Các mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi giúp người nông dân đồng bằng sông Cửu Long nâng cao thu nhập, đồng thời góp phần tăng khả năng trữ nước ngọt, khôi phục và bảo tồn các loài thủy sinh cho vùng đồng bằng.

Sáng 12/11, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc Tế (IUCN) đã tổ chức hội thảo tổng kết dự án “Mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi hỗ trợ chiến lược trữ lũ tại đồng bằng sông Cửu Long”.

Hội thảo cho biết, từ năm 2018 đến 2021, dự án mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi tại ba tỉnh vùng thượng nguồn đồng bằng sông Cửu Long gồm An Giang, Đồng Tháp, và Long An đã được IUCN Việt Nam triển khai. Đó là các mô hình như du lịch sinh thái sen, mô hình kết hợp cá sen, lúa mùa nổi, nuôi cá mùa lũ và các loại cây rau nổi khác nhau (ấu, hẹ nước, v.v.), hỗ trợ đa dạng hóa nông nghiệp thông qua thích ứng với các điều kiện khí hậu.

Người dân được tập huấn về kỹ thuật rút tơ sen.
Người dân được tập huấn về kỹ thuật rút tơ sen. Nguồn: IUCN

Mục tiêu của dự án là trình diễn các mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi trên diện tích 450 héc-ta, bảo tồn và khôi phục 6,7 triệu m3 trong tổng lượng trữ lũ.

Theo anh Tăng Phương Giản - điều phối viên của chương trình, trước đây, người dân đồng bằng sông Cửu Long thường để nước lũ tràn đồng thì thời gian gần đây, để canh tác quanh năm, người dân lên đê bao, ngăn lũ vào đồng. Mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi khuyến khích người dân phá bỏ đê bao, cho nước chảy vào đồng, nhằm bảo tồn nguồn nước lũ. Nước có không gian để đi vào, trữ trong đồng, bồi đắp phù sa, tăng độ phì nhiêu cho đất, giảm nhu cầu phân bón cho cây trồng trong mùa khô, đồng thời tăng các loài thủy sinh tự nhiên, cải thiện đa dạng sinh học và hệ sinh thái canh tác nông nghiệp.

Kết quả, dự án đã được thực hiện trên diện tích trên 600 héc-ta, góp phần bảo tồn và khôi phục 9 triệu m3 nước lũ.

Để có được kết quả này, dự án đã thực hiện các hoạt động đào tạo cho hơn 1.000 nông dân tại 3 tỉnh về xây dựng và thực hiện các mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi ít rủi ro nhưng đem lại lợi nhuận, cả bên ngoài và bên trong các đê bao. Trung bình, người nông dân có thể tăng thu nhập 25%-150% từ các mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi, so với không tận dụng được mùa nước nổi.

Theo Ths. Trần Chế Linh – điều phối viên Ban Quản lý Dự án Quản lý nước thích ứng Biến đổi khí hậu, đơn cử như trong dự án Ao dẫn dụ cá cạnh ruộng sen tại xã Vĩnh Trung huyện Tịnh Biên (An Giang), bà con thu lợi nhuận trung bình 55 triệu/ha. Mô hình trồng sen lấy ngó, thực hiện trên địa bàn xã Vĩnh Châu B, Vĩnh Thạnh và Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An có 5 hộ tham gia với tổng diện tích 24ha, lợi nhuận trung bình 29,3 triệu đồng/ha.

Mô hình trồng lúa mùa nước nổi ở Tân Hưng, Long An. Nguồn: IUCN
Mô hình trồng lúa mùa nước nổi ở Tân Hưng, Long An. Nguồn: IUCN

PGS.TS Hồ Thanh Bình – ĐH An Giang, cho biết, trở ngại lớn nhất khi phát triển các mô hình này chính là làm sao khuyến khích được khách hàng sẵn sàng trả tiền mua sản phẩm. Điều này sẽ kích thích người dân gắn bó hơn với các mô hình sau khi dự án kết thúc.

“Theo báo cáo của Long An, Tập đoàn Lộc Trời thu mua lúa [mùa nước nổi] với giá 15.000 đồng/kg, như vậy khi bán ra thị trường, giá gạo có thể gần bằng với gạo ST25. Điều này sẽ gây trở ngại trong việc thuyết phục người tiêu dùng sẵn sàng bỏ tiền ra mua vì gạo chưa có thương hiệu” – PGS.TS Hồ Thanh Bình nói.

Ngoài việc chú trọng chất lượng, cũng cần phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu phù hợp để khách hàng biết và đánh giá đúng với giá trị - PGS Hồ Thanh Bình nói. Trong vấn đề này, chính sách của nhà nước là yếu tố quyết định, chứ doanh nghiệp hay nông dân khó lòng làm được. Các sản phẩm sinh ra từ các mô hình mùa nước nổi vừa để sản xuất vừa để bảo vệ môi trường nên cần đưa vào nhóm sản phẩm nhà nước hỗ trợ tiêu thụ giúp bảo vệ môi trường.

“Trách nhiệm của nhà nước là khuyến khích các công nghệ, mô hình sáng kiến sinh kế như vậy. Gạo lúa mùa nước nổi có giá trị hỗ trợ hệ sinh thái phát triển bền vững và đồng hành cùng người dân miền Tây trong câu chuyện thuận thiên,” ông Bình nói.

Ông đề xuất, các sản phẩm từ mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long rất phù hợp với các nước châu Âu – thị trường chủ trọng đến việc sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường; vì thế, nhà nước có thể hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược, chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường này, đưa các sản phẩm trên trở thành đặc sản mang lại giá trị kinh tế của đồng bằng sông Cửu Long. Có như vậy, mô hình này mới bền vững.