Phát triển nguồn nước và lưu giữ nước vào mùa khô; công nghệ chế biến sâu các sản phẩm chủ lực… là những vấn đề cần khoa học khẩn trương vào cuộc để phát triển kinh tế Tây Nguyên.

Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Quốc Khánh tại hội nghị tổng kết chương trình KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011-2015 (chương trình Tây Nguyên 3).

Chuyển giao nhiều công nghệ có tính ứng dụng cao

GS-VS Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Chủ nhiệm chương trình Tây Nguyên 3 - cho biết giai đoạn 2011-2015, chương trình đã bám sát mục tiêu đặt ra tại Quyết định 2632/QĐ-BKHCN của Bộ KH&CN. Nhiều phát hiện mới, kết luận, kiến nghị từ các đề tài không chỉ đóng góp về định hướng, chính sách, giải pháp cho Nhà nước hay các tỉnh Tây Nguyên mà còn là hướng nghiên cứu, vấn đề khoa học có giá trị cần tiếp tục đi sâu, giải quyết để phục vụ sự phát triển của Tây Nguyên và KH&CN Việt Nam.

Giàn nuôi cấy mô/nuôi giống cây sử dụng đèn chiếu sáng LED do nhóm nghiên cứu đề tài TN3/C01chế tạo. Ảnh: Việt Quân
Giàn nuôi cấy mô/nuôi giống cây sử dụng đèn chiếu sáng LED do nhóm nghiên cứu đề tài TN3/C01chế tạo. Ảnh: Việt Quân

Thông qua các nghiên cứu của chương trình, bức tranh tổng thể về hiện trạng tài nguyên thiên nhiên (đất, nước, sinh vật, địa chất, khoáng sản…) của Tây Nguyên được bổ sung, giúp phân tích, đánh giá tiềm năng, tính đặc thù và khả năng khai thác, quản lý. Cơ sở dữ liệu tổng hợp Tây Nguyên được xây dựng trên hệ thống atlas điện tử. Hệ thống này sẽ được chuyển giao cho Ban chỉ đạo Tây Nguyên và 5 tỉnh Tây Nguyên cùng khai thác và cập nhật.

Về lĩnh vực chuyển giao công nghệ, GS Châu Văn Minh cho biết: “Kết quả các nhiệm vụ về công nghệ sinh học đã chuyển giao thành công công nghệ nuôi cấy phôi bò sữa cao sản, công nghệ thụ tinh lai tạo heo rừng Tây Nguyên thành thương phẩm. Kết quả các nhiệm vụ về công nghệ hóa học, vật liệu đã chuyển giao công nghệ chất giữ ẩm đặc biệt, phân bón nhả chậm nhằm ứng phó với hạn hán, cải tạo thoái hóa đất, hoang mạc hóa…”.

Cần áp dụng nhanh giải pháp liên kết vùng

Đưa ra đề xuất trong giai đoạn 2016-2020, ông Nguyễn Đình Kỳ - Phó Chủ nhiệm kiêm Chánh Văn phòng chương trình Tây Nguyên 3 - cho rằng, trong giai đoạn tiếp theo cần nhanh chóng đưa một số giải pháp liên kết vùng ở Tây Nguyên vào thực hiện. Đặc biệt, những kết quả thuộc các nhiệm vụ KH&CN đã nhận được bằng độc quyền sáng chế, phát minh, giải pháp hữu ích phải được ứng dụng nhanh vào sản xuất để biến thành sản phẩm hàng hóa.

Theo ông Kỳ, làm như vậy, những kết quả nghiên cứu riêng lẻ của mỗi đề tài, nhiệm vụ khoa học thuộc chương trình Tây Nguyên 3 sẽ được hoàn thiện hơn, nâng cao giá trị tổng hợp, gắn kết liên ngành.

Đồng tình với đề xuất này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng trong giai đoạn 2016-2020, Ban chủ nhiệm chương trình cần tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo UBND các tỉnh, các sở KH&CN và doanh nghiệp trong vùng để trao đổi, đề xuất những giải pháp có tính chất liên tỉnh và liên vùng.

Theo ông, chương trình cần rà soát lại nhu cầu thực tiễn tại các địa phương, căn cứ vào khung chương trình đã được phê duyệt để xây dựng kế hoạch phù hợp, hiệu quả trong giai đoạn tới. Trong đó, cần ưu tiên việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến là thành quả của giai đoạn 2011-2015 vào thực tiễn sản xuất nông, lâm, công nghiệp và dịch vụ Tây Nguyên.

“Cần nhân nhanh kết quả nghiên cứu của chương trình, đặc biệt việc triển khai dự án ứng dụng công nghệ cần có sự tham gia của các doanh nghiệp để đáp ứng được nhu cầu về ứng dụng và chuyển giao công nghệ của địa phương và đảm bảo tính khả thi về huy động kinh phí cho các dự án này” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói và lưu ý, các nhiệm vụ KH&CN phải xuất phát từ nhu cầu thực tế nhằm giải quyết các vấn đề cấp thiết tại Tây Nguyên như phát triển nguồn nước và lưu giữ nước vào mùa khô, hoàn thiện cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện canh tác, công nghệ chế biến sâu các sản phẩm chủ lực…

Sau 5 năm thực hiện, chương trình Tây Nguyên 3 đã có 334 công bố khoa học trong nước, 63 công bố trên tạp chí, hội nghị, hội thảo quốc tế. Chương trình có 62 đề tài và 5 nhiệm vụ độc lập, trong đó 31 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và phòng tránh thiên tai (chiếm 50%); 21 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học - xã hội và an ninh quốc phòng (chiếm 34%); 11 đề tài thuộc lĩnh vực KH&CN (chiếm 16%).