Sản phẩm 3 không
Ông Nguyễn Văn Thiện - chủ cơ sở miến dong Nhất Thiện, huyện Ba Bể - khẳng định chắc nịch về tiêu chí “3 không” của miến dong Bắc Kạn: “Không sạn - không hóa chất - không phụ gia”.
Bắc Kạn hiện có khoảng 20-25 hộ sản xuất miến dong, tập trung tại 2 huyện Na Rì và Ba Bể. Loại dong được trồng để lấy bột làm miến là dong riềng đỏ (giống bản địa). Củ được trồng từ đầu năm và thu hoạch vào khoảng tháng 10, sau đó được xay nghiền, lọc lấy bột rồi ngâm, thay nước nhiều lần. Với bột dong thu được, bằng các kỹ thuật, bí quyết riêng, các cơ sở sản xuất tạo ra loại miến có màu vàng hanh hanh, dai, giòn, mùi thơm đặc trưng, nấu không bị nát.
Cũng theo ông Thiện, sợi miến ngon đòi hỏi kỹ thuật hồ hóa của người thợ: “Cùng một nguyên liệu đầu vào nhưng bí quyết riêng về gia giảm nguyên liệu, cách quấy cho bột đều, chín tới… sẽ làm cho sợi miến của từng cơ sở sản xuất có độ dai, trong khác nhau”.
Sợi miến dong Bắc Kạn được sản xuất hoàn toàn tự nhiên theo phương pháp thủ công nên miến thành phẩm để được khoảng 12-18 tháng mà không biến đổi chất lượng.
Ông Thiện chia sẻ: “Với mỗi lô miến được xuất ra thị trường, tôi đều giữ lại một gói để theo dõi. Nhờ nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, miến Bắc Kạn có thể để được từ 12-18 tháng mà không bị biến đổi màu sắc, sợi miến vẫn dai, thơm như ban đầu, không gãy vụn. Một số loại miến khác trên thị trường chỉ cần để từ 3-6 tháng đã đổi màu, dễ gãy vụn như sợi mì khô”.
Cú hích từ nhãn hiệu tập thể
Trước năm 2012, khi chưa được bảo hộ nhãn hiệu tập thể, miến dong Bắc Kạn được bó thành từng bó từ 1-5kg, cho vào túi nylon không nhãn mác và bày bán ngoài chợ.
Bà Hà Thị Thoa - Trưởng phòng Kinh tế - Xã hội, Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn - chia sẻ: “Một sản phẩm dù chất lượng tốt đến đâu mà đóng gói như vậy cũng rất khó tiêu thụ. Người tiêu dùng không biết được xuất xứ, khối lượng một bó lại quá nhiều. Do thiếu nhãn mác nên các sản phẩm kém chất lượng dễ trà trộn, ảnh hưởng tới uy tín sản phẩm miến dong Bắc Kạn”.
Và nhãn hiệu tập thể đã trở thành cú hích giúp xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh lượng tiêu thụ cho sản phẩm này. Số liệu từ Hội Nông dân tỉnh do bà Hà Thị Thoa cung cấp cho biết, năm 2016, toàn tỉnh có hơn 900ha trồng dong riềng, sản lượng 63.000 tấn củ, tương đương 5.000 tấn miến. Sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp nên được khách hàng trong nước và quốc tế ưa chuộng.
Có thể nhìn rõ sự khác biệt giữa hai thời điểm trước và sau khi miến dong Bắc Kạn được bảo hộ nhãn hiệu tập thể qua lượng tiêu thụ của Nhất Thiện - cơ sở sản xuất miến có tuổi đời 13 năm. Ông Nguyễn Văn Thiện cho biết, trước đây mỗi năm, cơ sở này đưa ra thị trường khoảng 150-200 tấn miến, được tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc, một số ít theo chân thương lái xuống miền xuôi. Từ năm 2012 đến nay, sản lượng hằng năm tăng mạnh.
Năm 2016, Nhất Thiện đưa ra thị trường 450 tấn, sản xuất dự phòng thêm 50-70 tấn nhưng vẫn không đủ bán. Điều tương tự cũng diễn ra tại cơ sở miến dong của bà Triệu Thị Tá. “Vào dịp Tết nguyên đán, nhu cầu về miến dong thường tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường, mỗi tháng chúng tôi tiêu thụ khoảng 20-30 tấn. Với công suất khoảng 2 tấn/ ngày, miến chúng tôi làm tới đâu bán hết đến đó” - bà Tá nói.
“Qua 5 năm, có thể thấy nhãn hiệu tập thể đã làm thay đổi bộ mặt của miến Bắc Kạn. Khi có nhãn hiệu tập thể, chúng tôi bắt đầu nghĩ tới việc làm bao bì riêng cho từng cơ sở sản xuất và đóng gói túi nhỏ từ 200-500g để dễ tiêu thụ hơn, làm mã số, mã vạch in trên bao bì để truy xuất nguồn gốc. Nhờ vậy, người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng cũng như dùng làm quà biếu” - ông Thiện nói và cho biết, trong quá trình triển khai áp dụng các tiêu chuẩn để được sử dụng nhãn hiệu tập thể, các cơ sở sản xuất miến đã được Hội Nông dân hướng dẫn về quyền sở hữu trí tuệ, về việc bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách in tên, địa chỉ, gắn logo lên bao bì cũng như dùng mã số, mã vạch (hiện chỉ mới triển khai ở các cơ sở sản xuất lớn).
Từ những trải nghiệm khi tham quan các vùng kinh tế trên cả nước, chủ cơ sở Nhất Thiện nhận định, miến dong Bắc Kạn đã có thương hiệu, nhưng để phát huy tốt hơn thì cần có sự “bắt tay” giữa nhà quản lý và nhà sản xuất: “Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn, hỗ trợ phát triển thương hiệu để Nhất Thiện cũng như các cơ sở sản xuất khác mạnh dạn mở rộng dây chuyền sản xuất, tránh tình trạng cung không đủ cầu như hiện nay. Đây là điều lãng phí”.
Có tham vọng bao tiêu sản lượng dong riềng của cả 3 huyện Na Rì, Ba Bể và Bạch Thông nhưng do là cơ sở kinh doanh hộ gia đình, Nhất Thiện chỉ được duyệt vay 5-6 tỷ đồng. Theo ông Thiện, con số này chỉ đủ để sản xuất cầm chừng, bởi tiền trả cho công nhân (gồm cả nuôi ăn) đã là 10 triệu đồng/người/tháng, do phải cạnh tranh về thu hút công nhân với các công ty liên doanh nước ngoài.