Hồng Bảo Lâm cho sai quả, dễ trồng, mang hương vị đặc trưng là nhờ vào việc được trồng trên những vùng đất của sản phẩm bồi tụ phù sa mang nhiều khoáng chất thiết yếu cho cây sinh trưởng và phát triển tốt.
Sự hình thành cũng như quá trình phát sinh của lớp vỏ thổ nhưỡng có mối liên hệ chặt chẽ với đá và khoáng chất hình thành chúng. Do vậy, tính chất cơ bản của đất chịu sự chi phối của đặc điểm đá mẹ và mẫu chất tạo đất. Qua khảo sát chi tiết cho thấy ở vùng hồng Bảo Lâm, huyện Cao Lộc có các loại đá mẹ như: đá Granit, đá phiến sét, đá phiến thạch, đá phiến thạch mica, đá Riolit, đá cát, sản phẩm bồi tụ phù sa.
Với đặc điểm địa chất này, hồng không hạt Bảo Lâm phân bố trên 2 loại đất chính (đất đỏ vàng trên đá sét và biến chất- Fs; đất vàng đỏ trên đá macma axit- Fa). Khi so sánh chất lượng hồng đặc sản Bảo Lâm, được trồng trên hai loại đất vàng đỏ trên macma axit (Fa) và loại đất đỏ vàng trên đá sét và biến chất (Fs), kết quả cho thấy không có sự khác biệt.
Hồng không hạt Bảo Lâm phân bố trên 2 loại đất chính là đất đỏ vàng trên đá sét và đất vàng đỏ trên đá macma axit. Các yếu tố trong đất thể hiện chất lượng đặc thù đất trồng hồng không hạt Bảo Lâm bao gồm: Độ chua tầng mặt trung bình 4,0 – 4,5, cao nhất 5,7 – 5,9. Hàm lượng chất hữu cơ (OM%) tầng mặt trung bình 1,53%, cao nhất 2,55. Hàm lượng đạm tổng số (N tổng số) tầng mặt trung bình 0,12%, cao nhất 0,21%. Hàm lượng lân tổng số (P2O5 tổng số) trung bình 0,13%, cao nhất 0,35%.
Hàm lượng lân dễ tiêu (P2O5 dễ tiêu) tầng mặt trung bình 5,35 mg/100g đất, cao nhất 23,60 mg/100g đất. Hàm lượng kali tổng số (K20 tổng số) tầng mặt trung bình 1,11%, cao nhất 2,39%. Hàm lượng kali dễ tiêu (K20 dễ tiêu) tầng mặt trung bình 5,12 mg/100g đất, cao nhất 14,40 mg/100g đất. Khả năng trao đổi cation của đất (CEC) tầng mặt trung bình 15,96 meq/100g đất; cao nhất 26,95 meq/100g đất. Đất có thành phần cơ giới thịt nhẹ đến thịt trung bình.
Trên địa bàn 3 xã khu vực Bảo Lâm, huyện Cao Lộc chỉ có các suối nhỏ rải rác ở khắp vùng. Hệ thống sông ngòi trong vùng không những chỉ là yếu tố quan trọng của cảnh quan địa lý và khí hậu mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình hình thành đất, chi phối mạnh mẽ đến tính chất đất phù sa.
Để tránh gây ra lũ lụt do các suối ở đây có dòng chảy ngắn và dốc, cần phải tăng cường biện pháp trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, nhằm hạn chế và phân tán tốc độ dòng chảy v.v… góp phần vào việc bảo vệ đất, ổn định chế độ nước, đáp ứng được những yêu cầu đối với sản xuất, chế biến và sinh hoạt của địa phương.