Hà Tĩnh: Chế biến nước mắm bằng năng lượng mặt trời
Triển khai thực hiện thông báo số 2103/TB-BKHCN ngày 11/6/2014 về kết luận của Bộ trưởng Bộ KH&CN tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh ngày 5/5/2014, Bộ KH&CN đã xem xét hỗ trợ thực hiện dự án “Hoàn thiện công nghệ và thiết bị chế biến nước mắm quy mô công nghiệp ứng dụng năng lượng mặt trời” do Sở KH&CN Hà Tĩnh chủ trì. Thời gian thực hiện 16 tháng (2015-2017), ngân sách nhà nước hỗ trợ 2.410 triệu đồng.
Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cũng đã hỗ trợ triển khai 2 dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Dự án “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ trên Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Tĩnh” đã được triển khai 2 giai đoạn, được hội đồng nghiệm thu đánh giá xuất sắc. Dự án “Quản lý chỉ dẫn địa lý “Phúc Trạch” cho sản phẩm bưởi của huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh” đang được Cục Sở hữu trí tuệ hỗ trợ triển khai.
Trạm thực nghiệm và ươm tạo công nghệ tại Thạch Thành, Thanh Hoá đã nghiên cứu được nhiều giống cây, con tốt. Ảnh: N.Nam
Sở KH&CN Hà Tĩnh đã lập ban chỉ đạo và ban hành quy định về phối hợp, triển khai dự án, vận động xây dựng và thành lập Hội Sản xuất và Kinh doanh bưởi Phúc Trạch với 115 hội viên, xây dựng hệ thống các văn bản quản lý và hệ thống quảng bá sản phẩm. Trong vụ bưởi năm 2014-2015, hoạt động sử dụng và kinh doanh chỉ dẫn địa lý của hội đã được triển khai bài bản, bước đầu mang lại kết quả khả quan.
Nghệ An: Ứng dụng công nghệ cao sản xuất, tiêu thụ cam
Thực hiện thông báo số 2486/TB-BKHCN ngày 13/7/2015 về kết luận của Bộ trưởng Bộ KH&CN tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An ngày 25/6/2015, bộ đã xem xét phê duyệt dự án “Ứng dụng công nghệ cao sản xuất và tiêu thụ một số loại cam theo mô hình chuỗi liên kết giá trị tại tỉnh Nghệ An” thuộc chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025. Hồ sơ đang được hoàn thiện để thẩm định kinh phí và triển khai từ năm 2016.
Tại Quyết định số 1467/QĐ-BKHCNMT ngày 8/10/1998 về việc “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống TC-ĐL-CL Việt Nam đến năm 2020”, thành phố Vinh, Nghệ An được xác định là nơi xây dựng và phát triển một trung tâm kỹ thuật TC-ĐL-CL để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ.
Tại tờ trình số 598/TTr-TĐC ngày 8/5/2009 về việc thực hiện quy hoạch này, Tổng cục TC-ĐL-CL đã kiến nghị lộ trình phát triển mạng lưới trung tâm kỹ thuật TC-ĐL-CL, theo đó giai đoạn 2010-2015 ưu tiên phát triển các trung tâm kỹ thuật vùng Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ (tại Nghệ An) và Tây Nam Bộ.
Tổng cục đã nghiên cứu các luận chứng khoa học và thực tiễn cho việc thành lập trung tâm vùng Bắc Trung Bộ và sẽ báo cáo bộ triển khai sau khi hoàn thành việc xây dựng trung tâm vùng Tây Nguyên.
Thanh Hóa: Chú trọng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Triển khai thực hiện thông báo số 2997/TB-BKHCN ngày 18/8/2015 về kết luận của Bộ trưởng Bộ KH&CN tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa ngày 18/7/2015, đối với việc bảo tồn và phát triển một số loài dược liệu quý có giá trị kinh tế cao, đề tài “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gene dược liệu lan gấm tại Thanh Hóa và một số tỉnh Bắc Trung Bộ” được hình thành. Đề tài đã được phê duyệt kinh phí và đang chờ ký hợp đồng thực hiện.
Về việc hỗ trợ kêu gọi đầu tư, tìm kiếm và chuyển giao công nghệ vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) tỉnh Thanh Hóa sau khi khu này được thành lập, Bộ KH&CN - với mạng lưới đại diện KH&CN tại một số quốc gia tiên tiến có thế mạnh về nông nghiệp CNC như Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan, Israel - có thể hỗ trợ tỉnh thúc đẩy hợp tác với các quốc gia trên trong lĩnh vực CNC phù hợp với thế mạnh của tỉnh, đặc biệt về chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, hợp tác nghiên cứu; giới thiệu chuyên gia, nhập giống (cây, con) chất lượng, năng suất cao...
Hội nghị giao ban vùng Bắc Trung Bộ diễn ra ngày 16/9 tại TP. Thanh Hóa. Ngoài việc nghe báo cáo tình hình hoạt động KH&CN vùng giai đoạn 2014-2016 và định hướng giai đoạn 2016-2020, các đại biểu sẽ trao đổi về các vấn đề: Phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế mang tính vùng, công tác tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, sở hữu trí tuệ… |