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa; lãnh đạo các cục, vụ, viện trực thuộc Bộ KH&CN; lãnh đạo các Sở KH&CN 6 tỉnh Bắc Trung Bộ gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Loan Lê. Hội nghị giao ban vùng được tổ chức luân phiên các tỉnh diễn ra 2 năm một lần. Đây là dịp 6 tỉnh cùng nhau nhìn lại kết quả thực hiện triển khai chính sách KH&CN cũng như trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý hoạt động KH&CN và đưa ra giải pháp để KH&CN đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế từng tỉnh cũng như toàn vùng.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho biết, trong giai đoạn vừa qua KH&CN đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Vùng Bắc Trung Bộ.
Thứ trưởng Trần Việt Thanh phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Loan Lê.
“Thời gian qua các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ đã có những bước phát triển nhanh chóng, kết cấu hạ tầng được cải thiện, đời sống nâng lên; hoạt động KH&CN của các tỉnh trong vùng đã có nhiều đóng của từng tỉnh nói riêng, cả vùng nói chung. Nhiều vấn đề về quản lý kinh tế, xã hội, lãnh thổ, con người… đã được nghiên cứu tạo lập cơ sở khoa học cho các cấp chính quyền làm tốt hơn công tác quản lý và điều hành, hoạch định chính sách phát triển kinh tế trên địa bàn” – Thứ trưởng Trần Việt Thanh nhấn mạnh.
Audio toàn văn phát biểu khai mạc hội nghị của Thứ trưởng Trần Việt Thanh
Đánh giá cao đóng góp của KH&CN, coi KH&CN là động lực then chốt phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ông Nguyễn Đức Quyền cho biết, thời gian qua Thanh Hóa luôn chú trọng đầu tư cho KH&CN.
Tích cực cụ thể hóa các Nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước giúp triển khai các hoạt động KH&CN thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả, hoạt động nghiên cứu ứng dụng KH&CN đã đóng góp tích cực phát triển ngành.
Ông Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Loan Lê. Cụ thể các chỉ số của tỉnh tăng rõ rệt (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (đứng thứ 10), quản trị hành chính công (thứ (9) chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế (đứng thứ 6)…).
Theo đó ông Quyền cũng nhấn mạnh, đến năm 2020 Thanh Hóa phấn đấu trở thành thành tỉnh khá của cả nước. Trong chỉ đạo của cấp ủy chính quyền của Thanh Hóa xác định 5 trọng tâm, 4 khâu đột phát trong đó KH&CN là một trong bốn khâu đột phá của tỉnh.
Audio toàn văn phát biểu của ông Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa.
Ngay sau phần phát biểu khai mạc chào mừng, ông Trần Văn Quang – Phó Vụ trưởng vụ phát triển KH&CN địa phương đã có phần báo cáo đề dẫn tổng quan về tình hình hoạt động KH&CN của Vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2014 – 2016, định hướng hoạt động KH&CN vùng giai đoạn 2016 – 2020.
PGS.TS Lê Tất Khương – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng, Bộ KH&CN cũng trình bày về các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế mang tính phát triển vùng.
Trong phần thảo luận, Đỗ Khoa Văn – Giám đốc Sở KH&CN Hà Tĩnh, kiến nghị các nhiệm vụ nghiên cứu, triển khai, ứng dụng KH&CN tập trung vào những vấn đề cấp thiết của tỉnh, lồng ghép vào Chương trình xây dựng nông thôn mới, như: sản xuất nông nghiệp hữu cơ, du nhập các giống cây, con có giá trị kinh tế cao…
“Ưu tiên phát triển doanh nghiệp KH&CN, thị trường KH&CN để làm chủ cầu nối cho ươm tạo, ứng dụng, đổi mới và chuyển giao KH&CN” – ông Đỗ Khoa Văn nhấn mạnh.
Còn giám đốc Sở KH&CN Nghệ An kiến nghị Bộ KH&CN tạo điều kiện để các tổ chức KH&CN, các doanh nghiệp của tỉnh được tham gia các chương trình KH&CN cấp quốc gia về nâng cao năng suất, chất lượng, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phát biểu kết luận hội nghị Bộ trưởng Bộ KH&CN ghi nhận những ý kiến trao đổi, thảo luận của đại diện các Sở KH&CN. Bộ trưởng nhấn mạnh thời gian tới vấn đề khởi nghiệp KH&CN gắn với đổi mới sáng tạo cần được chú trọng.
“Làm sao có được nhiều nhất doanh nghiệp ứng dụng KH&CN trên địa bàn, nhiều doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện của doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần đưa nhanh nhất KH&CN vào cuộc sống” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Loan Lê. Cho rằng việc liên kết vùng, xây dựng thiết chế vùng, những liên kết về kinh tế xã hội là không dễ dàng, song Bộ trưởng gợi ý với những vấn đề chung về quản lý nhà nước các cơ quan quản lý, lãnh đạo địa phương có thể chung tay làm. Tuy nhiên trên mặt trận này phải có doanh nghiệp vào cuộc. Cần đặt ra xem những vấn đề nào, sản phẩm nào thị trường có thể đẩy mạnh được thì các tỉnh nên cùng ngồi lại với nhau để giải quyết.
Trước các kiến nghị của địa phương, Bộ trưởng khẳng định với các cơ quan của Bộ, tinh thần chung coi công việc của các địa phương là việc chung, nếu không mọi chủ trương, chỉnh sách chỉ nằm ở thông tư. Theo Bộ trưởng, chỉ có qua tháo gỡ, từ đó kịp thời điều chỉnh những điểm còn mới giải quyết được khó khăn khi đưa cơ chế, chính sách KH&CN vào cuộc sống.
Audio toàn văn phát biểu kết luận hội nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh
Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục sát cánh hơn với địa phương và sẽ có những đổi mới phương thức giao tiếp, chia sẻ thông tin trong khuôn khổ giao lưu vùng để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc thay vì phải chờ đến hội nghị giao ban hai năm mới diễn ra một lần.