Những ngày đầu tháng 9/2016, đúng mùa thu hoạch chanh đào, chúng tôi đến vùng trồng cây chanh đào của anh Vũ Văn Thiết (thôn Đông Hải, xã Quảng Thành), gặp lúc anh đang tiếp một đối tác từ bên Đông Hưng (Trung Quốc) sang đàm phán mua sản phẩm chanh đào tươi của gia đình. Anh cho biết đây là đối tác có chuỗi cửa hàng bên Đông Hưng, trước đây muốn mua quả chanh tươi về chế biến, sau đó gắn nhãn mác lên nhưng anh không đồng ý.
Hiện họ tiếp tục đến đàm phán sẽ cung cấp hộp có nhãn mác của họ rồi mình chế biến đóng gói để họ tiêu thụ, nhưng anh cũng vẫn chưa đồng ý. Bởi lẽ sản phẩm si rô chanh đào mật ong của cơ sở anh mặc dù mới qua một lần giới thiệu tại Hội chợ xuân năm 2015, Hội chợ thương mại - du lịch quốc tế Việt - Trung 2015, nhưng sản phẩm này đã có các đối tác ở Móng Cái, Hưng Yên, Hải Phòng đặt hàng thường xuyên. Riêng quả tươi cũng có đơn vị sẵn sàng bao tiêu toàn bộ mỗi vụ.
Cách đây hơn 2 năm, sau khi bỏ nghề chạy xe khách, anh Thiết đã thăm thú nhiều trang trại trong toàn quốc để tìm hiểu các mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Một lần đến thăm trang trại nhà bạn ở Hưng Yên, khi đó đang bị viêm họng, anh bạn cho dùng chanh đào ngâm mật ong, sau một thời gian khỏi ho anh đến người bạn tìm hiểu và quyết tâm trồng loại cây này. Thế là về nhà, khu đồi trồng 200 cây nhãn nhiều năm nay cho thu hoạch hàng chục tấn mỗi năm, anh phá bỏ hết, chỉ giữ lại 2 cây làm kỷ niệm. Bao nhiêu vốn liếng tích cóp được anh đầu tư trồng chanh đào. Khi ấy, nhiều người tưởng anh bị “ngáo đá”. Vợ anh cũng không đồng thuận, từ khi chặt nhãn trồng chanh, phải hơn 1 năm vườn chanh ra hoa, chị mới lên thăm vườn.
Cuối năm 2014, anh bắt đầu trồng chanh trên diện tích 1,7ha với trên 1.600 gốc. Anh tích cực tìm hiểu việc chăm sóc cây từ những kỹ sư của Công ty Phát triển giống cây trồng VSC Hưng Yên, nơi cung cấp cây giống cho anh. Ngoài ra, anh còn ngày đêm lên mạng Internet nghiên cứu về cây chanh đào. Sau gần 1 năm, cây chanh đào cho ra lượt trái đầu tiên, nhưng do năm đầu nên anh chỉ để mỗi gốc khoảng 3kg chanh. Bên cạnh thu hái bán quả tươi, anh nghiên cứu chế biến si rô chanh đào mật ong và đem thử 500 trăm lọ đến bán thăm dò thị trường tại gian hàng OCOP huyện Hải Hà trong Hội chợ xuân 2015. Sản phẩm của anh được ưa chuộng, hết hội chợ anh bán được 5.000 lọ si rô chanh đào.
Vụ chanh đào này, sau khi nghiên cứu, anh chỉ để khoảng 400 gốc cho thu hoạch chính vụ, đến thời điểm này đang thu tỉa. Số cây còn lại, sau khi nghiên cứu anh mạnh dạn áp dụng KHCN như phun thuốc rụng hoa quả non, đào xén rễ để cho cây chanh ra trái vụ. Nếu áp dụng thành công chanh đào trái vụ, anh sẽ thu hoạch được khoảng 20 tấn. Anh Thiết chia sẻ: Đưa 1/3 số cây vào áp dụng trái vụ là “liều một phen” bởi chính vụ toàn bộ số cây của anh có thể cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng. Nhưng nếu thành công sẽ mở ra hướng đi mới cho cây chanh đào trên đất Hải Hà. Bởi lẽ sau hơn 2 năm trồng, anh Thiết thấy cây chanh đào rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Hải Hà. Anh Thiết mong các ngành chức năng sớm nghiên cứu đánh giá cụ thể để người dân có thể mở rộng diện tích trồng.
Huyện Hải Hà đã quy hoạch trồng cây có múi, trong đó có cây chanh đào trên địa bàn 2 xã Quảng Thịnh và Quảng Thành với diện tích khoảng 340ha. Cây chanh đào đang cho hiệu quả kinh tế cao là hướng phát triển mới của huyện Hải Hà nhằm hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung cho giá trị kinh tế cao, đồng thời xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm đặc trưng của địa phương.