Các thành viên của Nghị viện châu Âu (MEP) sẽ sớm phải đưa ra quan điểm của mình về những quy tắc mới do Ủy ban châu Âu đề xuất. Các chuyên gia cho biết, nếu những quy tắc này quá gò bó, chúng sẽ cản trở việc thử nghiệm cũng như hạn chế khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp châu Âu trong lĩnh vực AI.

Ủy ban châu Âu sẽ công bố các quy định đầu tiên về AI vào tháng này, trong đó yêu cầu các hệ thống AI “rủi ro cao” phải đáp ứng được những tiêu chuẩn tối thiểu về độ tin cậy. Ủy ban cho rằng những quy tắc này sẽ bảo đảm quyền riêng tư và nhân quyền, mà không cản trở sự đổi mới.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trải nghiệm phát minh ‘Sara’ trong chuyến thăm đến Trung tâm AI Xperience. Ảnh: EPA-EFE/Stephanie Lecocq

Cùng với các quy định mới, EU sẽ hỗ trợ “đầu tư có mục tiêu vào ngọn hải đăng của nghiên cứu AI”, theo Khalil Rouhana, Phó tổng Giám đốc của DG Connect.

Tuy nhiên, tại một phiên họp về sự phát triển nhanh chóng của công nghệ vào tháng trước, có ý kiến cho rằng Quỹ tài trợ của EU dành cho AI nên tập trung vào việc xây dựng một cơ sở hạ tầng nghiên cứu lớn, và nên giữ số lượng các quy tắc sắp tới dành cho lĩnh vực này ở mức tối thiểu.

Tập trung đầu tư vào “CERN cho AI”

Có mặt tại phiên họp, những thành viên hiểu biết về công nghệ của Nghị viện cũng như các chuyên gia cho rằng EU nên đầu tư một cách chiến lược hơn vào AI, tạo ra một phòng thí nghiệm trung tâm theo mô hình CERN ở Geneva (Thụy Sĩ) – nơi đã đưa châu Âu trở thành khu vực dẫn đầu trong nghiên cứu vật lý hạt.

“Tôi tin rằng chúng ta nên cam kết xây dựng một CERN dành cho AI, và định vị nó trở thành khu vực đi đầu trong lĩnh vực AI ở châu Âu”, Nghị sĩ người Thụy Điển Jörgen Warborn cho biết.

Theo Warborn, EU có thể đạt được nhiều thành tựu hơn bằng cách tập trung nguồn tiền vào một chỗ, thay vì chia đều cho các sáng kiến riêng lẻ. Ông cũng lưu ý rằng châu Âu chỉ có một số các công ty AI có thể xếp vào dạng hàng đầu thế giới. “Khả năng cạnh tranh của chúng ta là vấn đề lớn”, ông nói. “Chúng ta đang tụt hậu. Mỹ đầu tư 25 tỷ euro mỗi năm vào AI, Trung Quốc 10 tỷ euro và châu Âu chỉ khoảng 2 tỷ euro.”

Marina Geymonat, người đứng đầu bộ phận AI tại Tập đoàn Telecom Italia ở Rome, tán thành ý kiến trên. Ông nghĩ EU nên “dồn hết tiền vào một chiến mã, và cố gắng tạo ra một thứ gì đó giúp tất cả các công ty của chúng ta liên kết với nhau trong một khối thống nhất”.

Tương tự, Volker Markl, chủ tịch hệ thống cơ sở dữ liệu và quản lý thông tin tại TU Berlin và cũng là Giám đốc Trung tâm Dữ liệu lớn Berlin, không đồng ý với chiến lược truyền thống của EU là tạo ra các trung tâm nghiên cứu phi tập trung. “Chúng ta tạo ra mọi thứ với rất nhiều bên liên quan, chẳng hạn như [sáng kiến điện toán đám mây] GAIA-X”, Markl nhận định. “Việc phi tập trung hóa khiến chúng ta không đạt được lợi ích kinh tế quy mô, không gia tăng lợi nhuận lẫn khả năng cạnh tranh, điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ khó kiểm soát các dữ liệu kỹ thuật số của riêng mình”.

Nới lỏng các quy tắc

Ngoài ra, các đại biểu đã chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề lập pháp của Brussels trước những thành viên Nghị viện châu Âu. Các quy tắc AI là một phần trong nỗ lực của Brussels nhằm tạo ra ảnh hưởng lớn hơn đối với các công nghệ mới nổi trên thế giới và ngăn chặn các công ty châu Âu “tụt hậu so với những siêu cường kỹ thuật số”, Dragoş Tudorache, một thành viên của Nghị viện và là chủ tịch ủy ban AI trong thời đại kỹ thuật số, nhận định.

Những người ủng hộ quy định cho rằng cần thiết phải có sự giám sát của con người đối với một công nghệ gây ra những rủi ro mới đối với quyền riêng tư và sinh kế của cá nhân. “Nếu thiết kế thuật toán và dữ liệu đầu vào thể hiện sự thiên kiến, thì bản thân hệ thống sẽ không thể tự loại trừ các tác nhân gây sai lệch này”, Moojan Asghari, đồng sáng lập của Women in AI, cho biết.

Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra lo ngại rằng những điều luật trên sẽ ngăn chặn sự sáng tạo trong đường lối phát triển AI. Brussels đặt ra ngày càng nhiều tiêu chuẩn về chính sách công nghệ toàn cầu, nhưng các quy tắc về quyền riêng tư đối với dữ liệu người dùng, Luật bảo vệ dữ liệu (GDPR), lại đi ngược với nhu cầu “thử nghiệm sáng tạo” của AI. Đây là quan điểm của Sebastian Wieczorek, Phó chủ tịch phụ trách công nghệ AI tại SAP – công ty phần mềm lớn nhất châu Âu, và cũng là công ty niêm yết lớn nhất ở Đức.

“Dữ liệu nào cũng có khả năng chứa thông tin cá nhân. Theo Luật GDPR, ta phải xác định mục đích sử dụng dữ liệu và xóa nó đi khi mục đích đã đạt được hoặc không đạt được. Điều này đi ngược lại sự đổi mới”, Wieczorek nói.

Markl đồng ý, cảnh báo rằng các quy tắc bảo vệ dữ liệu của EU đã dẫn đến một quy trình “chậm và phức tạp” đối với các nhà nghiên cứu và công ty. Ông nêu ra một dẫn chứng gần đây là ứng dụng theo dõi và truy dấu Covid-19. “Quyền riêng tư đã khiến ứng dụng hoạt động không thực sự hiệu quả ở Đức”.

Quy tắc GDPR “không phải lúc nào cũng hợp lý; ở một số nơi, chúng có thể là trở ngại”, thành viên Nghị viện Axel Voss bổ sung.

“Các công ty lo sợ những quy tắc này”, Kay Firth-Butterfield, một luật sư, người đứng đầu mảng trí tuệ nhân tạo và học máy tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cho hay. Bà chỉ ra rằng Hoa Kỳ, với tư cách là quốc gia dẫn đầu trong cuộc đua AI, đã đưa ra những hướng dẫn phù hợp với các doanh nghiệp. Đại diện của Mỹ, Robin Kelly, người đã ủng hộ chiến lược quốc gia của Mỹ về AI, đã yêu cầu các đối tác châu Âu trong tháng này áp dụng các quy tắc “hẹp và linh hoạt”.

Thành viên Nghị viện Nicola Beer cho biết các quy tắc phải thực sự linh hoạt. “Các công ty cần không gian để thử những điều mới mẻ”, bà cho hay.

“Hầu hết các công ty của chúng ta là doanh nghiệp vừa và nhỏ, và chúng ta phải để họ phát triển”, Kristi Talving, Phó tổng thư ký về môi trường kinh doanh tại Bộ Kinh tế và Truyền thông Estonia đồng ý.

Rouhana thừa nhận nguy cơ ngành công nghiệp sẽ bị bóp nghẹt, nhưng ông cũng cho biết các quy tắc sắp tới dành cho công nghệ này sẽ “tương xứng” và “trấn an các công ty và người dân” mà không “tạo gánh nặng cho các doanh nghiệp”. Rouhana cho rằng đây là “cách tiếp cận theo kiểu châu Âu” đối với AI, như một phương án thứ ba có thể trung dung và thay thế cho cả phương án tự do hoạt động – không can thiệp của Mỹ và phương án độc tài của Trung Quốc đối với công nghệ này.

Đề xuất về AI của EU được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội cho các công nghệ mang tính rủi ro cao có thể phát triển, chẳng hạn như AI trong chăm sóc sức khỏe và ô tô tự hành...

Nguồn: sciencebusiness.net