Để có thể giúp vườn cây mãng cầu Bà Đen cho sai quả thì từ công việc bón phân, chăm sóc lá, tỉa cành cho đến xử lý công đoạn ra hoa, kết quả cho cây đều rất cần thiết và phải làm đúng kỹ thuật.
Công đoạn bón phân, trừ sâu bệnh
Do mãng cầu là cây trồng lâu năm nên phân bón là nguồn dinh dưỡng bổ sung cần thiết để cây sinh trưởng và phát triển. Với khối lượng sản phẩm mãng cầu thu khoảng 10 tấn/ha/vụ nên việc cung cấp phân bón hợp lý cho cây mãng cầu là yếu tố trực tiếp làm tăng năng suất và duy trì sự ổn định của vườn cây.
Giai đoạn cho quả ổn định (tuổi cây từ 4-8 năm tuổi): Liều lượng phân bón sử dụng như sau: 20 tấn phân chuồng/ha + 300 kg N/ha + 150 kg P2O5 + 300 kg K2O + 75 kg MgSO4 /ha/vụ.
Giai đoạn cây trên 8 năm tuổi: Liều lượng phân bón sử dụng theo tỷ lệ như sau: 15 tấn phân chuồng/ha + 150 kg N/ha + 75 kg P2O5/ha + 75 kg K2O/ha/năm.
Việc sử dụng phân bón có thể linh hoạt, loại phân sử dụng có thể dùng các loại phân đơn, hỗn hợp, phân tổng hợp có trên thị trường như: urê, lân Lâm Thao, kali clorua, NPK, DAP, Ca(No3)2, MgSO4…
Ngoài ra, có thể bổ sung phân bón lá cho cây, kích thích đến sinh trưởng, năng suất và chất lượng mãng cầu. Thời điểm quan trọng khi phun là phun 2 lần trước khi cây ra hoa và trong giai đoạn cây ra quả thì phun 4 lần. Trong giai đoạn này, cần làm cỏ bằng cách cắt bằng máy, sạt cỏ kết hợp ủ gốc, hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ lưu dẫn trong vườn.
Thường xuyên tiến hành theo dõi để phòng trừ sâu bệnh cho cây mãng cầu, các sâu hại thường gặp đó là: Rệp sáp phấn (Planococus lilacinus); Sâu đục trái (Anonaepestis bengalella); Ruồi đục trái (Bactrocera dorsalis); bọ vòi voi đục phá cành hoa; Nhện đỏ gây hại lá, chồi, hoa và trái non; Bọ trĩ (Thrips); Sâu đục cành (Zuezera coffeae). Cùng với đó là rất nhiệu loại bệnh như: bệnh nấm hồng (Erythricium salmonicolor); bệnh thán thư (Do nấm Collectotrichum Gloeosporioides gây lên); Bệnh thối thân/ thối vỏ, lở cổ rễ (Phytophthora sp); Bệnh đốm đồng tiền/ địa y (lichens); Bệnh bò hóng (Capnodium sp.).
Trong quá trình phòng trừ sâu bệnh cần có sổ ghi chép hàng ngày trong đó ghi nhận ngày phun thuốc, loại thuốc, nồng độ sử dụng, thời điểm phát hiện sâu, kết quả sử dụng thuốc.
Trong thời gian cây ra hoa, đậu quả là giai đoạn cây cần rất nhiều nước và nếu trời không mưa hoặc vào mùa khô cần tưới nhiều nước cho cây. Nếu trồng trong điều kiện thâm canh thì nên lắp hệ thống tưới phun cố định hoặc di động trên tán cây để giúp cây sinh trưởng tốt, đủ nước để xử lý ra hoa sớm; tưới phun là biện pháp tốt nhất để tăng độ ẩm không khí, dễ đậu quả, hạn chế rệp sáp.
Công đoạn tỉa cành, tạo tán và xử lý ra hoa
Việc tỉa cành tạo tán được thực hiện đối với vườn trồng mãng cầu thâm canh và áp dụng đồng bộ kết hợp với việc xử lý ra hoa. Trước khi dự trù cho vườn mãng cầu ra hoa 20 ngày cần tỉa cành tạo tán kết hợp với bấm ngọn cành để kích thích ra hoa. Cành tỉa bỏ là cành vượt, cành tăm, cành vô hiệu không mang quả, chỉ chừa lại những cành, nhánh có độ lớn từ 0,8 cm trở lên. Khi tỉa cành để hạn chế lây lan nguồn bệnh cần phải khử trùng dụng cụ sau khi tỉa xong 1 cây.
Để cây mãng cầu sinh trưởng, phát triển tốt, kéo dài tuổi thọ vườn cây việc xử lý ra hoa cần bảo đảm thời gian nghỉ và phục hồi dinh dưỡng của cây sau khi thu hoạch quả vụ trước ít nhất là 20 ngày. Để kích thích mãng cầu ra hoa có thể kết hợp bấm ngọn cành kết hợp với tuốt toàn bộ lá trên cây.
Kiểm tra chăm sóc mãng cầu. Ảnh: Báo Tây Ninh.
Sau khi thu hoạch vụ trước khoảng 15-25 ngày, ta ngưng tưới nước từ 7 – 10 ngày để cây chuyển từ giai đoạn sinh trưởng sang sinh sản, kích thích việc phân hóa mầm hoa, tiến hành xử lý ra hoa bằng tuốt toàn bộ lá, làm cỏ kết hợp xới xáo và bón phân, tưới nước.
Trong canh tác mãng cầu, năng suất cao là yếu tố cần thiết nhưng điều quan trọng là phải có năng suất quả loại 1 cao thì mới có hiệu quả kinh tế cao. Để năng suất quả loại 1 cao cần phải tỉa bớt quả trên cây chỉ để lại số lượng hợp lý. Vụ mùa mưa chỉ nên để lại 50-70 quả/cây, vụ mùa nắng chỉ để 50 quả/cây.
Chỉ tỉa bỏ những quả xấu méo do thụ phấn không đều, sâu bệnh, quả còi nhỏ chậm phát triển trong chùm. Kỹ thuật tỉa thưa quả thực hiện 2 lần: 20 ngày sau khi đậu quả (đường kính quả khoảng 2 cm) và 15 ngày sau khi tỉa lần 1 (đường kính quả khoảng 4 cm).