Vùng đất trồng mãng cầu Bà Đen tập trung chủ yếu quanh khu vực chân núi Bà Đen. Đây là vùng đất có nhiều yếu tố thuận lợi về điều kiện địa hình, thổ nhưỡng giúp cây mãng cầu phát triển tốt.
Tỉnh Tây Ninh có địa hình vừa mang đặc điểm của một cao nguyên, vừa có dáng dấp, sắc thái của vùng đồng bằng. Là vùng chuyển tiếp giữa cao nguyên Nam Trung Bộ và đồng bằng Nam Bộ, có hướng dốc từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Do vùng chuyển tiếp này kéo dài hàng trăm km nên không dốc gắt như vùng Trung Trung Bộ. Đây là kết quả kiến tạo của vỏ trái đất tại khu vực này từ kỷ Jura hàng trăm triệu năm trước.
Núi Bà Đen là dạng núi sót nổi lên giữa bình nguyên đất xám trên nền phù sa cổ Aluvi. Khu vực quanh chân núi Bà Đen là các đồi dốc thoải lượn sóng có cao trình từ 40m đến 50m so với mực nước biển, địa hình cao và tương đối bằng phẳng, có đến 75,45% diện tích có độ dốc nhỏ hơn 30, một số ít gần chân núi có địa hình dốc độ 3-50, thích hợp cho việc trồng cây cây ăn quả.
Khu vực sản xuất mãng cầu Bà Đen nằm trên khu vực bình nguyên đất xám, trên nền phù sa cổ Aluvi, là kết quả kiến tạo của vỏ trái đất tại khu vực này từ kỷ Jura hàng trăm triệu năm trước. Bao gồm các đồi dốc thoải lượn sóng có, địa hình cao và tương đối bằng phẳng, thích hợp cho sự phát triển của cây mãng cầu trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của vùng đất phía Tây Nam Việt Nam.
Tây Ninh có 5 nhóm đất chính với 15 loại đất khác nhau, trong đó nhóm đất xám chiếm hơn 85,6 % diện tích tự nhiên. Trong khi đó, khu vực núi Bà Đen và vùng phụ cận có 2 nhóm đất chính: Nhóm đất đỏ vàng trên đá Granite và nhóm đất xám. Nhóm đất xám thì bao gồm: Đất xám điển hình trên nền phù sa cổ; Đất xám có tầng loang lổ; Đất xám glay; Đất xám mùn.
Vùng đất trồng mãng cầu diện tích tập trung chủ yếu quanh khu vực chân núi Bà Đen là loại đất xám điển hình trên nền phù sa cổ. Đất có thành phần cơ giới nhẹ đến trung bình (cát pha và thịt nhẹ), tầng canh tác dày trên 100cm.
Đất khu vực quanh Núi Bà Đen có tỷ lệ hạt cát ở tầng đất mặt chiếm 70%, cấp hạt sét chiếm 11,44%. Độ chua pH (H2O) 4,94%, mùn khoảng 2,16%, đạm (0,05%), lân (0,08%) trong đó lân dễ tiêu 72,17mg/100 gam đất, kali (0,04%), trong đó kali dễ tiêu 8,27mg/100gam đất, nhìn chung đạm, lân, kali tổng số đều nghèo; lân., kali dễ tiêu và một số nguyên tố vi lượng hiện diện ở mức khá. Đất hơi chua, tuy nhiên do đất xám có thành phần cơ giới nhẹ nên dễ cải tạo.
Với cấu tạo đất đai của núi là đá Granite và Marma acid, có hàm lượng Kali và khoáng chất như Mangan, kẽm, Magie cao, trải quan thời gian bào mòn và rửa trôi đã hình thành nên vùng đất trồng mãng cầu màu mỡ. Cùng với đó, hàng năm đất ở khu vực này vẫn tiếp tục được bổ sung, bồi đắp, kết hợp với những kỹ thuật canh tác hợp lý đã phát huy được giá trị của đất, tích lũy trong chất lượng của quả mãng cầu được trồng ở đây.