Chỉ khi đánh giá được trình độ công nghệ mới biết năng lực của doanh nghiệp thế nào, mạnh - yếu ở đâu. Nếu không nắm được những yếu tố này, việc hỗ trợ doanh nghiệp cũng giống như muối bỏ biển.

TS Nguyễn Hồng Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) địa phương, Bộ KH&CN - trò chuyện với Báo Khoa học và Phát triển xung quanh câu chuyện đưa KH&CN vào hoạt động của doanh nghiệp.

TS Nguyễn Hồng Hà. Ảnh: Phượng Hằng
TS Nguyễn Hồng Hà. Ảnh: Phượng Hằng

41/63 tỉnh giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ

Tăng cường đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng kinh tế nói chung, từng địa phương nói riêng là chủ trương lớn, trong đó doanh nghiệp được xác định là yếu tố cốt lõi. Vậy chủ trương này được triển khai trong thời gian qua như thế nào, thưa ông?

2016 là năm doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, tôi cho rằng đây là thời cơ. Từ trước đến nay chúng ta vẫn nói KH&CN là động lực của sự phát triển xã hội, nhưng năm nay chúng ta lấy chủ đề khởi nghiệp cho doanh nghiệp và KH&CN là động lực phát triển kinh tế, trong đó tập trung cho doanh nghiệp. Như vậy là tầm nhìn và chiến lược đều có.

Thực tế, thời gian qua chúng ta đã dành nỗ lực cho hoạt động này - đặc biệt là những chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp. Nhiều địa phương đã đẩy mạnh hoạt động này và cũng mang lại kết quả tích cực.

Trong đó, KH&CN tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp thông qua 5 yếu tố: Thứ nhất là công nghệ phù hợp tạo nên năng suất tốt nhất trong điều kiện tốt nhất; thứ hai là tài sản của doanh nghiệp; thứ ba là các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế; thứ tư là trình độ tổ chức và quản lý; thứ năm là năng suất các yếu tố tổng hợp.

Các tỉnh đang sử dụng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, tôn vinh doanh nghiệp qua giải thưởng, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Một số tỉnh còn miễn - giảm thuế, cho thuê đất… Toàn quốc hiện nay có 41 tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng này.

Nếu đưa ra nhận định về sự năng động và hiệu quả ứng dụng KH&CN vào phát triển kinh tế, ông ấn tượng với địa phương nào? Đâu là mô hình nên nhân rộng để các địa phương cùng học hỏi trong câu chuyện ứng dụng và triển khai, thưa ông?

Trong số 41 địa phương có cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để họ đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tôi khá ấn tượng khi đến miền Tây Nam Bộ và tiếp cận Công ty TNHH Hùng Vương chuyên về cá ba sa. Cái hay ở doanh nghiệp này là họ áp dụng chuỗi khép kín thủy sản (từ giống, quy trình sản xuất, chế biến đến thị trường tiêu thụ). Đi theo quy trình sản xuất này, họ chế biến cả thức ăn, thuốc phòng bệnh. Có thể nói đây là doanh nghiệp đầu tiên trong ngành thủy sản làm theo cách này.

Hay như Tập đoàn Lộc Trời ở tỉnh An Giang - chuyên cung cấp phân bón nhưng kiêm luôn cả khâu thu mua, chế biến gạo cho nông dân. Việc thu mua, chế biến gạo đem lại lợi nhuận không đáng kể, nhưng lại giúp duy trì sự ổn định và mở rộng thị trường cho phân bón, bởi nó tạo ra cơ chế ràng buộc nhau, đem lại lợi ích hài hòa giữa người nông dân và doanh nghiệp. Đó là giá trị chính của cách làm này. Dù Lộc Trời là chủ thể nhỏ, nhưng cách làm đó đang giúp họ có cánh đồng lớn từ việc tập hợp những hộ nông dân như thế này. Doanh nghiệp này đang phát triển mạnh sang các tỉnh Tây Nam Bộ.

Với cây ăn trái, chỉ riêng xoài, vùng Tây Nam Bộ chiếm 50% số diện tích trồng trong cả nước. Hiện có Công ty TNHH Việt Đức đứng ra chế biến xoài sấy dẻo, nâng giá trị quả xoài lên 4 lần.

Khi đó, doanh nghiệp đã phải xây dựng vùng nguyên liệu cho nhà máy. Hộ sản xuất nào muốn được cung cấp nguyên liệu cho nhà máy này thì phải đảm bảo trồng giống xoài cát Hoà Lôc, cát Chu và Thanh Ca (đã được chỉ dẫn địa lý) và phải trồng theo chứng nhận VietGap và GlobGap.

Hiện nhà máy đã đầu tư ở Long An và bao 30% sản lượng xoài của vùng này (trên tổng số 41.000ha). Toàn bộ sản phẩm của công ty được xuất khẩu ra nước ngoài. Doanh nghiệp cũng đã phát triển mô hình này sang Bình Thuận - áp dụng cho quả thanh long.

Những mô hình kể trên chứng minh KH&CN đã đi vào thực tiễn và giúp doanh nghiệp thay đổi quy mô sản xuất, khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp cạnh tranh

Thưa ông, khi Việt Nam vào TPP, các doanh nghiệp trong nước sẽ phải chịu sức ép lớn. Đứng trước thực tế này, doanh nghiệp có thể cậy nhờ gì ở KH&CN?

Các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp đối thủ cạnh tranh vô cùng lớn là hàng Trung Quốc - cạnh tranh về giá và hàng Thái Lan - cạnh tranh về chất lượng. Đây là 2 yếu tố mà KH&CN phải tập trung giải quyết.

Khi vào TPP, cạnh tranh về giá và chất lượng sẽ càng gay gắt hơn. Muốn vậy, phải quay lại bài toán dựa vào điều kiện tự nhiên của chúng ta, dùng KH&CN tác động để trở thành hàng hóa.

Chúng ta phải hiểu rằng không thể có chuyện một quả xoài từ Thái Lan vào Tây Nam Bộ mà lại rẻ hơn xoài ở đây. Thứ hai, nếu chất lượng giống của Thái Lan và Việt Nam như nhau thì chúng ta sẽ thắng, nếu giống của chúng ta tốt hơn thì càng thắng. Vấn đề là KH&CN phải giải quyết bài toán này để các đặc sản đó thực sự trở thành hàng hóa.

Thực tế, KH&CN đã tham gia vào các công đoạn cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu của vùng; đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (VietGap) và công nghệ chế biến sau thu hoạch.

Tuy nhiên, có một thực tế đối là với vùng Tây Nam Bộ, chỉ 5% số đề tài nghiên cứu về chiến lược thị trường doanh nghiệp. Lẽ ra trong các nhiệm vụ khoa học của chúng ta, đề tài nghiên cứu về thị trường và chiến lược doanh nghiệp phải chiếm tỷ lệ lớn, từ đó có thông tin để quyết định nhập công nghệ gì, quyết định đến sản phẩm chiến lược quốc gia. Còn nghiên cứu chi tiết, tính năng sản phẩm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu cũng là hướng cần thiết.

Ngoài ra, việc đánh giá trình độ KH&CN của địa phương cũng rất quan trọng, nhưng mới chỉ 34 tỉnh có đánh giá này. Chỉ khi đánh giá được trình độ công nghệ mới biết năng lực của doanh nghiệp mạnh, yếu ra sao. Nếu họ yếu về thiết bị thì củng cố thiết bị, yếu về năng lực con người thì bổ sung con người có năng lực, yếu về năng lực tiếp cận thị trường thì phải giải quyết thị trường, yếu về chiến lược phát triển công ty thì phải nhấn vào khâu này.

Nói như vậy để thấy nếu không biết năng lực, trình độ của doanh nghiệp thì việc hỗ trợ cũng giống như muối bỏ biển. Còn nếu hiểu rõ doanh nghiệp yếu ở điểm nào, việc hỗ trợ đúng chỗ sẽ giúp họ thay đổi và phát triển.

Ngoài ra theo tôi, cơ chế liên kết vùng hiện vẫn còn lỏng lẻo. Mặc dù Luật KH&CN 2013 có quy định phải xây dựng cơ chế liên kết vùng, nhưng thực tế triển khai vẫn chưa được như mong muốn.

Các giải pháp cho bài toán này đang được Bộ KH&CN áp theo hướng đề tài nghiên cứu, nhiệm vụ KH&CN phải có liên kết vùng thì mới đầu tư - tức là tầm đề tài quốc gia, còn ở cấp tỉnh thì để tỉnh giải quyết. Nhưng cơ chế liên kết vùng thì ta chưa có, ví dụ một sản phẩm ảnh hưởng đến cả vùng nhưng vẫn chỉ giao cho một tổ chức giải quyết, chứ không có cơ chế để 3 tỉnh cùng tham gia một đề tài. Chính vì thế, chúng ta đang phải xây dựng cơ chế này.

Xin trân trọng cảm ơn ông!